Tay vợt Đoàn Kiến Quốc chia tay Olympic 2008: Sự nỗ lực đáng khen

Tay vợt Đoàn Kiến Quốc chia tay Olympic 2008: Sự nỗ lực đáng khen

Có một điều khá lạ là trước thềm Olympic, chẳng mấy người ngó ngàng đến tay vợt xứ biển Đoàn Kiến Quốc chuẩn bị tham dự đại hội ra sao khi gần như phó mặc cho anh theo kiểu “tự sinh, tự diệt”. Nhưng khi tay vợt này thành công vượt ngoài mong đợi: lọt vào tới vòng 32 tay vợt nam mạnh nhất Olympic, nhiều người lại tỏ ra hả hê như thể họ đã góp công vào dấu ấn lịch sử của Kiến Quốc…

ÂM THẦM LÀM NÊN LỊCH SỬ

Tay vợt Đoàn Kiến Quốc chia tay Olympic 2008: Sự nỗ lực đáng khen ảnh 1

Nếu có sự đầu tư chuẩn bị đàng hoàng hơn từ những người có trách nhiệm, có lẽ Đoàn Kiến Quốc đã không dừng ở đó...Ảnh: QUANG THẮNG

Chấn thương dai dẳng suốt năm qua của Kiến Quốc khiến nhiều nhà chuyên môn bóng bàn không tin anh sẽ lại tìm được vé đến Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng rốt cuộc anh vẫn thành công.

Khi nhiều người nghi ngờ khả năng tiến xa của Kiến Quốc, anh tiếp tục làm người ta ngạc nhiên với chiến tích lịch sử: lần đầu tiên thắng trận ở Olympic, thậm chí thắng tới 2 trận và suýt chút nữa đả bại tay vợt hạng 29 thế giới Alexei Smirnov của Nga.

Nếu theo sát tay vợt này, mới hiểu được Kiến Quốc luôn trong cảnh phải “tự thân vận động”, tự mình tìm kiếm cơ hội và tự mình tìm cách vượt qua mọi trở ngại để đến với Olympic 2008. HLV trực tiếp của Kiến Quốc, ông Nguyễn Minh Đạt (Khánh Hòa) có lần từng bày tỏ: “Nếu tìm cho Kiến Quốc một ông thầy giỏi, hoặc chí ít đầu tư cho anh ta dự những giải đấu quốc tế trước thềm Olympic như người Singapore đã làm thì Quốc còn có thể làm được những chuyện khó tin khác”.

Tuy nhiên, mong muốn vẫn chỉ là mong muốn. Bởi có nói, cũng chẳng mấy người quan tâm, hoặc cùng lắm là đưa ra lý do: “Thiếu kinh phí nên… bó tay!”. Ngay cả chuyện chọn HLV đi cùng Kiến Quốc trong chuyến tàu tới Bắc Kinh cũng đã gây ra tranh cãi. Người trực tiếp huấn luyện Kiến Quốc thì chẳng thấy, đến khi công bố danh sách thầy trò lên đường, lại thấy một người khác hoàn toàn. Như thế, rõ ràng đã tạo nên luồng dư luận không tốt.

Thế nhưng, bỏ lại sau lưng mọi khó khăn, Kiến Quốc âm thầm tập luyện rồi tiến đến Olympic 2008 và tiếp tục trở thành tay vợt bóng bàn Việt Nam đầu tiên vào đến vòng 2 sau hai trận toàn thắng. Đấy đúng là câu chuyện lịch sử của riêng Kiến Quốc chứ chẳng phải của ai khác.

NHƯ THẾ LÀ TIẾN BỘ VƯỢT BẬC!

Dấu ấn lớn nhất mà Kiến Quốc tạo ra ở Olympic chính là trận thắng 4-2 trước tay vợt hạng 52 thế giới người Pháp Christophe Legout, người xếp trên anh gần 200 bậc ở bảng xếp hạng của ITTF. Đấy là thời điểm Kiến Quốc chứng tỏ bản lĩnh và kinh nghiệm quốc tế (dù ít ỏi) đích thực của mình.

Lối đánh của Kiến Quốc già dặn, tâm lý vững, những pha xử lý trong bàn khéo, cú giao bóng có độ khó cao và đặc biệt là khả năng phòng thủ của anh tiến bộ rõ rệt. Tay vợt người Pháp (cũng chơi tay trái) hoàn toàn bất ngờ trước lối đánh lạ và tinh tế của Quốc, nên bị cuốn theo và thất bại là điều dễ hiểu. Chiến thắng ấy mang ý nghĩa lịch sử, bởi lẽ trong suốt sự nghiệp của mình, hiếm khi Kiến Quốc làm được điều tương tự. Trước đó, ở trận đấu với tay vợt David Zalcberg (Australia), người ta nhận thấy một sự cách biệt về trình độ khá lớn giữa Quốc và David.

Chấn thương lại tái phát khiến Kiến Quốc để thua trong trận đấu mà biết chắc không thể làm nên chuyện trước Alexei Smirnov (Nga, hạng 29 thế giới). Chẳng có gì phải tiếc, bởi đẳng cấp của tay vợt người Nga trội hơn hẳn. Thế nhưng, ít nhất, Kiến Quốc cũng đã nhiều phen đẩy Smirnov vào thế chống đỡ chật vật. Cả hai đều chơi hay những quả trong bàn và phòng thủ vững, chỉ có điều Smirnov “cáo” hơn hẳn về kinh nghiệm.

Rời Olympic 2008, Kiến Quốc có thể tự hài lòng về sự tiến bộ vượt bậc của bản thân. Giới mộ điệu chỉ tiếc một điều: giá như bóng bàn Việt Nam có sự đầu tư “coi cho được” đối với Kiến Quốc, có lẽ tay vợt này đã không dừng ở đó…

THANH LÂM

Tin cùng chuyên mục