Olympic và “người đẹp huy chương”

Olympic và “người đẹp huy chương”

(SGGP 12G)Trong hơn 2 tuần thi đấu sôi nổi của Olympic Bắc Kinh, ở mỗi lễ trao huy chương, người ta đều thấy những cô gái chủ nhà trẻ trung, thanh lịch. Đó là 297 nữ tình nguyện viên Olympic, chuyên giúp việc nghi lễ. Các cô đã góp phần không nhỏ quảng bá văn hóa, đất nước và con người Trung Quốc. Vì thế, khi Olympic khép lại, nhiều người đề nghị nên trao tặng... huy chương vàng đặc biệt cho các cô.

Chuẩn như người mẫu

Olympic và “người đẹp huy chương” ảnh 1
Sự thành công của Olympic Bắc Kinh có đóng góp lớn của những “người đẹp huy chương”

Trong thời gian diễn ra Olympic, 20 nhóm “tiếp viên Olympic” phải tham dự 774 lễ trao giải, gồm 302 cuộc thi Olympic và 472 cuộc thi Paralympic. Phần lớn 297 cô đều thuộc các trường đại học ở Bắc Kinh, có 40 cô đến từ Thượng Hải, đã được chọn trong số hơn 5.000 ứng viên cả nước.

Không dễ đáp ứng mọi tiêu chuẩn của ban tổ chức: 18-24 tuổi, cao 1,68-1,78m, sinh viên đại học, làn da đẹp, thân hình khỏe mạnh nhưng không mập, mắt, mũi, miệng, chân mày phải có tỷ lệ cân xứng với chiều dài khuôn mặt, không có hình xăm trên người...

Mỗi lễ trao giải thường có 6 cô, 2 cô mặc xườn xám đứng 2 bên bục danh dự, trong khi 3, 4 cô khác – có lúc nhiều hơn – bưng khay đặt huy chương và mang đến những bó 9 đóa hồng đỏ – con số và màu sắc tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc theo quan niệm của người Trung Hoa – tặng cho các vận động viên.

Để làm những công việc tưởng đơn giản đó, trước khi Olympic khai mạc, các cô đã trải qua thời gian “khổ luyện” về hình thể, phong cách: Đội sách trên đầu để tập giữ người thẳng, tập cười trước gương với một chiếc đũa cắn giữa 2 hàm răng để lộ chỉ khoảng 8 chiếc răng, tập đứng hàng giờ trên giày cao gót... “Tại mỗi lễ trao giải, chúng tôi thường phải đứng cười tươi hơn nửa tiếng đồng hồ, đi lại hàng ngàn mét mỗi ngày” – một cô cho biết.

Đáng được huy chương

Từ trang phục đến kiểu tóc, cách trang điểm... của các cô đều được nghiên cứu, thiết kế tỉ mỉ và là một đề tài “hot” trong quá trình chuẩn bị Olympic. Sau khi tham khảo ý kiến công chúng và các nhà tạo mẫu cao cấp, ban tổ chức đã chọn 5 bộ trang phục (mỗi bộ gồm nhiều mẫu) cho các cô.

Đó là những bộ trang phục tượng trưng cho đất nước, những chiếc xườn xám cổ truyền, những bộ váy lụa kết hợp 2 màu xanh-trắng –2 màu điển hình của gốm sứ, hội họa Trung Quốc – hay màu trắng với những họa tiết thêu màu cẩm thạch, độc đáo, sang trọng, mang cả hơi hướng thời đại.

Kiểu bới tóc và cách trang điểm của các cô phải phù hợp tinh thần Olympic, đồng thời thể hiện rõ cá tính của tuổi trẻ Trung Quốc. Các kiểu tóc phải tự nhiên, giản dị, có thể thực hiện trong vòng 10 phút, không làm “lạc hướng” chú ý của công chúng với các ngôi sao của buổi lễ, tức các VĐV được trao huy chương.

Cả cách trang điểm cũng vậy, còn phải lưu ý tới “hiệu quả truyền hình”, nhằm tạo những hình ảnh đẹp trên màn hình. Studio Yi Ming ở Bắc Kinh là sa lông sắc đẹp duy nhất phụ trách việc trang điểm và bới tóc cho các cô.

Luôn tươi cười, duyên dáng, lịch sự, tận tâm, là biểu tượng của tuổi trẻ hiện đại năng động, lòng nhiệt tình hiếu khách của người Trung Quốc, các cô đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng khán giả trong và ngoài nước, “xứng đáng được trao tặng huy chương vàng Olympic”, như tờ China Daily nói.

Khán giả sẽ còn gặp lại các cô trong các cuộc tranh tài Paralympic những ngày sắp tới....

MINH QUỐC

Tin cùng chuyên mục