Vì sao Trung Quốc vượt qua Mỹ?

Vì sao Trung Quốc vượt qua Mỹ?

Lần thứ ba, một quốc gia châu Á đăng cai Olympic (Nhật Bản lần đầu năm 1964 và Hàn Quốc lần thứ hai năm 1988) và cũng thật ngạc nhiên, ngay trong lần đầu đăng cai Olympic, Trung Quốc đã truất phế thành công ngôi vị số 1 của thể thao Mỹ, vốn ngự trị trên ngôi đầu 15/29 lần tổ chức, trong đó có 3 lần liên tiếp gần đây nhất (Atlanta 1996, Sydney 2000 và Athens 2004). Đó không phải là chuyện dễ dàng. Vậy nguyên nhân từ đâu?

Vì sao Trung Quốc vượt qua Mỹ? ảnh 1

Chỉ có Michael Phelps mới giúp Mỹ gỡ lại đôi chút thể diện với 8 HCV ở Olympic 2008.

Không đợi đến khi chính thức nhận được quyền đăng cai Olympic 2008 (vào ngày 13-7-2001), Trung Quốc đã tổ chức hàng trăm trung tâm huấn luyện quốc gia trên khắp đất nước, tuyển chọn lứa vận động viên hậu bị, sẵn sàng làm nhiệm vụ Olympic. Lứa VĐV này được sàng lọc cẩn thận, với mục tiêu rõ ràng và chiến lược đầu tư hợp lý.

Bên cạnh đó, thể thao Trung Quốc tận dụng tối đa các môn mạnh của mình tại đại hội như bóng bàn, cầu lông, thể dục dụng cụ, nhảy cầu để thâu tóm gần hết số HCV ở các môn này, cũng như giành giật từng tấm HCV ở các môn tranh chấp như taekwondo, judo, cử tạ, bắn súng, bắn cung...

Việc họ giành được ngôi đầu cần phải đề cập đến nguyên nhân khách quan. Đó là do đoàn Mỹ suy yếu ở nhiều môn mà trước đây họ là “bá chủ”, như điền kinh (cụ thể là chạy cự ly ngắn nam, nữ), quyền Anh...

Việc đoàn thể thao Trung Quốc đạt được mục tiêu đề ra ban đầu là giành ngôi số 1 Olympic hoàn toàn có cơ sở. Với 51 vàng, 21 bạc, 28 đồng, trong tổng số 100 huy chương các loại, Trung Quốc xếp thứ nhất toàn đoàn là xứng đáng, bỏ xa đoàn Mỹ thứ nhì đến 15 HCV.

Vậy trong cái thua của đoàn Mỹ ẩn chứa những nguyên nhân nào?

Công bằng nhận xét, đoàn Mỹ tại Olympic 2008 đã để lại ấn tượng khó quên trong nhiều môn thi đấu, đứng đầu là “kỷ lục của mọi kỷ lục” và là “nhà vô địch của các nhà vô địch”, tay bơi Michael Phelps, với thành tích “vô tiền khoáng hậu”, đoạt liền 8 HCV, phá kỷ lục 7 HCV của đồng hương Mark Spitz, cách đây đến 36 năm, đoạt được trong một kỳ Olympic tại Munich 1972.

Chưa dừng lại ở đó, thành tích 14 HCV đạt được qua 2 kỳ Olympic, đưa Phelps trở thành VĐV đoạt nhiều HCV Olympic nhất, xếp trên Larissa Latynina (Liên Xô cũ), Paavo Nurmi (Na Uy), Mark Spitz và Carls Lewis (đều của Mỹ) với 9 HCV. Họ cũng lên ngôi vô địch ở nhiều môn đồng đội đáng chú ý như bóng chuyền nam, bóng rổ nam nữ...

Tuy nhiên, việc bị đánh bại ở các cự ly tốc độ trong điền kinh, sa sút trong môn thể dục dụng cụ, quyền Anh và nhảy cầu... làm mất đi rất nhiều HCV, làm giảm đi khả năng tranh chấp huy chương với đối thủ Trung Quốc.

Nói một cách khác, khi Trung Quốc tận dụng tối đa những môn thế mạnh thì đoàn Mỹ lại mất đi ưu thế ở những môn mạnh của mình. 15 HCV là khoảng cách mà đoàn Mỹ còn lâu lắm mới “tiêu hóa” hết sau khi thua Trung Quốc. Chắc chắn họ sẽ tìm cách để giành lại vị thế độc tôn ở London 2012, nơi mà đối thủ lớn đến từ châu Á không còn lợi thế sân nhà. 

KIM PHƯỢNG

Tin cùng chuyên mục