

Đồng chí Võ Văn Kiệt (bìa trái), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho lực lượng TNXP thành phố nhân kỷ niệm 10 năm thành lập lực lượng TNXP (28-3-1986)
“Trong hội nghị, tôi gọi chú là đồng chí, nhưng ngoài đời, tôi gọi là chú Sáu, chú Sáu Dân. Tôi đã quen xưng hô với chú như vậy. Cách đây mấy tuần, chú còn gọi tôi tới chơi nhân một đoàn nhà văn các tỉnh phía Bắc vào thăm chú. Tuần trước, được tin chú Sáu vào bệnh viện và bây giờ là tin buồn. Đột ngột quá… Tâm trạng của tôi như là người có người thân vừa qua đời”.
Đó là lời tâm sự của đồng chí Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM, nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TP thời kỳ đầu - một đội quân mà đồng chí Võ Văn Kiệt đã dành biết bao những tình cảm thân thương và kỳ vọng khi đất nước vừa giải phóng. SGGP 12 Giờ xin đăng những suy nghĩ và tình cảm của đồng chí Võ Viết Thanh đối với chú Sáu Dân trong giờ phút vĩnh biệt người.
1. Sau 30-4-1975, do nhu cầu công tác, tôi chuyển từ quân đội qua lực lượng TNXP. Từ những năm kháng chiến, tôi đã nghe nói nhiều về chú. Nhưng hôm đó là lần đầu tiên tôi được gặp chú Sáu. Trong khoảng 2 giờ đồng hồ, chú nói chuyện với Ban Chỉ huy lực lượng TNXP về tình hình chung của TP. Qua câu chuyện, tôi hiểu chú Sáu Dân rất quan tâm đến công tác thanh niên của một TP lớn. Chú nói về lịch sử, hiện tại rồi tương lai và dặn đi dặn lại là “không bao giờ được phân biệt đối xử với những người cũ ở đây”. Chú còn nói, phải tìm cách tập hợp được đông đảo tầng lớp thanh niên TP tham gia vào lực lượng TNXP để tạo cho anh chị em có điều kiện phát triển và trưởng thành.
Lúc bấy giờ, sau khi giải phóng Sài Gòn, gia nhập lực lượng TNXP có lúc cao điểm lên đến 50.000 người. Trong đó, từ học sinh, sinh viên, rồi con em sĩ quan, viên chức chế độ cũ, có không ít những thanh niên có cuộc sống sa ngã như nghiện ngập, tù tội, bị ruồng bỏ trong chế độ cũ cũng gia nhập vào TNXP. Hồi đó, chú Sáu có mối quan hệ rất khắng khít với các tỉnh ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và chú đã đưa lực lượng TNXP đi đến những nơi này để khai hoang, trồng trọt sản xuất. Những bài phát biểu động viên của chú Sáu trong các buổi gặp gỡ TNXP, chúng tôi đã sao chép ra hàng chục ngàn bản rồi truyền tay đến anh em TNXP như một kim chỉ nam để rèn luyện lý tưởng sống. Ở những nơi khó khăn ấy, mùa nắng không có nước ngọt, phải chia nhau từng ngụm nước. Mùa mưa thì mênh mông như biển. Rồi muỗi, vắt, đỉa; rồi lương thực thiếu thốn, sốt rét rạc người… Tôi cũng không ngờ, khó khăn như trong thời chiến nhưng ai cũng chịu đựng được.
2. Năm 1979, chú Sáu Dân lên bàn với tỉnh Đắc Lắc để đưa khoảng 2.000 TNXP lên để khai hoang, trồng cây lương thực, cây nông nghiệp. Tỉnh sẵn sàng giao cho TP khoảng 15.000 ha rừng. Khi tôi đưa anh em lên thì thấy rừng không hẳn là hoang tàn mà phần lớn là rừng tái sinh. Thấy vậy, tôi đề nghị được gặp chú Sáu. Chú Sáu nghe rồi nói dứt khoát: “Thôi, Bảy Thanh, cậu thấy làm được thì làm, nếu không thì để người khác thay thế”.
Chú nói xong mà tôi bần thần, không biết nói gì nên xin phép về. Tôi biết chú nói vậy vì “chê” tôi sợ khó mà không làm! Vài ngày trời, tôi mất ngủ vì câu nói đó của chú Sáu. Cũng do mình thôi, mình trình bày không rõ nên chú mới hiểu lầm là sau chiến tranh, trở lại rừng rú nên ngán ngẩm chăng?!
Tình hình Tây Nguyên không ổn định, mất vài ngày chúng tôi mới bố trí được máy bay trực thăng đưa chú Sáu đi thị sát tình hình. Chúng tôi đưa chú đến suối Đắc Tít (thuộc tỉnh Đắc Nông ngày nay). Mấy ngày ở rừng, chú bình dân lắm, vẫn ăn cơm vắt muối mè như hồi kháng chiến. Sau khi chú đi xe Jeep khảo sát toàn bộ khu rừng, hai ngày sau, chú gọi điện rồi nói: “Mày đến ăn cơm với tao!”. Gặp tôi, chú bảo: “Đúng là rừng này đang tái sinh, mình không nên phá rừng để trồng cây lương thực và cây công nghiệp được”.
Cái tôi phục là chú Sáu Dân không bao giờ bảo thủ, khi đã nhìn ra sự thật thì không bao giờ sợ đã lỡ lời mà không rút lại cả.
3. Mấy chục năm nay, nói chuyện với chú, tôi cảm thấy rất thoải mái, không có “vùng cấm” nào mà tôi không nói đến, từ tình hình trong nước đến trên thế giới. Khi được trình bày ý kiến, tôi không ngại là khác chính kiến hay phải thăm dò ý kiến của chú. Mỗi lần gặp chú để bàn công việc của TP, tôi chỉ thấy là thời gian ngắn quá bởi qua mỗi lần gặp chú, tôi đều học được cái mới từ chú Sáu.
Chú Sáu Dân có thể nghe ý kiến từ nhiều phía. Một người lãnh đạo như vậy rất hiếm có. Trưa nay, ông Nguyễn Cao Kỳ có gọi điện thoại cho tôi, tâm sự là muốn về nước để thắp cho chú Sáu 1 nén nhang. Chú đã để lại một tình cảm mà khi ra đi, ai đã từng gặp chú, hiểu chú cũng đều nhớ và nuối tiếc.
NHÓM PVCT
Có bạn trẻ nào không xúc động với câu hát “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương…”. Quê hương hôm nay không đòi hỏi mỗi người trẻ tuổi phải chết cho quê hương sống nữa. Đất nước vĩnh viễn độc lập, tự do rồi. Quê hương đòi hỏi anh phải sống và sống cho ra sống! Câu hát đó ta nên sửa lại là: “Nếu là người tôi phải sống cho quê hương”! Sống là chia bùi sẻ ngọt với nhân dân. Sống không phải là ăn bám mà là lao động. |