Thực hiện tốt hơn nữa chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

Ngày 21-7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tới dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26-7-1960 - 26-7-2025), đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động và Đại hội thi đua yêu nước của ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VII. Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Thực hiện tốt hơn nữa chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành quả to lớn mà ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong suốt 65 năm qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới là rất quan trọng - là một trong những trụ cột bảo vệ công lý trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là một thành tố quan trọng trong xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; góp phần kiến tạo một xã hội kỷ cương, công bằng, dân chủ, văn minh - nơi công lý được thực thi, pháp luật được thượng tôn và lòng dân được củng cố.

Để thực hiện tốt sứ mệnh quan trọng của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị công tác của ngành kiểm sát phải luôn bám sát và phục vụ, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước trong kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư chỉ rõ, cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh, hiện đại, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả mô hình Viện kiểm sát nhân dân 3 cấp sau sắp xếp, tinh gọn. Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn sâu, đạo đức trong sáng, kỷ luật nghiêm minh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai.

Tổng Bí thư yêu cầu không ngừng đổi mới tư duy, biện pháp công tác để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Cần tăng cường áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng các biện pháp phi tố tụng (hòa giải, đối thoại, thương lượng, thỏa thuận nhận tội...) nhằm chống lãng phí, giảm thiểu xung đột xã hội, tiết kiệm nguồn lực con người và vật chất, giảm chi phí tố tụng, chi phí xã hội. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, hiện đại hóa ngành kiểm sát, hướng tới mô hình Viện kiểm sát điện tử, cắt bỏ thủ tục trung gian, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, thời gian xử lý hồ sơ thủ công, tăng tính minh bạch trong quá trình thực thi nhiệm vụ... Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác kiểm sát; tiếp tục tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ngành kiểm sát.

Tin cùng chuyên mục