Giữ nhịp hoạt động công đoàn

Sau khi sắp xếp, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM quản lý khoảng 2,2 triệu đoàn viên và 21.000 công đoàn cơ sở. Trong bối cảnh số lượng đoàn viên, công đoàn cơ sở rất lớn và trách nhiệm tăng lên, các tổ chức công đoàn đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn cấp xã cũng đề nghị có hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc để các hoạt động công đoàn được thông suốt, hiệu quả.

Lúng túng tìm đầu mối

Ông Võ Anh Dũng, Chủ tịch Nghiệp đoàn xe ôm truyền thống quận 1 (TPHCM), chia sẻ, thời gian qua công việc của ông và anh em trong nghiệp đoàn gặp khó khăn. Lượng khách đi xe ôm truyền thống ít dần vì dịch vụ xe công nghệ phát triển mạnh. Cùng với những lo toan chi phí hàng ngày từ những cuốc xe, ông Dũng cũng trăn trở về việc sau khi LĐLĐ quận 1 (đơn vị quản lý nghiệp đoàn) kết thúc hoạt động, ông và nhiều đoàn viên chưa biết mình sẽ thuộc sự quản lý của công đoàn phường hay cấp thành phố.

V3a.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM Võ Khắc Thái trao quà chăm lo công nhân dịp Tháng công nhân năm 2025

Theo ông Dũng, hiện Nghiệp đoàn xe ôm truyền thống quận 1 đang quản lý gần 600 đoàn viên, đa phần là người lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm qua, nghiệp đoàn luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ từ tổ chức công đoàn thành phố. “Nhiều đoàn viên thắc mắc, nhưng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn để thực hiện cho đúng”, ông Dũng cho biết.

Hiện nay, sau khi công đoàn cấp trên cơ sở giải thể, nhiều công đoàn cơ sở chưa biết mình trực thuộc tổ chức nào để trình kế hoạch hoạt động. Là đơn vị trực thuộc Công đoàn Các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, sau khi đơn vị này kết thúc hoạt động sau sắp xếp từ ngày 1-7, nhiều công đoàn cơ sở đang hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp gặp lúng túng trong việc tìm đầu mối trao đổi một số vấn đề phát sinh.

Nhiều công đoàn cơ sở cho biết, theo thông lệ, vào đầu tháng 7 hàng năm đã nhận được thông tin công bố danh sách Giải thưởng Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị chưa nhận được thông tin về giải thưởng. “Các công đoàn viên có hồ sơ tham gia giải thưởng cũng mong ngóng thông tin. Dù vậy, các đầu mối chúng tôi liên lạc nhiều năm nay ở LĐLĐ TPHCM đa phần đã chuyển vị trí công tác nên thông tin đang bị gián đoạn”, đại diện một công đoàn cơ sở phản ánh.

Linh hoạt, thích ứng với tình hình mới

Là doanh nghiệp nhỏ với số lượng đoàn viên ít, nhưng bà Nguyễn Thị Nữ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Dịch vụ tài chính kế toán thuế Rồng Việt (phường Tam Thắng, TPHCM), cho hay có một số vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển giao hoạt động tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Tuy nhiên, cán bộ công đoàn phường đã có sự kết nối, trao đổi những vướng mắc, khó khăn và hướng dẫn cách triển khai nên các hoạt động tại đơn vị không gặp nhiều vướng mắc.

“Chúng tôi hiểu thời gian đầu sẽ có một số khó khăn. Do đó, đơn vị chủ động kết nối với công đoàn cấp trên, nắm các quy định mới để điều phối hoạt động, truyền thông, ổn định tâm lý cho đoàn viên”, bà Nữ nói. Song, sau sáp nhập, công đoàn cơ sở phải điều chỉnh lại con dấu, công tác tài chính công đoàn, hoạt động phong trào tập thể, phương án phát triển công đoàn viên… Điều đó rất cần sự hướng dẫn cũng như các quy định liên quan để việc thực hiện không bị sai sót.

Chủ tịch công đoàn phường Xóm Chiếu (TPHCM) Cao Tuấn Anh cho biết, dự kiến Công đoàn phường quản lý khoảng 21.000 đoàn viên với 180 Công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 biên chế cán bộ công đoàn nên khó bảo đảm khối lượng công việc được giao. Ông Tuấn đề xuất LĐLĐ TPHCM có hướng dẫn cụ thể hơn để công đoàn phường sớm kiện toàn nhân sự và đi vào hoạt động.

Hiện công đoàn phường có số lượng đoàn viên đông nhất là Bình Hòa với hơn 102.000 đoàn viên. Công đoàn đặc khu Côn Đảo có số lượng đoàn viên ít nhất là 850 đoàn viên. Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Bùi Thanh Nhân yêu cầu, hoạt động của tổ chức công đoàn thời gian tới phải linh hoạt, thích ứng điều kiện, bối cảnh, tình hình mới, nhất là tập trung xây dựng ứng dụng kỹ thuật số, trợ lý ảo, ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Kim Loan, ngay sau khi thành lập 139 Công đoàn phường, xã, đặc khu trên địa bàn TPHCM, LĐLĐ TPHCM đã thành lập 9 tổ công tác quản lý địa bàn, đồng thời phân công các Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố phụ trách các tổ công tác. Mục tiêu là đảm bảo triển khai các hoạt động công đoàn được thông suốt, nhanh chóng, hiệu quả. Các tổ công tác quản lý địa bàn đã và đang làm việc với công đoàn cấp xã để tháo gỡ vướng mắc về tổ chức, tài chính, nhân sự cho công đoàn phường; hướng dẫn thành lập công đoàn mới, tập huấn nghiệp vụ, giải quyết vấn đề lương và kinh phí hoạt động.

Sau khi sắp xếp, LĐLĐ TPHCM quản lý số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở rất lớn, khoảng 2,2 triệu đoàn viên và 21.000 công đoàn cơ sở. Việc chưa có quy định hướng dẫn đã dẫn đến phát sinh một số khó khăn, nhất là trong giai đoạn đầu. Bà Nguyễn Kim Loan thông tin, các tổ công tác của LĐLĐ TPHCM đang phối hợp với công đoàn các phường, xã, đặc khu để khảo sát, nắm rõ tình hình thực tiễn tại địa phương, số lượng đoàn viên, tình hình việc làm, đời sống của đoàn viên, người lao động. Sự linh hoạt, thích ứng với tình hình mới này nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Bà Nguyễn Kim Loan cũng đề nghị công đoàn phường, xã phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể để nâng cao hiệu quả hoạt động, kịp thời nắm bắt, xử lý các vấn đề liên quan đến quyền lợi, an ninh của công nhân trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục