Đã hơn 4 năm kể từ ngày chúng ta nhận được tin dữ từ Singapore (11-6-2008). Thời gian thấm thoát trôi nhanh, nhưng nỗi bàng hoàng, đau đớn về sự ra đi của Chú Sáu Dân - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, dường như vẫn vẹn nguyên. Đâu đó, chúng ta như vẫn thấy nụ cười hào sảng, ánh mắt ấm áp, bao dung, gần gũi… của Chú. Cảm giác này, rất lạ, bởi nó không chỉ tồn tại trong những người thân, những người từng may mắn được làm việc, gặp gỡ Chú Sáu, mà còn với rất nhiều người chưa một lần giáp mặt, kể cả những người dân bình thường. Thật khó lý giải! Có lẽ sự ra đi và cả những gì mà ông để lại đều to tát!
86 năm có mặt trên cõi đời, từ lúc còn là cậu bé Phan Văn Hòa, con một gia đình nông dân nghèo ở Trung Hiệp - Vĩnh Long, đến khi trở thành Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước, và cả khi đã thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, Chú Sáu vẫn luôn sống một cuộc đời hiến dâng, để lại trong lòng tất cả chúng ta và bạn bè thế giới một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, một ấn tượng khó phai về một người cộng sản chân chính, suốt đời vì Dân, vì Nước. Cuộc đời Chú Sáu như một dòng sông xuất phát từ suối nguồn yêu thương, tích tụ bởi những giọt nước từ bốn phương trời, luôn trong vắt, hiền hòa… chảy mãi. Trước khi Chú đi xa và đến tận bây giờ, không khó để chúng ta bắt gặp, nghe thấy những câu chuyện kể về Chú từ đồng chí, cộng sự, người thân, chính khách… Quả thật, hiếm có một cuộc đời nào để lại niềm cảm hứng, tình thương yêu, lòng kính trọng tròn đầy như vậy!
Đã có rất nhiều bài báo, sách, tạp chí, nghiên cứu viết về Chú Sáu. Chúng tôi nghĩ số lượng các bài viết sẽ dày thêm cùng năm tháng bởi những người đã từng gặp Chú, dù chỉ thoáng chốc, cũng có những kỷ niệm, mà đôi khi nó trở thành định hướng cho cả cuộc đời họ. Chú được xem là “Người thắp lửa”, “Người cận vệ của lịch sử”, “Một cuộc đời hiến dâng”, “Thủ tướng Điện”, “Ông Bí thư phá rào”, “Chủ tịch gạo”… Có thể nói mỗi câu chuyện là một góc nhìn, một mảnh ghép bức chân dung về Chú, nhưng có lẽ tất cả đều không đủ để khắc họa một cách đầy đặn về con người của Chú Sáu, một nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo vì dân tộc, một bộ óc chiến lược, một con người nhân hậu, thủy chung, chí tình, chí nghĩa. Càng đọc, chúng ta càng cảm thấy Bác Hồ kính yêu đã may mắn có được một học trò xuất sắc, đất nước và dân tộc thật phúc đức có một nhà lãnh đạo kiệt xuất với tầm nhìn thời đại, tư duy tiên phong. Chú là con người của cải cách, đổi mới vì những yêu cầu của số đông quần chúng, nhân dân và thời cuộc.
“Nếu có sẵn đường thì đâu cần mở đường!”, với tư duy đó ông đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho việc xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Ông là tác giả, là kiến trúc sư của nhiều công trình quan trọng, làm thay đổi diện mạo đất nước, biến cái không thể dưới mắt nhiều người thành cái có thể, như: Thủy điện Trị An, khai phá Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, đường dây tải điện Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh…
Tư duy đó xuất phát từ một bộ óc thông tuệ, một trái tim nhân văn, nhưng không thể không kể đến những trái tim và khối óc được ông cổ vũ cống hiến cho đất nước đã tiếp sức mạnh mẽ cho ông trong hành trình gian khó đó, đặc biệt là giới trí thức. Nhiều người thường đặt ra câu hỏi, một nông dân chưa học hành tới nơi tới chốn như ông, vì sao lại có thể làm được những điều thần kỳ như vậy? Những câu chuyện của các nhân sĩ, trí thức đã trả lời rất rõ ràng, đầy đủ cho câu hỏi này. Không có gì lạ khi Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn gọi ông là “Người anh cả của giới trí thức”. Còn kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, lại cho rằng ông là “mạnh thường quân” của ngành kiến trúc. Ông khao khát tri thức, vì thế luôn xem trọng giới trí thức và những tư duy mới, sáng tạo. Hầu như không có một quyết định nào của ông ở cương vị người lãnh đạo mà trước đó ông không tập hợp và lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học và tìm hiểu kinh nghiệm tích lũy từ cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận định: “Một phần quan trọng trong nguyên nhân thành công của ông là nhờ ông quy tụ được rất nhiều trí thức, kể cả những người đã từng có quan điểm đối lập”. Thực ra, cách làm này không phải quá mới mẻ với các nhà lãnh đạo, nhưng cái cách mà ông thực hiện thì quả là khó lẫn vào đâu được vì mang “ấn” Võ Văn Kiệt. Không phải dễ dàng để mọi người có thể chấp nhận, nhất là thời điểm đất nước mới giải phóng, khi ông trọng dụng, quan tâm sâu sắc đến những người trí thức từng làm việc cho chế độ cũ. Ngay như thời điểm hiện nay, khi câu nói của ông “Không ai chọn cửa để sinh ra” ra đời đã 35 năm, thật sự mở ra cánh cửa cho những người vốn xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau, thì những băn khoăn về lý lịch, thành phần xuất thân không phải đã được rũ bỏ hoàn toàn ở mọi nơi, mọi lúc. Điều đó cho thấy một tầm nhìn, một tư duy rộng mở của Chú Sáu.
Ở phía ngược lại, tâm thế của giới trí thức, nhất là những người đã từng giữ những vị trí cao trong chính quyền cũ, cũng không phải không có những ngóc ngách khó giãi bày. Nhưng tất cả mặc cảm, rào cản đều được xóa mờ. Theo lý giải của nhiều người trong cuộc, đó là nhờ ông không mang nguyên cái “thế” của một nhà lãnh đạo kháng chiến xuất sắc từ trong rừng trở về. Ông cũng không hề ngần ngại trong việc học hỏi, tham vấn ý kiến từ những trí thức Sài Gòn cũ, trong đó có cả những người từng là Phó Thủ tướng trong chính quyền Sài Gòn như Nguyễn Xuân Oánh, Nguyễn Văn Hảo…
Khi thực hiện việc cải cách hệ thống ngân hàng, hai tác giả chính của Pháp lệnh Ngân hàng thời đó cũng là hai trí thức Sài Gòn - ông Huỳnh Bửu Sơn và Lâm Võ Hoàng. Sử dụng trí thức như cách của ông đòi hỏi một sự dũng cảm, bản lĩnh, đồng thời cũng hết sức chân thành. Tất cả những chuyên gia kinh tế từng được tham gia vào các nhóm cố vấn, nhóm chuyên gia do đồng chí Võ Văn Kiệt thành lập đều có chung nhận định là Chú Sáu Dân luôn trân trọng giới trí thức. Hơn thế, theo ông Phan Chánh Dưỡng, “trong sâu xa thái độ trân trọng trí thức của Chú Sáu ngoài việc đặt để một sự tin cậy, còn hàm chứa một tinh thần đoàn kết dân tộc, một tầm nhìn sâu sắc, sự chuẩn bị nguồn lực phát triển đất nước trong tương lai”.
Điều đó thể hiện rõ qua việc ông luôn coi trọng, chọn lọc và sáng suốt tiếp thu ý kiến của các trí thức Việt kiều và các chuyên gia nước ngoài. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong một bài viết, đã nhận định rằng: “Đất nước gặt hái được những thành tựu nhờ sự bừng dậy trí tuệ và tài năng của người người, lớp lớp những công dân gắn bó với sự nghiệp cao cả của Tổ quốc. Đây chính là con đường thực hiện dân chủ mà đồng chí Võ Văn Kiệt theo đuổi một cách nhất quán để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong suốt cuộc đời hoạt động của mình”.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, “ở đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, đại đoàn kết dân tộc xuất phát từ niềm tin sâu sắc: Yêu nước không là độc quyền của riêng ai; Tổ quốc là của tất cả mọi người Việt Nam; mọi người Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm đóng góp cho đất nước”. Và vì thế, tuy không bằng cấp, không học vị, nhưng ông được xem là một người trí thức chân chính nhất.
Với giới văn nghệ sĩ, vốn rất nhạy cảm, Chú Sáu Dân cũng đã để lại những tình cảm sâu sắc. Ông là một người bạn lớn, luôn chia sẻ, động viên, thậm chí là chỗ dựa của họ khi gặp “búa rìu dư luận”. Câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể cho chúng ta một cái nhìn chính xác về sự cởi mở của Chú Sáu. Vào khoảng năm 1980, trước khi ra Hà Nội nhận công tác mới, Chú Sáu có gặp nhà văn và một số văn nghệ sĩ như nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn.
Đêm đó, nhà thơ Nguyễn Duy đã đọc những bài thơ khó đăng của mình, trong đó có bài “Đánh thức tiềm lực”. Chú nghe, tỏ vẻ thích thú chứ không phản ứng như một số người khác. Nhờ vậy mà sau đó bài thơ cũng được đăng… Ông quan tâm đến từng văn nghệ sĩ. Ông biết thói quen, sở thích của từng người. Ông “bảo lãnh” các tác phẩm khi mới thành hình, bằng cách tạo điều kiện để văn nghệ sĩ đọc trước cho mình nghe. Đi công tác, hay đi thực tế, ông thường rủ văn nghệ sĩ cùng đi. Và còn nhắc họ là phải không ngừng nghỉ trong sáng tạo. Ông đến với văn nghệ sĩ bằng một tâm hồn rất nghệ sĩ, có lẽ vì thế mà văn nghệ sĩ luôn thấy rất gần ông, họ luôn thoải mái, không dè dặt trong phát ngôn, đổi lại ông luôn được nghe “tiếng lòng” thật sự của họ. Ông thực sự là chỗ dựa của văn nghệ sĩ.
Cũng chính vì thế mà ông luôn là nơi “được” giới văn nghệ sĩ chọn để “gõ cửa” mỗi khi gặp khó khăn. Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há, cánh chim đầu đàn của nghệ thuật cải lương Việt Nam cho biết, trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua trong việc xây dựng Khu dưỡng lão Nghệ sĩ tại quận 8, bà cùng nhiều nghệ sĩ đã nhiều lần đến gặp ông. Ở đấy giờ vẫn uy nghiêm 3 bóng tùng mang tên Võ Văn Kiệt, Nguyễn Vĩnh Nghiệp và Phùng Há - 3 người có công lớn trong việc hình thành mái ấm tình nghĩa này. Ngay ngày sinh nhật của bà, ngày 30-4, cũng do ông chọn, lấy theo ngày thống nhất đất nước. Nghệ sĩ Phùng Há đã lấy ngày đó làm “Lễ sinh nhật nhớ ơn cha mẹ”, biến nó thành ngày vận động các mạnh thường quân quyên góp để giúp đỡ những người khốn khó. Lúc sinh thời, ngày sinh nhật của bà, ông thường đến dự, nếu không đến được thì cũng tặng quà, gửi lời chúc mừng.
Dù rất bận rộn, ở vị trí của những người lãnh đạo hàng đầu đất nước, nhưng ông vẫn có mặt thường xuyên ở sân bóng đá, nhà hát, sân khấu… Không chỉ tham gia các sự kiện lớn, một buổi ra mắt câu lạc bộ Sáng tác trẻ Thành đoàn, ông cũng đến dự và phát biểu. Nếu có dịp, ông thường cố gắng sắp xếp để đến xem các buổi diễn của các nghệ sĩ, không nề hà đó là loại hình nào, từ cải lương, hát bội… Nghệ sĩ Diệp Lang, Ngọc Giàu và nhiều nghệ sĩ khác rất nhớ những cái vỗ vai, bắt tay nồng ấm mỗi khi ông lên tặng hoa, chúc mừng sau khi biểu diễn. Ngoài việc cổ vũ, động viên cho văn nghệ sĩ, vận động viên, với nụ cười đặc sản Võ Văn Kiệt, những người dự khán còn cảm nhận ở ông sự đồng điệu, tính quần chúng, gần gũi, sâu lắng… Nhà văn Lê Văn Thảo luôn cảm kích thái độ trọng thị của Chú Sáu với văn nghệ sĩ. Theo nhà văn, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Chú Sáu đã thường tổ chức gặp gỡ văn nghệ sĩ. Cái “lệ” này đã được các thế hệ lãnh đạo thành phố duy trì và nó trở thành động lực sáng tác mạnh mẽ của giới văn nghệ sĩ thành phố.
Nhiều người cho rằng đồng chí Võ Văn Kiệt đã rất thành công trong việc thu phục trí thức, và cả văn nghệ sĩ là nhờ ông vẫn làm dân vận theo cái cách của thời cách mạng chưa có chính quyền. Đó là cách ông chinh phục trái tim từng con người một, rồi kéo họ tham gia vào hành trình mà ông đang đi. Ông sử dụng tài năng, tri thức của mọi người bằng thái độ trân trọng, chân thành thực sự. Ông đã loại bỏ những lăn tăn, những cơn sóng gợn trong trái tim và cái đầu nhạy cảm của giới trí thức, văn nghệ sĩ về việc họ cho rằng bị sử dụng, rồi sau đó thì “vắt chanh bỏ vỏ”. Họ luôn thấy họ được đồng hành cùng ông.
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ trong chuyến đi công tác cùng ông ra nước ngoài, khi lên máy bay của Hãng Air France, do sơ suất của bộ phận chuẩn bị ông Thụ chỉ được mua vé ngồi ở phía sau, trong khi Chú Sáu được ngồi ở ghế hạng nhất. Muốn mời ông Thụ lên ngồi cùng nhưng không được chấp thuận, nên Chú Sáu “xin” xuống ngồi cùng KTS Thụ. Và vì thế, tổ tiếp viên phải phá lệ, mời ông Thụ lên ngồi cùng Chú Sáu ở hàng ghế trên. Một động tác nhỏ thôi nhưng ông khiến nhiều người, chứ không chỉ KTS Ngô Viết Thụ, toàn tâm toàn ý với ông. Điều khiến giới trí thức và các văn nghệ sĩ luôn thương và kính ông vì những gì ông đối đãi với họ rất tự nhiên, hào sảng, không có tí kịch nào. Ông cũng không phải cố gắng để làm những điều đó, bởi ông đến với họ bằng trái tim. Thật vậy, mà thường thì cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ được trả lại bằng trái tim.
Khoảng trống mà ông để lại vẫn vô cùng lớn. Hoài niệm, tưởng nhớ, nghiên cứu, học tập, noi gương, làm theo… là những cách mà mỗi người chọn lựa để Chú Sáu Dân - người anh cả của thế hệ thứ tư, luôn tồn tại. Điều đó đã trở thành một phần di sản ông để lại hậu thế, góp phần không nhỏ trong hành trình biến những hoài bão của dân tộc, của Bác Hồ và của chính Chú Sáu về một đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại trở thành hiện thực. Nụ cười Võ Văn Kiệt vẫn luôn rạng rỡ, cổ vũ chúng ta!
Thân Thị Thư
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh