
Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM khóa VIII dự kiến khai mạc vào ngày 10-7, lần đầu tiên HĐND TP tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND TP bầu. Trước thềm kỳ họp, PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm xung quanh công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm cũng như các vấn đề đặt ra từ thực tiễn việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua của Quốc hội cho TPHCM...
Không lo đại biểu thiếu thông tin
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm
- Phóng viên: Công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm của TPHCM đã được thực hiện đến đâu, thưa Chủ tịch?
>> Đồng chí NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM: Trước khi tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, HĐND TPHCM đã triển khai và quán triệt Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội đến tất cả đại biểu HĐND và thành viên được lấy phiếu tín nhiệm. HĐND cũng đã rà lại các chức danh sẽ lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của Nghị quyết số 35/2012/QH13. Các chức danh lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 gồm Chủ tịch HĐND TP, Phó Chủ tịch HĐND TP, Ủy viên Thường trực HĐND TP và Trưởng các ban HĐND TP, Chủ tịch UBND TP, các Phó Chủ tịch UBND TP và các ủy viên của UBND TP. Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, thành viên UBND của TPHCM là 13 người nhưng hiện nay còn thiếu 2 chức danh chưa bầu là 1 Phó Chủ tịch và 1 Ủy viên UBND. Ngoài ra, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Tất Thành Cang chưa đủ thời gian công tác 1 năm theo quy định của Nghị quyết số 35/2012/QH13 nên sẽ không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp HĐND tới. Do vậy, lần này, HĐND sẽ lấy phiếu tín nhiệm ở 16 chức danh gồm 10 chức danh ở UBND và 6 chức danh ở HĐND.
16 thành viên được lấy phiếu tín nhiệm sẽ làm một báo cáo về công tác của bản thân với 2 nội dung chính. Đó là báo cáo về nhiệm vụ thực hiện theo chức trách và thẩm quyền mà chức danh đó đảm nhiệm. Nội dung thứ 2 là báo cáo về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mình. Báo cáo này sẽ được gửi đến Thường trực HĐND trước 20 ngày khi kỳ họp khai mạc, Thường trực HĐND sẽ gởi các báo cáo này đến các đại biểu HĐND trước 10 ngày khi kỳ họp khai mạc. Đến nay tất cả các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đều đã gửi báo cáo về cho Thường trực HĐND. Đến thời điểm này, có thể nói các công tác chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm đã được chuẩn bị kỹ, đúng quy định pháp luật.
- Không ít ý kiến bày tỏ lo lắng khi không phải đại biểu nào cũng đủ thông tin và hiểu rõ tính chất công việc của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Liệu kết quả lấy phiếu có sát thực?
Nếu nói thông tin về các thành viên được lấy phiếu tín nhiệm thì không thể nào hiểu hết 100% đâu, nhưng những vấn đề cốt lõi, chính yếu thì đại biểu vẫn có thể nắm được. Để việc đánh giá khách quan, công bằng, đạt được yêu cầu đặt ra, đại biểu không sợ thiếu thông tin. Thường trực HĐND tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu HĐND có thể hiểu, tương tác, phối hợp trong các hoạt động với UBND. Chỉ có hơn 2 năm hoạt động, chúng ta đã có đến 9 kỳ họp HĐND. Mỗi kỳ cung cấp thông tin cho đại biểu rất nhiều; không chỉ là báo cáo mà chính là sự tương tác giữa đại biểu với các thành viên của UBND, các sở, ban ngành. Bên cạnh đó, mỗi năm HĐND còn tổ chức hàng trăm cuộc khảo sát, rất nhiều các cuộc đi nghe sở ngành về một số vấn đề mà cử tri quan tâm. Và những cuộc như vậy luôn có đại biểu HĐND đến tham dự. Hoạt động khác nữa là tổ chức các đoàn giám sát chuyên đề giữa 2 kỳ họp. Kết quả giám sát đều được gửi đến tất cả đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, có rất nhiều kênh để đại biểu HĐND có thông tin về những người lấy phiếu tín nhiệm như chương trình “Lắng nghe và trao đổi” trên Đài Truyền hình TPHCM, “Đối thoại cùng chính quyền TP” trên Đài Phát thanh TPHCM. Mỗi một chương trình đều đưa một số vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội; vấn đề người dân bức xúc, quan tâm để bàn. Điều này mang tính chất tương tác rất là lớn giữa đại biểu HĐND với chính quyền, giữa cử tri với các cơ quan chính quyền. Trong đó các cơ quan chính quyền làm nhiệm vụ báo cáo tình hình thực tế và giải trình những vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm, thắc mắc và đưa ra những giải pháp khắc phục các hạn chế, nhược điểm đó.
Đánh giá dựa trên tinh thần trách nhiệm
- Nhiều cử tri cho rằng chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm ở 2 mức độ: tín nhiệm và không tín nhiệm để kết quả được rõ ràng hơn. Quan điểm của Chủ tịch như thế nào?
Ngay khi thảo luận về Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội đối với việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, cũng có một số đại biểu đặt vấn đề là lấy phiếu tín nhiệm lẫn bỏ phiếu tín nhiệm cũng chỉ có 2 mức thôi. Nếu làm như vậy, ai có phiếu tín nhiệm cao thì tùy theo phần trăm tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao đó mà sắp tín nhiệm từ cao xuống thấp, còn ai có phiếu tín nhiệm thấp nghĩa là không tín nhiệm nhiều là tín nhiệm thấp. Nếu tín nhiệm thấp nhiều sẽ tính đến bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng tiếp thu hết ý kiến của đại biểu, đã có sự phân tích kỹ. Vì đây là lần đầu tiên nên phải có bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh sự hiểu lầm...
- Qua đợt lấy phiếu của Quốc hội, nhiều ý kiến nhận định rằng những người ngồi ở ghế “nóng” bị soi trách nhiệm nhiều hơn. Hay nói cách khác, các chức danh ít cọ xát với dân thường tín nhiệm cao so với chức danh cọ xát nhiều với dân, ảnh hưởng lợi ích của dân. Theo Chủ tịch, làm thế nào để khắc phục tình trạng làm nhiều khuyết điểm nhiều, tín nhiệm thấp và làm ít khuyết điểm ít, tín nhiệm cao đối với lần lấy phiếu tín nhiệm này tại TPHCM? Quan điểm của cử tri là làm sao để công bằng trong lấy phiếu?
Nhìn vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, cử tri có quyền nhận xét những người hoạt động trong lĩnh vực lập pháp thì phiếu cao hơn hành pháp, còn người hoạt động trong lĩnh vực hành pháp thì phiếu thấp hơn. Nhưng nếu nói rằng lập pháp ít tương tác với dân thì không phải. Còn nếu nói hành pháp tương tác nhiều, gần gũi nhiều nên dân thấy khuyết điểm nhiều hơn cũng không phải. Nhưng sự bộc lộ hạn chế, yếu kém trong thực thi nhiệm vụ thì hành pháp dễ thấy hơn lập pháp... Rà lại bảng kết quả, có nhiều lĩnh vực gắn với người dân phiếu đâu có thấp. Khi đánh giá, mình căn cứ vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là nhìn vào tinh thần trách nhiệm. Có thể lĩnh vực đó rất gai góc, còn nhiều hạn chế, còn nhiều trì trệ nhưng mình phải nhìn ở khía cạnh người đứng đầu đó có quyết liệt trong điều hành, cầu thị, lắng nghe dân, lắng nghe Quốc hội để thực thi nhiệm vụ, trách nhiệm của mình hay không. Hai là mình nhìn vào giải pháp được đưa ra có khả thi và có tạo chuyển biến hay không. Phải có cái nhìn logic, biện chứng, toàn diện để đánh giá.
Sẽ không có chuyện lợi dụng lá phiếu để “hạ bệ” nhau
- Việc lợi dụng lá phiếu để “hạ bệ” nhau, theo đánh giá của Chủ tịch, điều này có đáng quan ngại ở đợt lấy phiếu tín nhiệm tại TPHCM?
Về vấn đề này, Quốc hội đã bàn rất kỹ. Khi Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội đưa ra có quy định rất rõ là không được vận động để lấy phiếu tín nhiệm. Mình lấy phiếu tín nhiệm không phải với tư cách cá nhân mà là đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, ý chí và nguyện vọng của dân, cho nên cần có chính kiến, không được đan xen cá nhân mình trong quá trình lấy phiếu. Tại TPHCM, 2 năm qua, trong quá trình tổ chức các hoạt động của HĐND, qua theo dõi Thường trực HĐND thấy khó có tình trạng này xảy ra. Trong quá trình hoạt động cũng chưa thấy có dấu hiệu này... Tôi có niềm tin sâu sắc sẽ không có việc đó xảy ra, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ dân chủ, chặt chẽ, công tâm, khách quan, có trách nhiệm cao của từng đại biểu.
- Sau khi lấy phiếu, Thường trực HĐND TP sẽ công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm một cách kịp thời?
Cũng như cách làm của Quốc hội vừa qua, tất cả thông tin này đều được công khai kịp thời với bà con cử tri.
VÂN ANH thực hiện