Lãi suất ngân hàng tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, giá cả hàng hóa biến động, tình trạng sụp lún mặt đường ngày càng nhiều trong khi trách nhiệm bị đùn đẩy, nạn bạo lực học đường, tụ tập đua xe của thanh thiếu niên bùng phát bên cạnh những mặt tồn tại lâu năm của TPHCM như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm tiếp tục diễn biến phức tạp… Những vấn đề này đã được Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo (ảnh) chia sẻ với PV Báo SGGP trước kỳ họp thứ 19, HĐND TPHCM khóa VII, diễn ra sáng nay 7-12.
Thực hiện hiệu quả chủ đề “Năm thanh niên”
- PV: Nạn đua xe trái phép diễn ra như một thứ ung nhọt, dai dẳng tại TPHCM, trong khi các giải pháp hiện nay cũng chỉ mang tính tình thế, chưa giải quyết được tận gốc. Theo bà, HĐND TP sẽ làm gì để tham gia chấn chỉnh tình hình?
Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO: Để xảy ra tụ tập đua xe là do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là do công tác quản lý, giáo dục các thanh thiếu niên có biểu hiện hư hỏng tại gia đình, nhà trường và địa phương chưa được quan tâm đúng mức; công tác triển khai chống nạn đua xe, tụ tập gây rối của các cơ quan chức năng TPHCM chưa đồng bộ; thiếu sân chơi và môi trường cần thiết để thanh thiếu niên giải trí; các lò “độ” xe cũng tham gia kích động các em… Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, dĩ nhiên, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, việc phải làm là tạo thêm môi truờng, sân chơi, nơi giao lưu, giao tiếp giữa các thanh thiếu niên với nhau; thay đổi cách thức tuyên truyền; tổ chức hoạt động xã hội, tạo điều kiện để thanh niên được trải nghiệm, được rèn luyện, được cống hiến và trưởng thành, tránh được những hành động nông nổi… Kỳ họp này HĐND TP cũng sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận tìm giải pháp, nhằm tạo điều kiện cho thanh niên và trẻ em phát triển toàn diện.
- Không chỉ đua xe, tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong thanh thiếu niên đang diễn ra với những hậu quả nhức nhối cũng là tiếng chuông báo động?
Một trong những nguyên nhân là chưa quan tâm đầy đủ về dạy người, chưa huy động các nguồn lực cần thiết cho công tác giáo dục đạo đức học sinh. Không ít nơi còn nặng về xử lý kỷ luật mà chưa có giải pháp ngăn chặn, giáo dục từ khi mới có biểu hiện, dễ có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật. Việc giáo dục nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh phải bằng nhiều kênh khác nhau. Nếu chỉ giao phó hoàn toàn cho nhà trường sẽ rất khó. TPHCM sẽ đẩy mạnh thực hiện “Năm thanh niên”, với nhiều nội dung thiết thực, trên cơ sở đó, mỗi đơn vị, đoàn thể trên địa bàn TPHCM sẽ đề ra trách nhiệm cụ thể, tập trung thực hiện để có những chuyển biến.
Bàn giải pháp về hố “tử thần”
- Các cử tri, đại biểu đã gửi nhiều ý kiến đến HĐND TP lo ngại về các hố “tử thần” xuất hiện ngày càng nhiều trong khi giải pháp chấn chỉnh lại chưa khả thi, HĐND TP sẽ làm gì khi trách nhiệm cứ bị các đơn vị đùn đẩy qua lại?
Có nguyên nhân do sự phân công chồng chéo, cắt khúc của bộ máy chính quyền. Chẳng hạn: Đường nội ô tại các tỉnh thành thì ngành xây dựng quản lý, đường nông thôn thì ngành giao thông quản lý, đường hẻm, vỉa hè thì quận huyện, còn quốc lộ và đường cao tốc thì thuộc về Bộ GTVT. Chính thực tế kỳ lạ này đã tạo ra tình trạng khó xử cho các cơ quan chức năng: Quyền quản lý đường phố và kết cấu hạ tầng ngầm bên dưới thuộc về Sở Xây dựng, nhưng trong thời gian qua sở này đã có quá nhiều việc phải lo về tình trạng xây dựng trên địa bàn TP nên TP giao Sở GTVT quản lý về mặt Nhà nước. Mặt khác, một số chủ đầu tư và đơn vị thi công những công trình đào đường chưa đảm bảo quy trình thi công và tái lập mặt đường chưa tốt đã dẫn đến tình trạng này. Trong khi đó, thanh tra giao thông chuyên ngành muốn xử lý lại phải hỏi ý kiến thanh tra xây dựng!
TPHCM đã kiến nghị Chính phủ thay đổi cơ chế đó từ khá lâu nhưng không được giải quyết. Bên cạnh đó tình trạng sụt lún diễn ra liên tục còn do nhiều nguyên nhân khác như kết cấu hạ tầng ở TP có một tỷ lệ đường ống cấp nước, cống thoát nước cũ chưa kịp thay thế, nền đất yếu, tình trạng khai thác nước ngầm chưa kiểm soát chặt chẽ… Hiện nay, 56 hố sụt lún bị phát hiện thời gian qua đều có địa chỉ cụ thể, gần một nửa trong đó là do các đơn vị thi công nên có thể căn cứ vào đó xử lý được.
Tăng cường đại biểu để có thêm “kênh” nghe dân
- Việc thí điểm không tổ chức HĐND quận - huyện, phường là chủ trương đúng đắn giúp bộ máy hành chính tinh gọn. Nhưng thời gian qua, nhiều cử tri băn khoăn là thiếu kênh phản ảnh bức xúc, HĐND TP sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào?
TPHCM thực hiện thí điểm khi HĐND quận - huyện, phường đang hoạt động khá tốt, đại biểu chuyên trách rất tâm huyết. Để thực hiện chủ trương này, 924 cán bộ quận - huyện, trong đó có 68 đại biểu chuyên trách, 6.666 đại biểu phường với 314 đại biểu chuyên trách đã có sự đồng thuận chuyển sang làm công việc khác, tạo điều kiện cho bộ máy tinh gọn, thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Không tổ chức HĐND, chính quyền các quận - huyện, phường đã tăng cường việc gặp gỡ, đối thoại, trực tiếp nghe dân và thông qua các “kênh” khác như tổ chức Mặt trận, đoàn thể… Chẳng hạn như Hội LHPN quận 4 giám sát chuyên đề BHYT, huyện Hóc Môn không họp chính quyền vào sáng thứ tư để dành thời gian tiếp dân, MTTQ tăng cường giám sát... Dù không tổ chức HĐND quận - huyện, phường nhưng vẫn đảm bảo được tính dân chủ. Có lẽ, sắp tới HĐND TP sẽ có thêm một ít đại biểu chuyên trách phụ trách các khu vực để có thêm “kênh” nghe dân.
- Về sự biến động tỷ giá USD, đặc biệt lãi suất ngân hàng tăng cao đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Giải quyết vấn đề này là bài toán vĩ mô từ Chính phủ nhưng TPHCM sẽ có giải pháp gì?
Trong phạm vi thẩm quyền của mình, HĐND sẽ xem xét để tránh việc đầu tư dàn trải, tăng cường giám sát các công trình đầu tư trên địa bàn TP sao cho hiệu quả, không kéo dài gây lãng phí ngân sách, tránh tiêu cực phát sinh, giám sát thực hiện có hiệu quả chương trình bình ổn giá, chống lạm phát… góp phần thúc đẩy nền kinh tế TP đạt hiệu quả như mong muốn.
- Xin cảm ơn bà!
Vân Anh – Hồng Hiệp