Chủ tịch “huyện không dân”

Trong 5 năm chính thức được UBND TP Đà Nẵng trao quyết định bổ nhiệm chức danh Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ cùng các cộng sự của mình đã có những hành động thích hợp bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa. Quãng thời gian ấy, ông Đặng Công Ngữ nhiều lần đưa ra những quyết định mạnh mẽ, cùng các cộng sự của mình trưng ra những bằng chứng, nhân chứng lịch sử khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Chủ tịch “huyện không dân”

Trong 5 năm chính thức được UBND TP Đà Nẵng trao quyết định bổ nhiệm chức danh Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ cùng các cộng sự của mình đã có những hành động thích hợp bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa. Quãng thời gian ấy, ông Đặng Công Ngữ nhiều lần đưa ra những quyết định mạnh mẽ, cùng các cộng sự của mình trưng ra những bằng chứng, nhân chứng lịch sử khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Ông Đặng Công Ngữ (phải) giới thiệu một bản đồ do UBND huyện Hoàng Sa sưu tầm được, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa.

1. Ông Đặng Công Ngữ và tôi cùng đồng hương huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Ông ở Hòa Phong còn tôi ở Hòa Khương, hai xã liền kề nhau. Nhà ông cách nhà tôi chừng 4km. Dù là đồng hương nhưng trong công việc, tôi chưa bao giờ giới thiệu với ông mình là “dân Hòa Vang” vì thấy ông… khó gần. Thế nhưng, nhiều năm đeo bám đưa tin đấu tranh khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, đi gặp nhân chứng viết bài, ra mắt Kỷ yếu Hoàng Sa cho đến đưa tin triển lãm, tôi đã dần thay đổi quan điểm của mình về ông. Nhưng tôi (và cả những anh em nhà báo khác) thực sự có thiện cảm đặc biệt với ông Đặng Công Ngữ sau bài phát biểu của ông tại cuộc Triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam” nhân 40 năm Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19-1-1974 – 19-1-2014).

Đứng trên bục phát biểu, ông đã làm những người dự khán từ sững sờ cho đến chảy nước mắt khi ông cúi đầu nói như khóc câu “ngàn lần xin lỗi” và xin “tạ lỗi” với dân tộc, với nhân dân và với dân binh Hoàng Sa - những người đã, đang và sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ Hoàng Sa: “40 năm trôi qua nhắc lại như một sự kiện buồn nhưng chúng ta phải nhắc để nhớ rằng: dân tộc đã đứng lên, đã - đang và sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi lại quần đảo thiêng liêng này. Những tài liệu được trưng bày lần này là bằng chứng tố cáo những luận điệu, những hành động chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc. Hôm nay, tôi xin kính cẩn tri ân đến các dân binh Hoàng Sa, các chiến sĩ, ngư dân, những người đã hiến thân vì Hoàng Sa thân yêu. Tổ quốc sẽ ghi nhớ công ơn họ… Về phần mình, tôi vô cùng xin lỗi, ngàn lần xin lỗi vì mình chưa làm được nhiều cho việc đấu tranh tuyên truyền đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam”.

2. Tối 28-4-2014, trước khi ông về hưu một tuần, tôi được ông mời tham dự cuộc gặp mặt phóng viên, cộng tác viên và các cơ quan phối hợp do UBND huyện đảo Hoàng Sa tổ chức tại Khách sạn Hoàng Sa. Nói là buổi gặp mặt nhưng thực sự đây là buổi chia tay đến ngậm ngùi và nuối tiếc. Tại buổi gặp mặt, ông Ngữ đã trải lòng đến tận cùng. Dường như, ông chẳng giấu giếm bất cứ cảm xúc nào. Sau những lời cảm ơn những nhà báo, những cộng tác viên, đại diện các cơ quan đã đồng hành, phối hợp với UBND huyện đảo Hoàng Sa trong suốt thời gian dài đến nghẹn ngào, ông đã cùng các nhân viên của mình cầm micro hát vang bài Tổ quốc gọi tên mình. Ông không phải là ca sĩ chuyên nghiệp. Giai điệu không được ông thể hiện nhuần nhuyễn, nhưng những người dự khán đã cảm được những gì mà ông đã dành cho Hoàng Sa - máu thịt Việt Nam.

Đáp lời ông Ngữ, nhà báo, đạo diễn Huỳnh Hùng, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng xúc động: “UBND huyện Hoàng Sa và anh Đặng Công Ngữ cảm ơn những người làm báo nhưng ngược lại, anh em báo chí cũng vô cùng cảm ơn UBND huyện Hoàng Sa và cá nhân anh Đặng Công Ngữ đã tạo cảm hứng cho anh em báo chí chúng tôi viết bài, làm phim và sáng tạo. Phải nói là tôi hơi bất ngờ khi phải chia tay anh. Tôi cảm thấy rất lưu luyến và nếu có một điều mong ước gì thì tôi mong anh tiếp tục ở lại công tác, để cùng đồng hành với chúng tôi trong cuộc đấu tranh vì Hoàng Sa. Trong quá trình làm việc, cộng tác với anh Đặng Công Ngữ thời gian qua, chúng tôi luôn đồng cảm, chia sẻ và luôn kính trọng, cảm phục bởi vì anh, trong những thời điểm nhất định, đã có những quyết định rất táo bạo, rất mạnh mẽ, thậm chí là rất dũng cảm trong điều kiện khó khăn”.

 

Ngồi dự khán ở hàng ghế đầu triển lãm, nghe những lời xin lỗi của ông Đặng Công Ngữ, ông Bùi Văn Tiếng đã không kìm được những giọt nước mắt… Sau buổi triển lãm này, tôi đã tự tay quay và dựng một video clip để tặng ông Ngữ như một lời tri ân với ông. Trong video clip của mình, thông điệp tôi gửi gắm qua hình ảnh thả chim bồ câu ở cả đoạn mở đầu và đoạn kết thúc của video clip trên nền nhạc là bài hát Nơi đảo xa.

 

3. Kể từ ngày 21-4-2009, ngày ông Đặng Công Ngữ được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh (nay là Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương) trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho đến khi về hưu, ông Ngữ đã giữ chức Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa được 1.828 ngày. Trong 1.828 ngày ấy, ông Ngữ đã cùng những đồng sự của mình làm nhiều điều cho Hoàng Sa, đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Dường như đồng cảm với ông Ngữ, không chỉ báo chí và người dân, những nhà nghiên cứu trong nước đã ủng hộ ông để ông làm nên cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa vốn được xem là cuốn “Lịch sử Hoàng Sa”, để gặp mặt những nhân chứng… mà cả những họ tộc, Việt kiều, những nhà nghiên cứu ở khắp nơi trên thế giới cũng tự nguyện gửi tặng sách, bản đồ, tài liệu, hiện vật quý hiếm để làm bằng chứng chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Trong số những Việt kiều ấy có anh Trần Thắng, Việt kiều Mỹ, đã tự nguyện bỏ công sức, tiền của để sưu tập bản đồ, hình ảnh, tài liệu… góp phần với UBND huyện đảo Hoàng Sa khẳng định chủ quyền Việt Nam.

Chính vì vậy, ông Ngữ được mọi người biết đến với cương vị là Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa hơn là chức Giám đốc Sở Nội vụ, vốn chức vị cao hơn chức Chủ tịch UBND huyện... không dân.

4. Trước khi biết thông tin ông Ngữ về hưu, nhiều người đề nghị ông Ngữ nên ở lại làm Chủ tịch UBND Hoàng Sa không chỉ để ông tiếp tục hiện thực hóa những dự định của mình với Hoàng Sa mà còn cho rằng ông mới đủ “bản lĩnh” để đấu tranh. Nhưng, ông Ngữ từ chối. Ông bảo: “Phải tin vào lớp trẻ!”.

Những ngày giữa cuối tháng 4-2014 và cũng là những ngày cuối cùng với cương vị là Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ vào tận TPHCM để thăm thân nhân của những người đã ngã xuống trong trận chiến không cân sức 40 năm về trước tại Hoàng Sa. Chuyến đi của ông Ngữ như một sự tri ân những người con đất Việt ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa.

5. Cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền đối với Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình vẫn còn ở phía trước. Nhưng, với những gì mà UBND huyện Hoàng Sa cũng như các cấp, các ngành đã dành cho Hoàng Sa đã làm cho người dân yên tâm và tin tưởng một ngày nào đó “đứng nhìn Đà Nẵng từ Hoàng Sa”, như ước mơ của ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng - người được người dân “phong” là Bí thư Huyện đảo Hoàng Sa.

Những ngày đầu tháng 5-2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, mọi người lại nhìn thấy ông Đặng Công Ngữ, dù đã nhận quyết định về hưu trước đó một vài ngày, cũng đăng đàn phản đối hành động trên. Đầu tháng 6-2014, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 cùng 10 ngư dân trên tàu, ông lại đăng đàn phản đối. Rồi ông đi gặp chủ tàu, ngư dân để động viên, thăm hỏi.

Dù đã rời cương vị Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa nhưng dường như ông vẫn nặng lòng với Hoàng Sa, với những dự định mà ông chưa hoàn thành. Ông cũng như bao thế hệ người Việt Nam, vẫn đau đáu và sẵn sàng hiến thân mình mỗi khi Tổ quốc cần.

Mời bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; hoặc địa chỉ email: kysu40nam@gmail.com, kysu40nam@sggp.org.vn. Thể lệ cuộc thi đăng tại địa chỉ www.sggp.org.vn

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục