“Không cầu toàn phải giải quyết được 100% khiếu nại tố cáo của dân, nhưng cố gắng giải quyết được càng nhiều càng tốt. Vấn đề nào pháp luật không cho phép hoặc người dân chưa hiểu thì phải giải thích để dân thông suốt. Còn chuyện đúng thì phải giải quyết rốt ráo cho dân”. Đây là phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi làm việc với TPHCM về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân vào sáng 10-10.
Trong 15 nội dung khiếu nại kéo dài đa phần liên quan đến chính sách đền bù giải tỏa được Thanh tra TP trình bày tại buổi làm việc, vấn đề khiếu nại của người dân đối với dự án chung cư Cô Giang được mổ xẻ sâu.
Ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chỉ rõ: Dân cho rằng việc vận dụng chính sách đền bù trong dự án Chung cư Cô Giang có sự nhập nhằng giữa nhà ở xã hội với thương mại theo hướng làm lợi cho nhà đầu tư nhưng gây thiệt hại cho dân, tức vận dụng chính sách cải tạo chung cư cũ để làm thương mại. Ngoài ra, người dân yêu cầu đơn giá bồi thường tính theo giá trị căn hộ mới khi xây xong, chứ không tính theo giá trị căn hộ cũ. Còn những người tái định cư đề nghị rằng họ ở chỗ cũ tầng nào thì quay về đúng tầng đó, có sự cam kết rõ ràng khi nào họ được trở về.
Nói trên nguyên tắc, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, cải tạo chung cư hư hỏng là chủ trương của TP nhưng không phải muốn làm gì thì làm. Càng không thể biến chung cư nhà dân thành nhà ở thương mại được. TP hiện có trên 50 chung cư có nguy cơ sập, nên việc di dời để xây dựng lại là trách nhiệm nhà nước. Trong điều kiện ngân sách khó khăn nên phải xã hội hóa đầu tư. Khi đó, người dân ở đó được nhận lại căn hộ tối thiểu bằng căn hộ họ ở nhưng khang trang, hiện đại hơn mà không phải trả tiền thêm. Để có kinh phí, TP dùng chính sách huy động đầu tư nhưng việc xử lý phải đúng cơ chế, quy định, đền bù phải theo giá thị trường. Không có nhập nhằng trong việc biến nhà dân thành thương mại.
Ông Trần Du Lịch khẳng định tiếp: “Chủ trương như ông Nguyễn Hữu Tín nói là đúng nhưng dân phản ánh ở đây có sự nhập nhằng trong chính sách đền bù giữa nhà ở xã hội và thương mại. Dự án không đơn thuần là cải tạo chung cư mà còn mở rộng thành khu đất vàng, xây dựng thành khu thương mại và chuyện này lại không công khai với dân”.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín tái khẳng định: Không có chuyện ưu đãi nào đối với nhà đầu tư, còn trong quá trình vận dụng chính sách, nếu sai sót quận 1 phải kiểm tra xử lý. Ông Tín cũng khẳng định, việc đền bù theo hiện trạng chứ không theo đơn giá tương lai. UBND TP khuyến khích người dân tạm cư để về nhận lại căn hộ mới chứ không ép để trả tiền cho bà con ra đi. Ông Trần Du Lịch thống nhất với cách giải quyết này.
Ý kiến riêng về dự án này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng để giải quyết được vấn đề, chính quyền phải tiếp xúc với dân. Có như vậy mới thu hẹp dần tiếng nói khác biệt giữa dân và chính quyền.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 đã tiếp xúc cử tri quận 4. Tại đây nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được cử tri phản ánh như chất lượng khám chữa bệnh, quá tải bệnh viện; nhà ở xã hội; giải pháp chống tham nhũng chưa hữu hiệu, tiêu cực chưa được đẩy lùi; việc lấy phiếu tín nhiệm chưa hiệu quả; tuyên truyền biển đảo…
Ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp của bà con cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, trong khi khả năng của nhà nước có hạn. Đối với TPHCM, nên giải quyết vấn đề này bằng chính sách kêu gọi đầu tư. “TPHCM là địa phương có kinh nghiệm với nhiều tiềm năng để đầu tư vì nơi đây thu hút các thành phần kinh tế rất mạnh. TP cần xây dựng chương trình nhà ở xã hội riêng cho TP. Trường hợp TP có khó khăn gì thì kiến nghị Trung ương tháo gỡ vì nếu cứ dựa vào văn bản chung của Trung ương, làm theo mặt bằng chung cả nước thì rất chậm”, Chủ tịch nước gợi ý.
Trả lời ý kiến cử tri Quốc hội cần tổ chức lại việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên 2 mức (tín nhiệm và không tín nhiệm), Chủ tịch nước cho biết, vấn đề này Quốc hội đã nghe nhiều ý kiến góp ý nên sẽ nghiên cứu giải pháp nào cho phù hợp.
Về ý kiến của cử tri đẩy mạnh việc tuyên truyền biển đảo thông qua việc đưa nội dung này vào sách giáo khoa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, điều này đã thực hiện nhưng sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ sách giáo khoa để điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Riêng về chống tham nhũng, Chủ tịch nước nhìn nhận, văn bản chỉ đạo quá nhiều. Để giải pháp mang lại hiệu quả, phát biểu với tư cách cá nhân, Chủ tịch nước “đặt hàng” cử tri tham gia tích cực vào mặt trận này qua việc giám sát, phát hiện, tố cáo.
VÂN ANH