Vào cái ngày "định mệnh" nói trên, khi đang chơi tại máy trò chơi số 13, ông Ly Sam nhìn thấy máy báo ông trúng thưởng số tiền hơn 55 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó, lấy lý do máy trò chơi bị sự cố, Công ty Liên doanh Đại Dương đã từ chối trả thưởng cho ông.
Ngày 14-12-2009, ông Sam đến Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang ký Hợp đồng Tư vấn và Tố tụng số 01.12/2009MĐQ. Theo đó, luật sư (LS) Trần Xoa sẽ là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Sam trong vụ kiện đòi Công ty Liên doanh Đại Dương trả khoản tiền trúng thưởng nói trên. Từ đây, “con đường đau khổ” của ông Ly Sam bắt đầu! Có điều, rắc rối mà ông Ly Sam gánh chịu lại không phải đến từ Công ty Liên doanh Đại Dương - chủ thể ông đang tranh chấp khoản tiền thưởng - mà trớ trêu thay, lại đến từ LS Trần Xoa, người được ông ủy thác việc “bảo vệ quyền lợi” cho mình! Vì sao lại có câu chuyện tréo ngoe này?
Từ bản hợp đồng “nhất bên trọng, nhất bên khinh”
Tất cả là từ bản Hợp đồng Tư vấn và Tố tụng số 01.12/2009MĐQ nói trên. Theo hợp đồng (do LS Trần Xoa soạn thảo), thù lao luật sư có giá trị là 1 tỷ đồng để thực hiện 3 nội dung: Tư vấn pháp lý về việc chuẩn bị chứng cứ và cơ sở pháp lý cho yêu cầu khởi kiện đòi tiền thưởng; tư vấn pháp lý về trình bày lời khai, đưa ra yêu cầu và tranh luận tại các buổi hòa giải, các phiên tòa; tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền lợi cho ông Ly Sam trong các phiên hòa giải và các phiên tòa.
Điều đáng nói, trong quy định về trách nhiệm của hai bên, bản hợp đồng đã cho thấy sự bất hợp lý, bất bình đẳng. Cụ thể, trong khi quy định trách nhiệm của mình rất nhẹ nhàng (chỉ với 2 điều khoản) và không đề cập gì đến việc phạt tiền nếu vi phạm hợp đồng, LS Trần Xoa lại ràng buộc trách nhiệm của thân chủ đến 7 điều khoản, trong đó có quy định phạt với số tiền “cực khủng” nếu vi phạm hợp đồng. Theo đó, “trường hợp Bên B (ông Ly Sam) không tiếp tục thực hiện hợp đồng không do lỗi của Bên A (Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang)” thì ông Sam chịu phạt vi phạm một số tiền gồm 3 khoản: 1 tỷ đồng giá trị hợp đồng; hoàn trả các khoản tạm ứng theo quy định của pháp luật tố tụng và thi hành án mà Bên A đã thay Bên B nộp; 20% số tiền trúng thưởng (hơn 55 triệu USD, quy ra tiền Việt Nam là hơn 233 tỷ đồng).
Do không hiểu biết pháp luật và tin tưởng luật sư, ông Ly Sam đã đặt bút ký vào bản hợp đồng đầy rủi ro này.
… đến tranh chấp về hợp đồng dịch vụ
Thời gian đầu, mối quan hệ của hai bên khá suôn sẻ. Ngày 7-1-2013, tại phiên xử sơ thẩm, TAND quận 1 quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ly Sam, buộc Công ty Liên doanh Đại Dương phải trả số tiền trúng thưởng cho ông Sam, thanh toán bằng tiền Việt Nam là hơn 1.154 tỷ đồng. Do thua kiện, Công ty Liên doanh Đại Dương phải đóng án phí dân sự sơ thẩm gần 1,3 tỷ đồng.
Ngày 18-1-2013, Công ty Đại Dương có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 29-1-2013, LS Trần Xoa không bàn bạc với ông Ly Sam mà tự ý đến gặp Công ty Liên doanh Đại Dương hòa giải thương lượng, đề nghị số tiền trúng thưởng là 30 triệu USD. Tuy LS Trần Xoa có đi cùng 2 người đại diện theo ủy quyền của ông Sam là bà Trần Thị Hoàng Ngươn và bà Nguyễn Ngọc Tú, nhưng ông lại đề nghị họ giữ kín thông tin không kể lại cho ông Ly Sam. Theo lời khai của bà Ngươn, LS Trần Xoa yêu cầu bà không thông báo cho ông Ly Sam về buổi đàm phán và nói bà thuyết phục ông Ly Sam chấp nhận mức tiền nhận về là 1 triệu USD, còn lại ủy quyền cho LS Trần Xoa thay ông Ly Sam làm tất cả. Do thấy điều LS Trần Xoa làm là vô lý nên bà đã thuật lại cho ông Ly Sam biết.
Cảm thấy không yên tâm về cách làm khuất tất của LS Trần Xoa, cộng thêm việc biết rằng bên thua kiện sẽ phải đóng án phí gần 1,3 tỷ đồng (khi khởi kiện, ông Ly Sam đã không được LS Trần Xoa tư vấn, giải thích về vấn đề này), ngày 18-11-2013 ông Ly Sam gửi thông báo đến Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang và LS Trần Xoa về việc ngưng thực hiện hợp đồng tư vấn và tố tụng.
Ngày 10-12-2013, ông Ly Sam đã rút toàn bộ đơn khởi kiện đối với Công ty Liên doanh Đại Dương, yêu cầu tòa án tiến hành các thủ tục cần thiết để đình chỉ vụ án theo đúng quy định pháp luật. Cùng ngày, Công ty Liên doanh Đại Dương cũng có đơn yêu cầu rút toàn bộ kháng cáo đối với bản án sơ thẩm và đồng ý với yêu cầu rút đơn khởi kiện của ông Ly Sam. Ngày 2-1-2014, TAND TPHCM ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nói trên. Tuy nhiên, đến lúc này, ông Ly Sam từ thân chủ đã trở thành… khổ chủ!
Cho rằng ông Ly Sam đơn phương chấm dứt hợp đồng không do lỗi của Bên A, Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang do LS Trần Xoa làm đại diện đã khởi kiện, yêu cầu ông Ly Sam phải trả 1 tỷ đồng thù lao luật sư và tiền phạt vi phạm hợp đồng hơn 233 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27-4-2021, Hội đồng xét xử TAND TPHCM nhận định Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang đã thực hiện các công việc theo thỏa thuận tại hợp đồng tư vấn và tố tụng, kết quả thể hiện tại bản án sơ thẩm của TAND quận 1. Việc ông Ly Sam rút yêu cầu khởi kiện dẫn đến đình chỉ giải quyết vụ án là hoàn toàn do ý chí của ông Ly Sam, nên hợp đồng dịch vụ pháp lý của hai bên được xem là đã thực hiện xong. Do vậy, ông Ly Sam có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang tiền thù lao luật sư, trừ đi khoản tiền cọc thì còn 968 triệu đồng. Đối với yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng hơn 233 tỷ đồng, Hội đồng xét xử đã bác bỏ vì không đủ cơ sở để chấp nhận. Bởi lẽ, việc ông Ly Sam rút đơn khởi kiện là quyền được pháp luật cho phép được quy định rõ tại điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Bên cạnh đó, do hai bên đã không thỏa thuận rõ ràng việc rút đơn kiện có thuộc trường hợp “không tiếp tục thực hiện hợp đồng” hay không, nên khái niệm “không tiếp tục thực hiện hợp đồng” được hiểu là trong trường hợp ông Ly Sam vẫn kiện đòi tiền thưởng với Công ty Liên doanh Đại Dương nhưng không tiếp tục thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý với công ty luật của ông Trần Xoa.
Ngày 12-5-2021, Viện KSND TPHCM ra quyết định kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng chấp thuận yêu cầu đòi tiền phạt vi phạm hợp đồng hơn 233 tỷ đồng của Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang.
Những vấn đề đặt ra
Mấu chốt của vụ kiện tụng này là ông Ly Sam có vi phạm hợp đồng hay không.
Như trên đã nói, việc rút đơn khởi kiện là quyền tố tụng được luật pháp cho phép. Nếu coi việc rút đơn kiện là “không tiếp tục thực hiện hợp đồng” (và do đó sẽ bị phạt) thì có khác nào bản hợp đồng đã đặt ông Ly Sam vào thế chỉ có thể đi kiện mà thôi (cho dù có thể bị thua kiện và nộp án phí số tiền lớn), không còn con đường nào khác. Trong thực tế, người dân tìm đến luật sư nhờ hỗ trợ pháp lý, nếu nói rõ rút đơn khởi kiện là bị phạt hợp đồng thì chắc chắn chẳng ai dám nhờ luật sư cả!
Ở vụ án này, quan điểm của tòa án và cơ quan kiểm sát có sự khác biệt trong đánh giá việc rút đơn khởi kiện của ông Ly Sam có phải là “không tiếp tục thực hiện hợp đồng” hay không. Cũng cần nhắc lại, bản hợp đồng là do LS Trần Xoa - người hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm tố tụng - soạn thảo. Khi xảy ra tranh chấp bởi những tình huống mà hợp đồng không quy định rõ ràng, cụ thể, thì cách giải thích nên theo hướng thuận lợi cho người yếu thế hơn (theo điều 404 Bộ luật dân sự 2015).