Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm

Chiều 24-12, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tòa án nhân dân tối cao diễn ra tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, uy tín của Tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, là niềm tin của người dân đối công lý, công bằng xã hội. Mỗi bản án được tuyên phải làm cho mọi người "tâm phục, khẩu phục" và có tác dụng răn đe, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, năm 2023, tòa án các cấp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ, thẩm phán không ngừng tiến bộ, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ. Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các tòa án được nâng lên, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, hoạt động của Tòa án các cấp vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định, do nguyên nhân chủ quan; năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật...; việc tổ chức thi hành án tử hình chậm, số bị án tử hình cần phải thi hành còn thấp.

Chủ tịch nước phân tích, cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và quy mô nền kinh tế tăng nhanh, các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính gia tăng đột biến, làm cho hoạt động xét xử của tòa án ngày càng tăng lên, khó và phức tạp hơn. Trong khi đó, yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó hoạt động xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá.

z5005383010217-fbb61f7aebe1a7a74e6260594bee392c-8554.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị, tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chú trọng đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; bảo đảm thực chất tính độc lập của hai cấp xét xử.

Cùng với đó, ngành Tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục.

Theo Chủ tịch nước, nhiệm vụ quan trọng nhất của các tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử; chú trọng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; hạn chế thấp nhất các bản án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Phải nâng cao chất lượng, tính chính xác, tính khả thi, các phán quyết của tòa án, nhất là việc áp dụng các hình phạt. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ.

Mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, phải hết sức coi trọng, ưu tiên hàng đầu việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán thực sự ”phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế phải nghiên cứu, đánh giá, quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo; có hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn; khoan hồng với người làm công ăn lương, phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn; chú trọng và thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản của tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát, thiệt hại.

Ngành Tòa án cần tập trung xây dựng thể chế, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Hoàn thiện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật được phân công chủ trì bảo đảm tiến độ, chất lượng; không để bị tác động, chi phối hoặc lồng ghép lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật.

Tòa án nhân dân tối cao chủ động phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tham mưu, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định đơn xin ân giảm hình phạt tử hình. Sớm tiến hành thi hành án tử hình khi đã đủ điều kiện. Hạn chế thấp nhất tình trạng tồn đọng hồ sơ xin ân giảm hình phạt tử hình và thi hành án tử hình hiện nay. Tham mưu cho Chủ tịch nước quyết định đặc xá nhân ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước hoặc trường hợp đặc biệt. Đây là việc làm nhân đạo, thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thành xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025, nâng cao năng lực quản trị tòa án trên nền tảng số và cung cấp cho người dân dịch vụ tư pháp tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án, xây dựng hình ảnh tòa án thân thiện, thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.

Song song đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của ngành Toà án, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan tòa án.

Dịp này, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật phối hợp công bố bộ sách Lịch sử Toà án nhân dân Việt Nam.

Năm 2023, các Tòa án đã giải quyết 540.490 vụ việc các loại trên tổng số 606.209 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 89,16%, so với năm 2022, số vụ việc được giải quyết tăng 35.809 vụ. Chất lượng xét xử được bảo đảm, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt 0,89%, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Tin cùng chuyên mục