Chủ tịch SACA Lê Viết Hải: Liên kết xây dựng hệ sinh thái đưa ngành công nghiệp xây dựng ra nước ngoài

Vừa qua, tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TPHCM (SACA) đã tổ chức tọa đàm “Làm thế nào để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” với sự tham gia của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, kiến trúc và cơ điện.

Chủ tịch Hiệp hội SACA, ông Lê Viết Hải có những nhận định tổng quan về công nghiệp xây dựng Việt Nam: “Tôi rất trăn trở về việc phát triển xây dựng và làm thế nào để có thể phát triển tốc độ xây dựng trong nhiều thập kỷ tới vẫn tiếp tục duy trì và bứt phá. Có thể nói từ năm 1945 đến 1995, ngành công nghiệp xây dựng của chúng ta đứng yên tại chỗ, và chỉ thực sự phát triển bùng nổ từ năm 1995 đến nay, đặc biệt là trong giai đoạn 20 năm 1995 đến 2015. Nhưng từ năm 2017 – 2019, ngành xây dựng trong nước chững lại và năm 2020 chịu sự tác động của dịch Covid-19”.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch SACA (ngồi giữa) phát biểu tại buổi Tọa đàm

Tốc độ là yếu tố để thấy khả năng phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng Việt Nam, 50 năm dậm chân tại chỗ do chiến tranh, nghèo nàn lạc hậu, nhưng 20 năm sau ngành xây dựng trong nước đã bắt kịp theo nhịp độ và vượt qua nhiều quốc gia khác. Đó là nhờ tinh thần đổi mới, sáng tạo, tinh thần cầu tiến, học hỏi từ những nhà thầu quốc tế khi tham gia thầu phụ ở những dự án có quy mô đã đưa xây dựng Việt Nam từ còn lạc hậu trở nên phát triển nhanh chóng.

Từng có giai đoạn các nhà thầu lớn của Việt Nam tăng trưởng tới 20-30% nhờ sự học hỏi, công nghệ thay thế nhà thầu ngoại, nhưng mặt trái là sẽ ít có cơ hội cọ sát nếu chỉ quanh quẩn tại sân nhà.

Ông Hải cũng đưa ra một minh chứng rõ nhất về tốc độ phát triển thần kỳ của ngành xây dựng, năm 1995 sản lượng xi măng sản xuất trong nước được chỉ có 5 triệu tấn, nhưng đến nay là hơn 100 triệu tấn.

Theo ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch thường trực SACA, thống kê năm 2020 cho thấy dù Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid -19, nhưng tổng giá trị sản lượng của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam là 22 tỷ đô la, chiếm gần 7% GDP cả nước và xuất khẩu tới 120 nước cho thấy chất lượng sản phẩm và năng lực của ngành VLXD của Việt Nam nằm trong top đầu của bản đồ vật liệu xây dựng toàn cầu.

“Công ty Secoin chúng tôi vừa trúng thầu cung cấp toàn bộ gạch men ốp lát cho văn phòng Tập đoàn Pfizer ở Mỹ”, ông Kỳ chia sẻ thêm.

Là doanh nghiệp tham gia rất nhiều các công trình ở nước ngoài, ông Nguyễn Quốc Khanh Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA và là Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM chia sẻ các công nhân người Việt Nam được nước ngoài đánh giá rất cao về tay nghề chuyên môn làm nội thất, sự khéo léo và đức tính chăm chỉ, như một dự án ở Phnom Penh, công nhân của AA hoàn thành rất nhanh gói thầu được giao trong khi một công ty kiến trúc hàng đầu của Thái Lan làm trễ hạn tới 3 tháng.

Ông Khanh khẳng định, các doanh nghiệp cần xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ tổng thầu để có cơ hội cạnh tranh và lợi thế trong đàm phán quốc tế khi ra nước ngoài.

Ông Lê Ngọc Hồ - Chủ tịch Công ty tư vấn MEP Indochine bổ sung thêm, “để hội nhập với thế giới, thì chúng ta phải làm việc trên cùng một hệ quy chiếu với họ. Nói cách khác họ nói chúng ta hiểu và chúng ta nói họ hiểu về cả ngôn từ lẫn giải pháp kỹ thuật”.

Về trình độ của đội ngũ kiến trúc, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty NgoViet Architects & Plannerscó đánh giá năng lực kiến trúc sư Việt Nam không hề thua kém nước ngoài. Trước năm 1975, những công trình quan trọng hàng đầu của miền Nam Việt Nam đều do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế và nước ngoài chỉ tham gia cùng.

Ông cho rằng, chúng ta cần xây dựng môi trường hành nghề bình đẳng cho các kiến trúc sư trong nước, kiến trúc sư Việt Nam ra nước ngoài thì không được công nhận vì thiếu chứng chỉ quốc tế, nhưng kiến trúc sư nước ngoài vào Việt Nam làm việc lại dễ dàng được công nhận, được trả lương rất cao và có một nghịch lý 70-80% khối lượng họ thuê lại kiến trúc nội. Ông cũng đưa ra lời khuyên doanh nghiệp xây dựng Việt nâng cao năng lực hợp tác quốc gia từ những dự án trong nước và rồi hợp tác quốc tế, đi cùng các đối tác ở nước sở tại.

BTC tặng hoa cho các nhà tài trợ tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập SACA. Ảnh: HỒNG MINH

Đưa công nghiệp xây dựng trở thành kinh tế mũi nhọn của quốc gia hay xuất khẩu dịch vụ tổng thầu xây dựng ra nước ngoài không chỉ dừng ở việc ý tưởng, hay cố gắng của một doanh nghiệp, mà cần một hệ sinh thái đa dạng với sự tham gia của chuỗi cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp từ sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, thiết kế xây dựng, đầu tư địa ốc, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển cho đến dịch vụ thi công, các nhà thầu phụ chuyên ngành,…

Đây là mục tiêu của Hiệp hội SACA xác định trong giai đoạn tới, kéo dần khoảng cách giữa các doanh nghiệp, tăng cường hợp tác với các hiệp hội và liên kết tạo thành một khối thống nhất, bổ trợ chặt chẽ với nhau để thực hiện nhiệm vụ đặt ra.

Ông Lê Viết Hải tin rằng: “Chúng ta có nhiều tiềm năng, có nhiều lợi thế nhưng cũng có rất nhiều thử thách cần vượt qua. Tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc họ có thể làm được? Chúng ta cần có mục tiêu là phải thay thế những nhà thầu nước ngoài ở thị trường nước ngoài, và phải có lộ trình, mục tiêu, chiến lược cụ thể và có sự liên kết trong chuỗi giá trị với nhau. Đây là thời điểm chúng ta đang có lợi thế dân số vàng từ nay đến 2033 và cần phải nắm bắt cơ hội duy nhất này, cần phải mạnh dạn triển khai đưa công nghiệp xây dựng ra thị trường quốc tế và từ đó xây dựng có thể nâng sản lượng lên gấp đôi, gấp ba, gấp năm đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia và sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng bên cạnh những thành tựu đạt được thì ngành xây dựng nước ta vẫn còn những tồn tại và hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có. Từ đó, ông đề nghị SACA tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển ngành xây dựng nói chung, ngành vật liệu xây dựng nói riêng, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo để ngành xây dựng, vật liệu xây dựng giảm tối đa phụ thuộc vào vật liệu nhập khẩu, giảm giá thành công trình, qua đó tăng hiệu quả cho ngành xây dựng.

Ông Lê Hòa Bình Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị, TPHCM mong muốn với 30 năm của SACA cùng các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản ở thành phố sẽ cùng tham gia vào công cuộc tái thiết xã hội sau thời gian chống chọi với đại dịch Covid -19.

Tại buổi lễ, UBND TPHCM, Sở Xây dựng TPHCM, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đã trao tặng Bằng khen và Giấy khen cho Hiệp hội SACA ghi nhận những đóng góp tích cực của tập thể và các cá nhân. Đồng thời, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội và ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội được trao tặng Huy hiệu TPHCM.

Hiệp hội SACA bắt đầu với 25 thành viên sáng lập, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, SACA hiện quy tụ của gần 300 hội viên doanh nghiệp và cá nhân, trong đó quy tụ những doanh nghiệp lớn hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, kiến trúc, bất động sản của TPHCM như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Công ty CP Secoin, Công ty CP Gạch ngói Đồng Nai, Tập đoàn Địa ốc Cát Tường,… và các doanh nghiệp uy tín của Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đang hoạt động tại TPHCM như Lixil, Sanyo, Mapei, Lascal,… Tổng doanh thu của các hội viên SACA năm 2020 ước tính gần 35.000 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục