Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Gấp rút xử lý, kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường

Tại cuộc họp về hiện trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM diễn ra ngày 14-9, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, những phản ánh, bức xúc của người dân liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường thời gian qua khá nhiều. Điều này cho thấy, những giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Gấp rút xử lý, kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường

Tại cuộc họp về hiện trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM diễn ra ngày 14-9, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, những phản ánh, bức xúc của người dân liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường thời gian qua khá nhiều. Điều này cho thấy, những giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân.

Ô nhiễm phát sinh trên diện rộng

Vấn đề nóng nhất tại cuộc họp là tình trạng ô nhiễm môi trường ở huyện Bình Chánh. Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết, toàn huyện có 493 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và có nguy cơ cháy nổ cao đan xen trong khu dân cư chưa thể di dời. Không những thế, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 đang chuẩn bị hoàn thành và sẽ tiếp nhận thêm những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại các quận huyện khác trên địa bàn thành phố. Mức độ ô nhiễm trên địa bàn huyện đang ở mức đáng lo ngại khi công tác kiểm soát việc xử lý chất thải của các đơn vị hoạt động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu dân cư chưa đạt kết quả như mong muốn. Rất nhiều doanh nghiệp dù đã có hệ thống xử lý cục bộ nhưng vẫn lén lút thải ra ngoài. Chưa hết, trên địa bàn huyện còn tồn tại bãi xử lý chất thải rắn Đa Phước. Trung bình mỗi ngày, tại bãi xử lý chất thải này tiếp nhận khoảng 5.000 tấn rác thải sinh hoạt và hàng trăm tấn bùn thải cống, bùn hầm cầu. Thực tế này đang khiến cho nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện gia tăng.

Về ô nhiễm hệ thống kênh rạch, kết quả kiểm tra, đo đạc của Sở TN-MT ghi nhận tại kênh Thầy Cai - An Hạ - tuyến kênh chảy qua huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh, giáp ranh với tỉnh Long An đang bị ô nhiễm nặng. Nguồn thải gây ô nhiễm cho tuyến kênh này chính là nước thải sinh hoạt, sản xuất trong lưu vực kênh thuộc địa bàn huyện Hóc Môn, Bình Chánh và các khu công nghiệp nằm dọc theo hệ thống kênh thuộc tỉnh Long An.

Giải pháp tổng hợp xử lý môi trường

Không dừng lại đó, mức độ ô nhiễm nước thải, khí thải, tiếng ồn và chất lượng nước mặt hệ thống kênh rạch cũng được ghi nhận tồn tại rộng khắp trên địa bàn thành phố. Hiện thành phố mới đầu tư được 2/12 nhà máy xử lý nước thải cần phải đầu tư. Về hệ thống kênh rạch, không chỉ kênh Thầy Cai - An Hạ mà cả các tuyến kênh chính khác như rạch Bình Thọ, suối Nhum, Xuân Trường, suối Cái, kênh Ba Bò… đều bị ô nhiễm nước mặt nặng. Về khí thải và tiếng ồn cũng gia tăng do tốc độ gia tăng nhanh các phương tiện giao thông. Trước thực trạng đó, Sở TN-MT cho rằng, cần gấp rút triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kéo giảm mức độ ô nhiễm môi trường như tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các nguồn thải công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường; kiểm tra và buộc các cơ sở sản xuất đang xả thải ra kênh rạch phải đảm bảo xử lý chất thải đúng quy định nếu muốn tiếp tục hoạt động; hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu vực quận 12; tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nguồn thải có khối lượng 1.000m3/ngày đêm và với hệ thống xử lý nước thải của 16 khu chế xuất, khu công nghiệp. Riêng với các bãi xử lý rác thì yêu cầu tăng cường phun xịt chế phẩm khử mùi, xử lý nước rỉ rác nhằm tránh nguy cơ chảy tràn.

Thanh niên dọn dẹp vệ sinh kênh rạch ở quận 4, TPHCM trong ngày “Chủ nhật xanh”  Ảnh: VIỆT DŨNG

Liên quan đến việc phát sinh mùi hôi gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống khu dân cư quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, đang gấp rút xác định nguyên nhân. Dự kiến sẽ báo cáo UBND TPHCM và thông báo thông tin trong tuần sau. Trước đó, ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, hiện đã khoanh vùng xác định nguồn thải gây ô nhiễm mùi hôi là Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước.

Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp cùng Sở TN-MT TPHCM phải kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Một số vấn đề trọng tâm cần phải xác định ngay như nguồn thải phát sinh mùi hôi và đang phát tán rộng trong khu dân cư; đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước thải đô thị, kết hợp thực hiện nạo vét bùn thải kênh rạch, khơi thông dòng chảy để giảm ngập cho thành phố và xem xét triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn trong khu dân cư. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, với trách nhiệm của từng ngành liên quan, cần phải xác định và đưa ra những giải pháp xử lý cụ thể cho từng nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục