Chủ trương cho nuôi 160 loài động vật rừng - Lợi bất cập hại?

90 ngày để hợp thức hóa
Chủ trương cho nuôi 160 loài động vật rừng - Lợi bất cập hại?

Nhiều người lo ngại, Thông tư 47 của Bộ NN-PTNT vừa có hiệu lực (9-11) cho phép khai thác và nuôi 160 loài động vật rừng phục vụ mục đích thương mại chính là… hợp pháp hóa việc săn bắn, bẫy thú rừng tự nhiên. Còn người dân lại than phiền chuyện chứng nhận nguồn gốc cho thú rừng đang nuôi không phải dễ.

Thời gian tới người nuôi heo rừng và người săn heo rừng đều phải đăng ký. Ảnh: C.T.V.

Thời gian tới người nuôi heo rừng và người săn heo rừng đều phải đăng ký. Ảnh: C.T.V.

90 ngày để hợp thức hóa

Theo đó, thông tư mới nhất của Bộ NN-PTNT cho phép tổ chức, cá nhân có thể khai thác 160 loài động vật rừng thông thường như thỏ Trung Hoa, cầy tai trắng, cầy vòi hương, chồn bạc má, chồn vàng, heo rừng, hoẵng (mang), nai, hươu sao, nhím đuôi ngắn, gà rừng, trĩ đỏ, rùa, các loại rắn… với điều kiện có giấy phép của Sở NN-PTNT các tỉnh hoặc Tổng cục Lâm nghiệp cấp. Trong trường hợp người khai thác không là chủ rừng thì phải được sự đồng ý của chủ rừng… Đồng thời, các tổ chức, cá nhân cũng được phép nuôi các loài động vật rừng thông thường trong danh mục.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam, đơn vị được giao soạn thảo, một trong những điểm nổi bật của Thông tư 47 là quy định trong vòng 90 ngày kể từ khi thông tư có hiệu lực, các hộ gia đình, chủ trang trại đã và đang nuôi động vật rừng thông thường nằm trong danh mục 160 loài phải khai báo, đăng ký với chính quyền sở tại và cơ quan kiểm lâm để được chứng nhận hợp pháp. Những trường hợp không đăng ký và không có chứng nhận về nguồn gốc, sau thời hạn trên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều khiến các chuyên gia về bảo tồn động vật rừng và hệ sinh thái lo ngại là bằng việc cho phép từ nay người dân có thể khai thác, săn bắt các động vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên (ngoại trừ rừng quốc gia và khu bảo tồn), sẽ càng gia tăng tình trạng người dân đổ xô vào rừng để săn bắt các loài thú rừng được phép. Nguy hiểm hơn, theo PGS-TS Nguyễn Xuân Đặng, Phòng Động vật học có xương sống - Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, trong điều kiện lực lượng quản lý và bảo vệ rừng còn mỏng như hiện nay, không loại trừ tình trạng người dân được phép vào rừng săn bắt thú rừng thông thường thì săn bắn luôn cả động vật đã được xếp loại nguy cấp, động vật hoang dã.

Cùng chung nỗi lo như thế, ông Simon Mahood, chuyên gia chim hoang dã quốc tế, cho rằng việc cho phép người dân, tổ chức vào rừng săn bắn những loài như nai, heo rừng và các loài cầy đồng nghĩa với hợp pháp hóa việc săn bắt trên quy mô rộng, trong khi hiện nay nhiều loài nằm trong danh mục cho phép khai thác đã cạn kiệt, đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Do đó, không thể ngăn được nguy cơ người dân sẽ săn bắn luôn cả cá thể sao la hay loài mang lớn còn sót lại trong tự nhiên.

Liệu có hiệu quả

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đỗ Quang Tùng khẳng định, việc áp dụng Thông tư 47 sẽ giúp cơ quan quản lý có công cụ để xử lý các hành vi gây nuôi không đúng quy định, không ảnh hưởng tới việc bảo vệ các loài thú rừng tự nhiên. Trước đây, chúng ta mới chỉ đưa hơn 100 loài vào danh mục động vật quý hiếm và thêm một số loài nữa vào phụ lục của Công ước Cites để quản lý và bảo vệ. Còn lại trên 1.500 loài động vật bao gồm cả thú, chim, bò sát, lưỡng cư vẫn còn nằm ngoài danh mục, nên chế tài xử phạt các hành vi săn bắt, xâm hại các loài trong thời gian qua còn bỏ trống, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát buôn bán của cơ quan chức năng, mặt khác cũng gây khó khăn cho chính hộ dân, chủ nuôi trong việc lưu thông.

Thế nhưng, nhiều chuyên gia lại cho rằng, việc chính thức cho phép người dân khai thác và nuôi động vật rừng thông thường sẽ “lôi kéo” nhiều người dân vào rừng săn bắt, đồng thời có nhiều trang trại nuôi động vật rừng mọc lên, nhu cầu con giống càng tăng vọt và càng phải vào rừng để săn bắt nhiều hơn nữa. Trong khi với tình trạng như hiện nay, rừng đã và đang bị xâm hại rất nghiêm trọng.

Còn theo tâm sự của nhiều chủ trại, mặc dù cơ quan soạn thảo thông tư khẳng định đây là cơ hội để các chủ hộ, chủ trại gây nuôi động vật rừng có đủ thủ tục nhằm dễ dàng hơn trong khâu lưu thông, xuất bán, thậm chí xuất khẩu sản phẩm gây nuôi ra nước ngoài, nhưng để được cơ quan kiểm lâm chứng nhận nguồn gốc hợp pháp không phải dễ.

Anh Nguyễn Đức Chung, một hộ nuôi rắn ở làng rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) cũng như nhiều người dân nuôi hươu ở Nho Quan (Ninh Bình), Hòa Bình, Sơn La… cho biết, sau khi có thông tư trên, bà con đều lo lắng. Anh nói: “Tưởng dễ mà không hề dễ. Để có chứng nhận hợp pháp, chúng tôi phải mời kiểm lâm về trại kiểm tra. Ưng thì họ cấp chứng nhận hợp pháp. Chưa kể bao nhiêu năm nay, bà con vẫn nuôi hươu, nuôi heo rừng, gà rừng, ba ba… một cách công khai. Bây giờ theo quy định phải đăng ký hồ sơ mới bán được”. Vì thủ tục rất rườm rà, nhiều cơ sở vẫn bất đắc dĩ phải chọn cách cũ là gây nuôi chui.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sau gần 3 tháng nữa, hàng ngàn cơ sở, trang trại nuôi nhím, ba ba, hươu, heo rừng… trong cả nước sẽ bị cơ quan kiểm lâm “sờ gáy” hoặc không thể xuất bán được sản phẩm. Để hợp thức hóa trên đường lưu thông, người dân có thể sẽ phải “làm luật”.

Phúc Văn

Tin cùng chuyên mục