Giải tỏa 500 căn nhà trên kênh Tẻ quận 7

Chưa có chính sách hỗ trợ?

Chưa có chính sách hỗ trợ?

Chủ trương giải tỏa nhà trên đường Trần Xuân Soạn (dọc theo bờ kênh Tẻ quận 7) đã có hơn 10 năm nay. Thế nhưng đến nay chính quyền quận 7 vẫn chưa xây dựng xong chính sách giải tỏa, di dời. Vừa qua, 16 căn nhà bị thiêu rụi do hỏa hoạn. Sau tai nạn trên, chính quyền địa phương không cho các hộ cất nhà lại với lý do đây là khu vực giải tỏa...

  • Đi cũng dở, ở không xong
Chưa có chính sách hỗ trợ? ảnh 1

Khu vực bị cháy được dựng rào, cấm xây dựng.

Theo đơn kêu cứu của các hộ dân bị hỏa hoạn gởi đến báo Sài Gòn Giải Phóng và các ban ngành thành phố, hiện có 75 nhân khẩu thuộc 16 hộ gia đình có nhà bị cháy không được chính quyền địa phương giải quyết cho dựng lại nhà để ở.

Lý do chính quyền địa phương đưa ra là khu vực cháy đang chuẩn bị giải tỏa để xây dựng bờ kè. Tuy UBND quận 7 đã bố trí cho một số hộ vào tạm cư ở khu Phú Thuận nhưng vì nhiều lý do, người dân còn băn khoăn, chưa chịu vào ở.

Ông Nguyễn Tử Long (nhà số 6/1 Trần Xuân Soạn) cho rằng tuy chính quyền địa phương cho một chỗ tạm cư mới nhưng người dân không biết làm gì để mưu sinh tại nơi ở mới. Nguyện vọng của đa số người dân xin sử dụng lại nền nhà cũ để kinh doanh kiếm sống.

Nhiều người dân thắc mắc, 2 vụ hỏa hoạn trước cũng xảy ra trên tuyến đường Trần Xuân Soạn quận 7 làm tổng cộng 47 căn nhà bị thiêu rụi nhưng sau đó UBND phường cũng đã linh hoạt cho người dân cất nhà ở lại và buộc người dân làm cam kết tháo dỡ vô điều kiện khi Nhà nước giải tỏa thực hiện dự án xây bờ kè, nhưng nay vì sao không tiếp tục giải quyết theo hướng này?

Ông Nguyễn Thanh Thao (nhà số 4/1 Trần Xuân Soạn) cho biết, nỗi lo của người dân hiện nay là chính quyền địa phương chưa công bố cho người dân biết sẽ được giải quyết tạm cư trong thời gian bao lâu, tiền hỗ trợ, đền bù nhà cho người dân khi giải tỏa, các hộ dân có được giải quyết mua nhà tái định cư hay không… và khi chưa có chính sách di dời, hỗ trợ cụ thể mà đã buộc dân phải di dời là chưa hợp lý.

  • Chính quyền địa phương nói gì?

Chủ trương giải tỏa khoảng 500 căn nhà, đoạn từ Rạch Ông đến cầu Tân Thuận để xây dựng bờ kè kênh Tẻ đã có từ năm 1993 nhưng các ban ngành chức năng còn để đó do chưa có kinh phí thực hiện. Theo UBND phường Tân Kiểng thì việc người dân có nhà bị cháy xin dựng lại nhà và cam kết tháo dỡ khi thực hiện việc giải tỏa là không thể được. Hiện nay, vị trí các căn nhà này nằm ngay dưới đường dây điện cao thế 110 kV và việc xây dựng tạm bợ lấn chiếm sông rạch không đảm bảo an toàn, sai quy định. Hơn nữa dự án xây kè sắp được triển khai trong năm 2006-2007.

Ông Lê Văn Mai, Chủ tịch UBND phường Tân Kiểng cho biết, để không ảnh hưởng đến đời sống người dân nên ngay sau vụ cháy, phường đã xin quỹ nhà của quận 7 để sắp xếp chỗ tạm cư cho các hộ dân. Còn việc tạm cư bao lâu, hỗ trợ giải tỏa nhà như thế nào thì ông Mai chưa được UBND quận 7 thông báo.

Được biết, những căn nhà này đã được đo vẽ để chuẩn bị giải tỏa nên UBND quận 7 đã có hồ sơ về diện tích, kiến trúc trước khi cháy để làm thủ tục hỗ trợ theo đơn giá của dự án. Vì tất cả nhà ở khu vực này được xây trên đất lấn chiếm nên không có hộ nào có giấy chủ quyền hợp pháp và như thế, không có hộ nào thuộc diện được đền bù.

Bà Võ Thị Kim Em, Chủ tịch UBND quận 7 cho biết thêm: hiện chỉ có 8 hộ/16 hộ bị thiệt hại trong vụ cháy là có bức xúc về chỗ ở, số còn lại đều có nhà ở nơi khác. Việc xét mua nhà tái định cư thì còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện như thời gian cư trú, các hộ này có nhà nào khác hay không, giấy tờ nhà đất thế nào,… Các phòng ban của quận đang liên hệ với ngành chức năng để sớm công bố các mức hỗ trợ giải tỏa cho người dân an tâm.

TRẦN THANH

 

Tin cùng chuyên mục