Chưa có giải pháp hữu hiệu quản lý xe hợp đồng trá hình xe khách

Cả nước hiện có 240.000 xe hợp đồng, chiếm đến 70% xe vận tải khách, trong đó một lượng không nhỏ hoạt động lộn xộn, gây nên tình trạng xe dù, bến cóc, trá hình xe khách.

Tại cuộc tọa đàm được tổ chức ngày 18-12 tại Hà Nội, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Cục Cảnh sát giao thông, các sở GTVT, hiệp hội, doanh nghiệp vận tải đều cho rằng loại hình xe hợp đồng bị cho là xe khách trá hình có thể được tồn tại nhưng cần giải pháp hữu hiệu hơn để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa tăng hiệu lực quản lý.

Cả nước hiện có 240.000 xe hợp đồng, chiếm đến 70% xe vận tải khách, trong đó một lượng không nhỏ hoạt động lộn xộn, gây nên tình trạng xe dù, bến cóc, trá hình xe khách. Các ý kiến phát biểu tại tọa đàm cho rằng khó có thể xóa bỏ được loại phương tiện này. Người dân vẫn lựa chọn vì thuận tiện, không cần ra bến mua vé, chỉ cần đặt chỗ qua điện thoại di động, chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước chưa có đủ công cụ hỗ trợ xác định, xử lý vi phạm. Việc kiểm soát bằng phương pháp thủ công khó xác định tỷ lệ điểm đầu điểm cuối trùng lặp có vượt quá 30% tổng số chuyến trong tháng hay không. Bên cạnh đó, mỗi ngày có hàng ngàn hợp đồng, danh sách hành khách gửi về sở GTVT trước chuyến đi khiến hệ thống quản lý bị quá tải, khi trích xuất thông tin gửi cho lực lượng thanh tra giao thông xử lý cũng khó khăn. Bên cạnh đó, việc xe khách tuyến cố định đang bị quản lý quá chặt cả số lượng chuyến, giá vé, thuế… cũng khiến xe trá hình càng nở rộ.

Do vậy, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu và vạch ra hành lang, tạo ra sự lựa chọn về mô hình kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng. Nên nhân cơ hội Luật Giao thông đường bộ cùng các nghị định liên quan đang được xem xét sửa đổi để đề nghị sửa cho phù hợp. Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, cho biết, quan điểm của Cục Đường bộ Việt Nam là luôn khuyến khích xe hợp đồng kinh doanh theo đúng quy định pháp luật. Hiện dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã trình Chính phủ sau khi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Thời gian tới, nếu vẫn thấy các quy định chưa phù hợp, các cơ quan, đơn vị tiếp tục góp ý.

Tại dự thảo, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có bộ phận đảm bảo an toàn giao thông; bổ sung quy định thời gian thu hồi giấy phép kinh doanh, biển hiệu, phù hiệu sau 30 ngày mới được cấp lại. Trường hợp doanh nghiệp không nộp lại phù hiệu mà vẫn tiếp tục hoạt động như thời gian vừa qua, các phương tiện này sẽ được cảnh báo đăng kiểm tương tự như các xe vi phạm giao thông chưa chấp hành xử lý phạt nguội theo thông báo của cảnh sát giao thông; ngừng giải quyết thủ tục hành chính với doanh nghiệp chưa chấp hành nộp phù hiệu, biển hiệu. Cục Đường bộ Việt Nam cũng bổ sung việc thu hồi phù hiệu đối với xe vi phạm tốc độ 3 lần/ngày, tăng chế tài thay vì chỉ quy định thu hồi với phương tiện vi phạm tốc độ 5 lần/1.000km như trước đây.

Cũng theo ông Lương Duyên Thống, để đảm bảo quản lý tốt hoạt động kinh doanh vận tải vừa tạo thuận lợi cho người dân, các cơ quan quản lý cũng có thể xem xét tăng tần suất xuất bến tại các bến xe, đưa vào hoạt động xe trung chuyển đón trả người dân ra bến xe và về tận nhà, giúp giảm thời gian chờ đợi tại các bến xe, thu hút hành khách.

Tin cùng chuyên mục