Tối 18-3, Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam phát bản tin cập nhật tình hình mới nhất về sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (Nhật Bản). Đến chiều 18-3, nhiệt độ bể chứa nhiên liệu đã cháy của tổ máy số 5 và 6 nhà máy Fukushima 1 vẫn tiếp tục tăng chậm và hiện có một máy bơm diesel khẩn cấp đang cấp điện để phun nước vào các bể chứa số 5 và 6.
Trong khi đó, công tác bơm nước biển vào tâm lò các tổ máy số 1, 2 và 3 nhà máy Fukushima 1 vẫn được tiếp tục. Hiện các nhà máy điện hạt nhân khác trong khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất là Fukushima 2, Onagawa và Tokai 2 vẫn an toàn. Cường độ bức xạ đo tại trạm quan trắc nằm tại ranh giới nhà máy Fukushima 1 ngày 18-3 đã giảm so với kết quả đo của cùng trạm quan trắc này vào ngày 17-3 và đang có xu hướng giảm dần. Số liệu đo cường độ phóng xạ ở Tokyo cho thấy, giá trị suất liều cao nhất tại Tokyo so với tại nhà máy vẫn thấp hơn 20.000 lần.
Số liệu đo đạc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định, từ ngày 17-3, phóng xạ đã lan ra ngoài khu vực nhà máy Fukushima 1, theo gió bay đến Tokyo và một số vùng lân cận. Tuy nhiên, với các suất liều như hiện tại, sức khỏe của con người không bị ảnh hưởng.
Theo kết quả của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, từ ngày 16 đến hết 19-3, đám mây phóng xạ sẽ có xu hướng bay từ đất liền ra biển theo hướng Đông – Bắc, ra biển Thái Bình Dương và hướng về lục địa châu Mỹ.
Đến chiều qua 18-3, đám mây phóng xạ đã chạm đến lục địa Bắc Mỹ và có xu hướng di chuyển ngược ra vùng biển Thái Bình Dương. Vì thế, sự cố nói trên chưa ảnh hưởng đến lãnh thổ Việt Nam trong các ngày tới. Số liệu đo đạc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trong ngày 17 và 18-3 ở Hà Nội và Đà Lạt cũng khẳng định, chưa có mức tăng phóng bức xạ bất thường ở Việt Nam.
Nhóm công tác của Bộ KH-CN cho rằng, tới thời điểm này, theo những thông tin cập nhật được từ các cơ quan chức năng của Nhật Bản và IAEA, nhà máy điện Fukushima 1 đã xảy ra sự cố nhưng thùng áp lực của các lò phản ứng và lớp bảo vệ bê tông cốt thép chưa bị phá vỡ nên phần lớn chất phóng xạ vẫn được giữ trong lò. Những nỗ lực khắc phục hậu quả sự cố của Nhật Bản đã có những kết quả nhất định. Suất liều phóng xạ gamma hầu như không tăng trong mấy ngày gần đây.
Ngày 18-3, đại tá, TS. Nguyễn Hữu Nghĩa, Viện trưởng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội, cho biết đã chuẩn bị nhiều trang thiết bị hiện đại, đủ khả năng quan trắc, đo đạc và lập bản đồ phóng xạ trong phạm vi cả nước, cũng như điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm xạ. Trong thời gian tới, khi người Việt Nam trở về từ Nhật Bản, viện sẽ cử lực lượng kiểm tra sức khỏe, đo mức độ nhiễm xạ và điều trị kịp thời nếu phát hiện có dấu hiệu xấu.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục có thông tin khẳng định, nguy cơ bức xạ ảnh hưởng tới con người từ những sự cố hạt nhân ở Nhật Bản vẫn nằm trong phạm vi địa phương, chưa có dấu hiệu đe dọa bất cứ nơi nào khác. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên quá lo sợ, đổ xô đi mua thuốc potassium iodide hay các loại muối iốt nhằm phòng ngừa nhiễm các chất phóng xạ.
T.BÌNH - K.QUỐC
| |
Thông tin liên quan |
>> Việt Nam Không ảnh hưởng bụi phóng xạ >> Việt Nam chia sẻ khó khăn với Nhật Bản >> Nhật Bản: Số người thiệt mạng và mất tích lên đến 16.600 người |