Chưa đủ sức hút

Dân số già đang là trở ngại cho nền kinh tế Nhật Bản. Để tạo thêm lực đẩy cho nền kinh tế tăng trưởng, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng nhiều chính sách, trong đó có việc mở cửa thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao.
Chưa đủ sức hút

Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng sức hút nhân lực trình độ cao World Talent Ranking vừa công bố mới đây, trong 11 nước châu Á, Nhật có vị trí thấp nhất, sau những nước như Indonesia, Thái Lan, Malaysia.

Tính trên phạm vi toàn thế giới, Nhật Bản đứng thứ 51 trong 63 nước được xếp hạng. Tại châu Á, Singapore đứng đầu về thu hút nhân lực, sau đó đến Hồng Công (Trung Quốc).

Nhận định về vị trí xếp hạng của Nhật Bản trong World Talent Ranking, tờ Bloomberg cho rằng đây là thông tin không mấy lạc quan cho nền kinh tế Nhật Bản.

Không giống như một số quốc gia phương Tây, nơi mà thái độ đối với vấn đề nhập cư vô cùng cởi mở, ở Nhật, một bộ phận người dân vẫn lo sợ về sự đa dạng văn hóa, tôn giáo, sắc tộc. Đến khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nhậm chức, các chương trình tái thiết đất nước sau thảm họa động đất năm 2011 được triển khai mạnh mẽ cùng hoạt động chuẩn bị cho Olympic 2020 được khởi động khiến nhu cầu lao động tại Nhật lên mức cao nhất 24 năm.

Hiện phụ nữ và người cao tuổi đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động lao động sản xuất, nhưng nhìn chung, lực lượng lao động vẫn còn thiếu. Nhu cầu về nguồn lao động buộc Chính phủ Nhật Bản áp dụng chính sách linh hoạt hơn về nhập cư.

Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng chính sách cấp tư cách lưu trú dài hạn rất nhanh cho những nhân lực đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của Nhật, đánh dấu sự đổi mới đối với một nước bao lâu nay vốn có quan điểm rất khắt khe về nhập cư.

Chính sách mới được áp dụng nhưng dường như vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Ngôn ngữ được cho là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc tuyển dụng lao động nước ngoài tại Nhật.

Theo tờ Nikkei Asian Review, tại Nhật đang có hiện tượng những lao động nước ngoài có trình độ cao sẵn sàng từ bỏ công việc ở các công ty Nhật để tìm kiếm cơ hội ở các công ty nước ngoài đặt tại nước này. Lý do là các lao động bỏ việc ở các công ty Nhật phàn nàn việc không thấy rõ hướng phát triển công việc trong tương lai. Họ chấp nhận chọn một chỗ làm việc mới vì lương và các chính sách đãi ngộ hợp lý hơn.

Đối với giới cổ cồn trắng nước ngoài khi chọn Nhật là điểm đến, họ không chỉ quan tâm đến lương mà còn quan trọng ở chế độ đãi ngộ. Mức tăng trưởng lương tại các công ty Nhật Bản vẫn không cải thiện nhiều do các công ty vẫn chần chừ trong quyết định mở hầu bao bởi lo ngại những rủi ro của nền kinh tế.

Theo giới quan sát, trong ngắn hạn, xu thế này sẽ chưa gây ra nhiều tác hại đến xã hội, nhưng nếu vẫn tiếp diễn, chắc chắn lực lượng nhân sự hiện tại không đủ để duy trì thế mạnh của nền công nghiệp mà Nhật Bản đã có lâu nay. Nước Nhật giờ đây cũng đang thiếu nhân lực trong những ngành công nghệ hàng đầu, bao gồm công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và Internet.

Trong báo cáo của Chính phủ Nhật Bản công bố vào năm ngoái, ước tính Nhật thiếu 48.000 kỹ sư công nghệ thông tin - viễn thông vào năm 2020. Trong bảng xếp hạng về khả năng cạnh tranh về công nghệ số, Nhật chỉ đứng thứ 27 trên khắp thế giới .

Tin cùng chuyên mục