Các giải pháp cấp bách kéo giảm ùn tắc và TNGT

Chưa hiệu quả!

Giải pháp thiếu khả thi
Chưa hiệu quả!

Trước tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng, đầu tháng 10-2007, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch 6650 với 8 nhóm giải pháp cấp bách nhằm mục tiêu kéo giảm thực trạng trên vào cuối quý 1-2008. Thế nhưng đến thời điểm này, khi thời hạn đã hết, nhiều giải pháp cấp bách vẫn chưa thể triển khai và TNGT lại có nguy cơ bùng phát…

Giải pháp thiếu khả thi

Chưa hiệu quả! ảnh 1

Thời gian gần đây đường Nguyễn Thị Minh Khai thường xuyên kẹt xe kéo dài. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Ngay từ lúc Kế hoạch 6650 mới ban hành, Báo SGGP cũng đã có nhiều bài phân tích về tính thực tiễn của các giải pháp. Trong đó, ngay từ mục tiêu của kế hoạch xác định cũng chưa chuẩn vì “kéo giảm ùn tắc và TNGT ít nhất trở lại như đầu năm 2007”, trong khi tháng 1-2007 là tháng có số vụ TNGT và người chết do TNGT cao nhất trong năm!

Điểm qua các giải pháp trong Kế hoạch 6650, ngay từ giải pháp cấp bách đầu tiên là bố trí làm việc lệch ca, lệch giờ và được yêu cầu thực hiện ngay thì sau hơn 2 tháng họp tới, họp lui, giải pháp này chết yểu! Giải pháp cấp bách tiếp theo là chấn chỉnh trật tự đô thị, lập lại trật tự lòng lề đường nhưng sau khi triển khai quyết liệt một thời gian, đến nay “mèo lại hoàn mèo”.

Giải pháp thành lập Ban chỉ huy chống ùn tắc và TNGT cho đến thời điểm này chưa thấy triển khai. Các giải pháp khác như: chấn chỉnh hoạt động xe buýt, đào đường, phân luồng 1 chiều các tuyến đường… chỉ thực hiện dở dang trong thời gian đầu do hiệu quả không cao.

Trên thực tế, theo thống kê của Ban ATGT TPHCM, trong 3 tháng đầu thực hiện Kế hoạch 6650, tình hình ùn tắc và TNGT không những không giảm mà còn gia tăng. Cụ thể 3 tháng cuối năm 2007, trên địa bàn TPHCM xảy ra 336 vụ tai nạn giao thông, làm chết 251 người, bị thương 158 người và số vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong 3 tháng này cao bằng cả năm trước đó. Hai tháng đầu năm 2008, theo số liệu về số vụ ùn tắc và TNGT được đánh giá là giảm đáng kể.

Tuy nhiên, nguyên nhân giảm không phải do giải pháp mà do trong tháng giáp tết, lượng công nhân, học sinh sinh viên về quê nhiều nên ùn tắc và TNGT giảm. Điều đó được chứng minh khi số liệu ùn tắc và TNGT sau tết lại gia tăng, cụ thể: trong 16 ngày đầu tháng 3-2008, trên địa bàn TPHCM xảy ra 51 vụ TNGT làm chết 50 người, bị thương nặng 17 người.

So với cùng kỳ năm 2007, số vụ tai nạn tăng 3 vụ (6%), tăng 16 người chết (47%). Còn nếu so với 16 ngày liền kề trước đó, số vụ tai nạn tăng 23 vụ (82%), số người chết tăng 22 người (79%), số người bị thương nặng tăng 325%, số vụ va quẹt cũng tăng 256 vụ (143%). Theo một chuyên viên Ban ATGT TPHCM, trong tháng 3-2008, TNGT bùng phát 1 cách bất thường, điều này chứng tỏ các giải pháp trong Kế hoạch 6650 đã phá sản!

Đã được cảnh báo ngay từ đầu

Chưa hiệu quả! ảnh 2

Kẹt xe kéo dài trên xa lộ Hà Nội do hàng loạt xe buýt nối đuôi vào làn đường xe 2 bánh. Ảnh: H.B.

Ngay từ lúc xây dựng Kế hoạch 6650, đã có nhiều ý kiến cho rằng các giải pháp đưa ra thiếu tính khoa học và thực tiễn. Đơn cử, việc ban hành Kế hoạch 6650 đã đi ngược quy trình. Cụ thể, sau khi ban hành và tổ chức thực hiện gần nửa tháng mới tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các ban ngành, nhà khoa học về tính khả thi của các giải pháp…

Ngay thời điểm đó, TS Phạm Xuân Mai, Trưởng Khoa Kỹ thuật Giao thông ĐH Bách khoa TPHCM đã lưu ý rằng, những giải pháp cấp bách mà TP đưa ra chưa có giải pháp nào đột phá.

Đơn cử việc phân luồng tại nhiều khu vực trong thời gian qua cũng không thể giảm kẹt xe vì TP chưa điều tra, nghiên cứu kỹ. Chưa kể biện pháp cấm xe gắn máy lưu thông vào một số tuyến đường khu vực trung tâm sẽ không hiệu quả do chưa chuẩn bị được bãi đậu xe cho người dân. Các giải pháp trong Kế hoạch 6650 thiếu sự nghiên cứu, khảo sát, phân tích tình hình giao thông.

Tại cuộc hội thảo để lấy ý kiến phản biện về những giải pháp cấp bách nhằm giảm ùn tắc và TNGT được tổ chức sau khi UBNDTP ban hành Kế hoạch 6650, ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM và nhiều đại biểu khác cho rằng, mặc dù mới triển khai nhưng các giải pháp trong Kế hoạch 6650 đã bộc lộ nhiều bất cập, thiếu sự chuẩn bị, lộ trình nên hiệu quả không cao.

Còn theo Sở Tư pháp TPHCM, trong Kế hoạch 6650 quy định “Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ tịch UBND quận, huyện khẩn trương rà soát, chấn chỉnh ngay việc cấp phép kinh doanh cho các đơn vị doanh nghiệp, cửa hàng, hàng quán... không có nơi đậu xe đúng quy định cho khách hàng”.

Theo Sở Tư pháp, mặc dù nội dung không thể hiện rõ nhưng có thể hiểu chỉ đạo của UBNDTP là không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho những cơ sở kinh doanh không có nơi đậu xe đúng quy định cho khách hàng (thực tế đã có nhiều quận không cấp giấy kinh doanh vì lý do này – PV), điều đó không phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Sau này, khi UBND TP có công văn số 496/UBND-ĐTMT với nội dung: “Chấp thuận Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các quận, huyện yêu cầu các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, khi nộp hồ sơ cấp phép đăng ký kinh doanh, phải có văn bản cam kết không vi phạm Điều 8 Luật Giao thông Đường bộ về sử dụng lòng lề đường; trong đó nói rõ nơi để xe đúng quy định cho khách hàng đến giao dịch”, một lần nữa Sở Tư pháp cho rằng chỉ đạo này chưa phù hợp với quy định của pháp luật vì đã đặt thêm thủ tục khi đăng ký kinh doanh mà pháp luật không quy định.

Chúng tôi xin đưa ra đánh giá của một cán bộ lãnh đạo cấp sở về Kế hoạch 6650 để thay cho lời kết: “Một kế hoạch liên quan đến dân mà không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trước khi ban hành, không hoạch định được lộ trình thực hiện, thiếu khoa học, không lấy ý kiến tham khảo, phản biện các sở ngành liên quan và các nhà khoa học thì phá sản là tất yếu”. Điều đáng tiếc là những cảnh báo trên đã không được cơ quan tham mưu cho UBNDTP lưu ý để sớm bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp.

Khoản 5, điều 7, Luật Doanh nghiệp 2005, quy định: “Bộ và cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”.

Hải Bằng

Tin cùng chuyên mục