
Một hiện tượng chưa từng gặp ở khu di tích - danh lam thắng cảnh nổi tiếng chùa Hương (Hà Tây), là thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều cò trắng (ảnh) bay quanh dòng suối Yến (đoạn gần cầu Hội và núi Đổi Chèo). Theo người dân, ngày cao điểm, số lượng cò về lên tới 600-700 con, bay trắng xóa cánh đồng ngập nước và sườn núi nằm dọc suối Yến. Tầm 5 giờ chiều cò thường tụ tập về nhiều nhất. Đến 4-5 giờ sáng, lại bay đi nơi khác kiếm ăn.

Theo lý giải của người dân, sở dĩ suối Yến (chùa Hương) bỗng trở thành "sân chim" đông đúc vì đây là một thung lũng kín đáo, có đất ngập nước và thân thiện với môi trường. Du khách ngồi đò, đi trên suối Yến có thể thoải mái nhìn ngắm những cánh cò trắng rập rờn, đậu kín cánh đồng, sườn núi.
Trao đổi với PV Báo SGGP chiều 14-2, ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Hương, cho biết ban quản lý sẽ làm việc với UBND xã Hương Sơn để tìm giải pháp duy trì, bảo vệ "sân cò" này.
°Hơn 10 ngày qua, TP Rạch Giá và thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) xuất hiện nhiều đàn chim én, có những đàn đông hàng ngàn con. Không chỉ xuất hiện rồi bay đi như trước, lần này, chim én ở lại và trú ngụ trong một số ngôi chùa cổ, biệt thự mái ngói xưa nằm ở những vị thế vắng vẻ yên tĩnh. Một vài ngôi nhà cổ nằm trên đường Trần Phú, TP Rạch Giá; trên bến Trần Hầu, thị xã Hà Tiên không chỉ là nơi chim én tụ hội mà còn là nơi chim làm tổ.
Theo một số người dân cố cựu tại đây, việc chim én xuất hiện số lượng nhiều, thời gian kéo dài lại trùng hợp với thời điểm Tết Nguyên đán là hiện tượng rất hiếm gặp từ trước đến nay, là dấu hiệu tốt đẹp, may mắn của năm mới! Chim én xuất hiện khá nhiều còn chứng tỏ hệ sinh thái môi trường vùng ven biển Kiên Giang đang ngày càng được cải thiện.
V.PHÚC - N.THẮNG