
- Lễ chưa khai mạc, hội đã bắt đầu

Du khách tham quan, mua sắm ở An Giang.
Hôm nay, 18-2-2006, các tay đua xe đạp tay cầm ngang, một nội dung của Festival, đã căng những vòng chân đầu tiên để tranh tài.
Tổng cộng có 12 đội đua của ĐBSCL tham dự đường đua qua tỉnh Kandal, Campuchia, về Vĩnh Long, Cần Thơ, xuống Hậu Giang, Rạch Giá và kết thúc tại An Giang đúng vào ngày khai mạc Festival. Không khí đã nóng ở hai nơi diễn ra lễ hội là thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc.
Theo Ban tổ chức, trong đêm khai mạc và các đêm sau, hai sân khấu chính và một sân khấu nước (hồ Nguyễn Du-TP Long Xuyên) là điểm nhấn tạo sự chú ý với những chương trình ca múa nhạc truyền thống-hiện đại.
Hàng trăm món ăn thời khẩn hoang và những món ăn đặc sắc của đồng bào các dân tộc Nam bộ, các hoạt động thể dục thể thao như chạy việt dã, đua thuyền truyền thống hay những cuộc thi hướng dẫn viên duyên dáng, hội chợ mua sắm, hội thảo chuyên đề… cũng là một nét đặc sắc trong Festival.
- Tạo “món mới” cho du lịch đồng bằng
Nguyên nhân dẫn đến sự chậm phát triển của du lịch ĐBSCL: ngành du lịch địa phương chưa xây dựng được thương hiệu du lịch riêng; các chủ vườn làm du lịch theo lối tư duy nông nghiệp “mạnh ai nấy làm”; đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chưa nắm bắt được tâm lý khách du lịch; chưa đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng khách; cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, chỉ mới tập trung đầu tư vào những điểm du lịch, môi trường và cảnh quan trên tuyến hành trình còn ô nhiễm, nhếch nhác. |
Đáng buồn cho du lịch ĐBSCL, lượng khách nước ngoài trong thời gian qua đến VN chỉ tập trung ở các tỉnh miền Bắc, Trung và TPHCM. Nếu có đến ĐBSCL, họ lưu trú rất ngắn ngày do sự đơn điệu. Mekong Festival có thể là một trong những lời giải.
Bây giờ, đến An Giang, du khách có thể đến thăm khu lưu niệm bác Tôn, đi chợ nổi Long Xuyên, chinh phục núi Cấm ở độ cao 710 mét, thăm làng cá bè Châu Đốc, làng Chăm Châu Giang…
Với khách nước ngoài, chuyện đạp xe tham quan cù lao Ông Hổ, học cách làm nhang, cấy lúa, rèn nông cụ và ngủ đêm ở nhà một nông dân nào đó là điều rất thú vị. Đây chính là nét đặc biệt của An Giang mà các tỉnh ĐBSCL khác không có. Thế nhưng, nét dễ thấy nhất là tất cả các tỉnh, thành trong vùng đều có chợ nổi, có làng nghề nhưng chưa có sự phối hợp để tránh trùng lắp.
Tại sao không có một tour mà du khách được “một ngày làm ngư dân vùng biển” (xuống thuyền, đi theo xem cách thức đánh bắt cá hoặc đi cà kheo trên nước cạn đánh bắt nghêu, sò) hay trở thành “người thợ Chăm dệt thổ cẩm” (dệt thổ cẩm cùng với các cô thợ dệt khéo tay và sau đó được tặng lại sản phẩm làm ra) hoặc có thể vừa làm “ngư dân” (xuống biển Phú Quốc) vừa làm “tiều phu” (vào rừng U Minh) lại vừa làm một “nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc” (thăm và cầu nguyện cùng đồng bào Chăm, vào chùa Khmer)…
MINH ANH-CAO PHONG