(SGGP).- Hiệp hội Dừa Việt Nam vừa có đề xuất với lãnh đạo UBND, Hội đồng nhân dân TPHCM về mô hình trồng dừa trên các tuyến đường mới và ven kênh rạch trên địa bàn TPHCM.
Ngày 27-9, trao đổi với phóng viên Báo SGGP về đề xuất này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, hiện sở vẫn chưa nhận được thông tin này. Tuy nhiên, để triển khai trồng hay không trồng loại cây này cần có ý kiến của các ngành chức năng liên quan và các nhà khoa học chuyên ngành, sau đó báo cáo UBND TPHCM quyết định.
Được biết, ngày 11-10-2013 UBND TPHCM ban hành Quyết định số 45/2013/QĐ-UBND, cây dừa nằm trong nhóm 23 loài cây hạn chế trồng trên vỉa hè và dải phân cách. Đến ngày 25-11-2013, UBND TPHCM tiếp tục ban hành Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND về danh mục các loại cây cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn TP. Theo đó, có 28 loại cây là các cây có độc tố gây nguy hiểm cho người; những cây ăn quả; cây có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường. Cây dừa bị cấm trồng trên vỉa hè lẫn dải phân cách vì quả to, dễ rụng, gây nguy hiểm.
Trước đó, Hiệp hội Dừa Việt Nam đề xuất, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, TPHCM có hơn 500km đường ven kênh. Với mật độ trồng 5m/cây thì hai bên bờ kênh có thể trồng được khoảng 100.000 cây dừa. Với khả năng chống chọi mưa bão cao và phù hợp với hầu hết các loại đất, do vậy trồng dừa làm cây xanh cho đô thị sẽ rất hiệu quả kinh tế do ít tốn công chăm sóc. Với dạng lá thùy lông chim, lá dừa còn có tác dụng làm giảm được tiếng ồn, lọc không khí. Nếu chọn dừa là cây xanh chủ lực, việc quản lý bảo dưỡng cây xanh tại TPHCM có thể xã hội hóa, tiết kiệm một phần ngân sách. Đơn vị bảo dưỡng chăm sóc sẽ có được nguồn thu hàng tháng từ dừa cho công tác duy tu chăm sóc từ việc thu hoạch trái và lá dừa. Nếu không muốn để dừa ra trái, có thể chiết xuất mật hoa dừa. Trước mắt, Hiệp hội Dừa Việt Nam đề xuất tổ chức khảo sát thực tế hàng dừa dọc kênh Tàu Hủ quận 8, TPHCM.
QUỐC HÙNG