Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mưa đá là một loại hình thiên tai rất nguy hiểm nhưng mạng lưới quan trắc của chúng ta còn quá mỏng và lạc hậu nên đến nay chưa thể dự báo trước được mưa đá.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, 5 loại hình thiên tai gồm: mưa đá, vòi rồng, dông lốc, mưa lớn cục bộ và sét đã được các nhà khí tượng xếp vào nhóm thiên tai nguy hiểm thứ ba chỉ sau bão, áp thấp nhiệt đới và mưa bão gây lũ lụt. Tức còn nguy hiểm hơn cả rét đậm, rét hại, hạn hán… Thế nhưng hiện nay, việc dự báo về dông lốc, sét, mưa đá… chỉ mang tính ước định trong các bản tin về các hiện tượng sắp xảy ra như không khí lạnh tăng cường, gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam… chứ chưa thể đưa ra cảnh báo cụ thể, chính xác thời điểm nào, khu vực nào sẽ xảy ra mưa đá, và mưa đá thường chỉ xảy ra trên diện cục bộ. “Việc dự báo mưa đá hiện cũng khó như dự báo động đất” - ông Lê Thanh Hải nói.
Tuy nhiên, nếu dựa theo quy luật chung thì cũng có thể vẽ được bản đồ khu vực thường xuyên hoặc có nguy cơ cao xảy ra mưa đá, đó là khu vực miền núi phía Bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và ven biển miền Trung, Tây Nguyên. Lý do là ở miền núi có địa hình không bằng phẳng nên thường sinh ra các luồng đối lưu không đều, tạo ra các dòng hội tụ đối nghịch nên dễ gây mưa đá, trong khi đồng bằng có mặt bằng khí hậu tương đối đồng nhất.
Trả lời về năng lực cảnh báo mưa đá còn kém, một chuyên gia khí tượng cũng nói rằng, không chỉ Việt Nam mà ở các nước khác, việc dự báo mưa đá cũng gặp khó khăn. Trong khi đó, một trong những hạn chế ảnh hưởng đến khả năng dự báo ở nước ta chính là hệ thống mạng lưới quan trắc quá thưa thớt. Đã vậy, việc truyền tin về số liệu phục vụ cho việc tổng hợp, đưa ra nhận định cảnh báo lại phần lớn bằng thủ công, sử dụng phương thức cũ nên thông tin về rất chậm.
Văn Phúc