Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh việc dạy học trực tuyến ngày càng trở nên quan trọng, khi vừa qua học sinh phải nghỉ học dài ngày do ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo đó, tới đây, khi Việt Nam triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, với việc ban hành thông tư này, Bộ GD-ĐT sẽ công nhận phương thức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông.
Bộ GD-ĐT xác định mục đích của việc dạy học trực tuyến là để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, đặc biệt là khi các em không thể đến được trường vì những lý do khách quan. Phương thức này còn bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp trên lớp, giúp nâng cao hiệu quả công tác dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên, học sinh.
Dạy học trực tuyến cũng tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên Internet để phục vụ việc giảng dạy và học tập. Khi tổ chức dạy học trực tuyến, Bộ GD-ĐT cũng sẽ đánh giá và xét, công nhận kết quả học tập trực tuyến.
Việc trang bị cho học sinh những kỹ năng về chuyển đổi số ở mọi cấp học, hướng đến hình thành một thế hệ công dân số là một trong những mục tiêu mà ngành giáo dục đang đề ra, thể hiện rõ nhất là môn Ngoại ngữ và Tin học đã đưa vào giảng dạy ngay từ đầu cấp tiểu học. Bên cạnh đó, giáo dục STEM cũng được đẩy mạnh thông qua việc học tập qua dự án và phát triển các không gian đổi mới sáng tạo trong trường học. Các bài giảng e-learning nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của giáo viên và tạo ra kho học liệu số toàn ngành được đẩy mạnh, với hơn 7.000 bài giảng có chất lượng. Việc dạy học trực tuyến trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua cũng thể hiện rõ quá trình chuyển đổi số trong giáo dục với hơn 80% nhà trường áp dụng dạy học và đánh giá trực tuyến ở các mức độ khác nhau, đảm bảo thực hiện kế hoạch năm học 2019-2020. “Năng lực số” trong giáo dục cũng thể hiện rõ nét trong điều kiện học sinh không thể đến trường, không thể di chuyển đa quốc gia, minh chứng là mùa Olympic khu vực và quốc tế 2020, thí sinh Việt Nam phải dự thi trực tuyến thay vì đến các quốc gia đăng cai tổ chức, và các em đều đạt kết quả xuất sắc (24/24 thí sinh Việt Nam dự thi Olympic các môn đều đoạt giải).
Như vậy, có thể thấy, dù lớp học truyền thống là không thể thay thế nhưng với thời đại 4.0, tới đây, việc học tập trực tuyến sẽ không còn trở nên xa lạ, học sinh rồi sẽ quen dần với việc trở thành “học sinh số”. Hiện nay, hình ảnh một em học sinh vừa học bài, làm bài, vừa sử dụng máy tính, điện thoại tra cứu thông tin phục vụ cho việc học đã dần trở nên quen thuộc. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trong xã hội hiện nay, năng lực số là không thể thiếu đối với mỗi học sinh. Năng lực số ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất học tập, việc tìm kiếm nguồn tài liệu học tập, khả năng kết nối tri thức cũng như phát huy được năng lực sáng tạo vượt ra khỏi phạm vi một lớp học hay trường học. Do vậy, việc rèn luyện kỹ năng số phải được triển khai từ sớm, ngay từ những cấp học đầu tiên ở các dạng thức đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
Ngành giáo dục đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh, từ bậc mầm non đến phổ thông, trong đó không dừng lại ở những kỹ năng sử dụng, kiến thức công nghệ mà hướng đến phát triển năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ. Tới đây, ngành giáo dục còn dự định sẽ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính. Nhưng để “giáo dục số” có kết quả, đòi hỏi ngành giáo dục phải hướng dẫn để thầy cô giáo thực sự có ý thức đổi mới. Giáo viên phải từng bước cởi bỏ tư duy cũ, tạo tâm thế sẵn sàng tiếp cận cái mới, không được ngại đổi mới; chỉ có như thế, thầy cô mới sẵn sàng để hướng dẫn học sinh cũng tích cực đổi mới, có kỹ năng số trong học tập. Bên cạnh đó, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc học tập trực tuyến cũng phải được ngành giáo dục chuẩn bị chu đáo. Khi cả giáo viên, học sinh được chuẩn bị chu đáo cho tâm thế dạy và học trong thời đại số thì lúc đó, câu chuyện có nên để học sinh phổ thông sử dụng điện thoại trong giờ học hay không, sử dụng ở mức độ nào mới thôi gây lo lắng và gây tranh luận như hiện nay.