Tổng lượng chất thải nguy hại nước ta ước tính lên đến 156.000 tấn/năm. Trong đó, chất thải y tế nguy hại từ các bệnh viện, cơ sở y tế và điều dưỡng chiếm khoảng 51.000 tấn/năm. Phần lớn chất thải nguy hại đều phát sinh ở khu vực miền Nam, chiếm khoảng 64%. Điều đáng nói là công nghệ xử lý loại chất thải này đang rất lạc hậu.
Đại diện Hội Môi trường - Đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam cho biết, cả nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng đang trong quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa và hiện đại hóa nhanh chóng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự báo đến năm 2015, tổng lượng chất thải phát sinh sẽ lên đến 35 triệu tấn/năm. Lượng chất thải nguy hại chiếm từ 18-25% lượng chất thải rắn phát sinh tại mỗi khu vực. Thành phần chất thải sẽ thay đổi từ chỗ dễ phân hủy sang ít phân hủy và nguy hại hơn.
Điều đáng lo ngại là hiện công nghệ xử lý chất thải công nghiệp nguy hại và y tế chủ yếu là công nghệ đốt, hóa rắn, tái chế một phần và chôn lấp an toàn. Các công nghệ này thường lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu xử lý những loại chất thải nguy hại phát sinh trong thực tế. Đã vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải nguy hại lại thường sử dụng công nghệ đa dụng cho nhiều loại chất thải nguy hại và đầu tư ở quy mô nhỏ nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý chất thải nguy hại. Đó là chưa kể các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này hầu hết lại là những công ty công ích tại các địa phương hoặc các đơn vị tư nhân nhỏ. Họ đầu tư dây chuyền công nghệ không đồng đều, cộng với hoạt động cạnh tranh chưa thực sự công bằng, dẫn đến chất lượng xử lý đã kém còn kém hơn. Trên thực tế, thời gian qua, các đơn vị cạnh tranh giành giật thị trường bằng mọi giá. Điều này dẫn đến hệ quả là việc xử lý không tuân thủ đúng quy định giấy phép hành nghề, gây tác hại nghiêm trọng đến chất lượng môi trường.
Một lý do khác khiến cho hoạt động đầu tư công nghệ cũng như xử lý chất thải nguy hại còn lỏng lẻo chính từ các quy định pháp lý. Hiện chưa có quy định về quản lý chất thải công nghiệp nguy hại là bùn thải. Vì thế đang có xu hướng các chủ nguồn thải chuyển nhóm bùn thải nguy hại thành không nguy hại để giảm chi phí xử lý. Việc giám sát, kiểm tra thực hiện chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt đối với một số đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại, dẫn đến việc các đơn vị này thực hiện mang tính chất đối phó, không đảm bảo các yếu tố an toàn môi trường.
Để cải thiện thực trạng trên, cần thiết chuẩn hóa công nghệ xử lý chất thải nguy hại. Đồng thời xây dựng khung pháp lý từng bước quy định giá sàn xử lý các nhóm chất thải nguy hại nhằm buộc các đơn vị hành nghề phải xử lý triệt để khối lượng chất thải đã thu gom, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng. Cuối cùng là phải tăng cường công tác thanh kiểm tra các đơn vị hành nghề thu gom, xử lý chất thải nguy hại, nhất là với những đơn vị chuyên nhận thu gom, xử lý nhóm bùn thải.
PHÚC ANH