Miễn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh
Chiều 23-10, Bộ GD-ĐT đã có văn bản điều chỉnh, bổ sung miễn thi môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT năm 2015. Thế nhưng, nhiều chuyên gia, giáo viên tiếng Anh cho rằng chuẩn môn tiếng Anh vẫn còn thấp.
Chuẩn thấp
Theo công văn số 5633/BGDĐT - KTKĐCLGD, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT cho những thí sinh có nguyện vọng và đáp ứng một trong những điều kiện: Tham dự kỳ thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ GD-ĐT, hoặc có một trong các chứng chỉ còn giá trị sử dụng tính đến ngày tổ chức kỳ thi (9-6-2015). Đối với môn tiếng Anh, chứng chỉ quốc tế đạt yêu cầu tối thiểu là TOEFL ITP 400 điểm, TOEFL iBT 32 điểm, TOEIC 400 điểm, IELTS 3.5 điểm. Quy định này cũng nêu rõ, trong những năm trước mắt, đề thi ngoại ngữ bảo đảm phù hợp với chương trình bộ môn hiện hành (học trong 7 năm học) nên yêu cầu năng lực tương ứng bậc 2, khung 6 bậc Việt Nam (tương đương A2 khung tham chiếu châu Âu). Trong những năm sau, học sinh học chương trình 10 năm, đề thi sẽ yêu cầu năng lực bậc 3, khung 6 bậc Việt Nam (tương đương B1, khung tham chiếu châu Âu).
Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sau giờ thi môn tiếng Anh. Ảnh: MAI HẢI
Trước băn khoăn của dư luận về chuẩn miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ quá thấp, chiều 23-10, Bộ GD - ĐT đã có công văn điều chỉnh, bổ sung. Theo đó, đối với môn tiếng Anh, đối tượng được miễn thi là thí sinh tham dự kỳ thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ hoặc có một trong những chứng chỉ đạt yêu cầu tối thiểu như sau: TOEFL ITP 450 điểm; TOEFL iBT 45 điểm; IELTS 4.0 điểm. Thế nhưng, nhiều chuyên gia, giáo viên dạy tiếng Anh lại tiếp tục cho rằng chuẩn này vẫn còn thấp, cần được nâng cao hơn và đặt câu hỏi: “Quy định miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ để làm gì? Nếu đặt mục tiêu giảm tải, nhẹ nhàng cho thí sinh thì lại gây rối và khó cho công tác tuyển sinh ĐH-CĐ. Còn tổ chức thi lại môn ngoại ngữ để xét tuyển đúng yêu cầu đào tạo thì lại tạo thêm áp lực cho thí sinh và ý nghĩa của kỳ thi quốc gia hai trong một không thành”.
Nâng chuẩn để học sinh phấn đấu
Bà Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM, nói: “Học xong lớp 12, học sinh của trường ở hai khối A-B đều đạt trình độ tương đương IELTS 5.0-6.0 hoặc cao hơn. Vì thế, xét miễn thi tốt nghiệp THPT với chuẩn IELTS 3.5 là quá thấp. Dựa trên cơ sở nào để tính điểm cho các môn ngoại ngữ và dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển ĐH-CĐ?”. Một số hiệu trưởng trường THPT khác ở TP cũng cho biết trình độ tiếng Anh của học sinh khối 11,12 qua khảo sát chung cũng đạt trình độ IELTS từ 4.0 trở lên. Cũng theo một số giáo viên dạy Anh văn, với chuẩn miễn thi tốt nghiệp mà bộ đặt ra, học sinh có học lực trung bình môn tiếng Anh cũng có thể đạt được và họ kiến nghị chỉ nên miễn thi cho số học sinh giỏi ngoại ngữ, chứ không nên miễn đại trà.
Thực tế mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh ở các TP lớn như TPHCM, Hà Nội luôn cao hơn nhiều so với khu vực tỉnh, địa phương vùng sâu vùng xa. Và khi đặt ra chuẩn quá thấp để miễn thi môn ngoại ngữ thì chúng ta sẽ có số lượng khá đông học sinh được miễn thi tốt nghiệp. Kết quả này có ý nghĩa gì khi đạt ngưỡng tối thiểu này nhưng học sinh chẳng làm được gì và buồn hơn là không thể nói, nghe, giao tiếp bằng tiếng Anh? Vì thế, theo kiến nghị của các chuyên gia, để khuyến khích học sinh học ngoại ngữ hiệu quả, đạt chuẩn, có kỹ năng giao tiếp tốt thì nên nâng chuẩn miễn thi cao hơn trình độ khung. Hơn nữa đã lấy các chứng chỉ quốc tế làm chuẩn thì phải thực hiện đồng bộ và xem đây là tiêu chí ưu tiên cho học sinh giỏi, có nhiều nỗ lực phấn đấu. Theo đó, chuẩn tiếng Anh có thể chấp nhận được để xét miễn thi tốt nghiệp THPT phải đạt trình độ B1-tương đương với điểm IELTS tối thiểu 4.5, TOEFL iBT: 60 điểm, TOEIC: 450 điểm trở lên. Bộ nên xem xét thực tế và có cách tính quy đổi điểm tương ứng với các chứng chỉ quốc tế mà thí sinh đã đạt được để tạo sự công bằng và đánh giá đúng năng lực ngoại ngữ của người học. Đây cũng là cơ sở giúp các trường ĐH có kế hoạch xét tuyển theo yêu cầu đào tạo, thay vì phải tổ chức thi lại, tạo áp lực cho thí sinh.
Không thể phủ nhận những cố gắng của Bộ GD-ĐT trong việc đổi mới thi cử và quyết tâm thực hiện một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Thế nhưng, cách làm của bộ lại thể hiện sự lúng túng, vội vã và thiếu nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học. Chính vì thế, văn bản số 5633 vừa ban hành đã phải “đính chính” do nhầm lẫn về đơn vị cấp chứng chỉ IELTS là Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS). Bên cạnh đó, điều kiện miễn thi tốt nghiệp cũng bỏ quên đối tượng học sinh giỏi ngoại ngữ tham gia kỳ thi cấp quốc gia. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào khuyến khích học sinh học ngoại ngữ đạt chuẩn để sử dụng, giao tiếp lưu loát chứ không phải chỉ để ứng thí là chính. Đến bao giờ môn ngoại ngữ tiếng Anh mới được coi trọng và tạo sự đột phá trong thi cử đánh giá theo đúng năng lực người học? Khi môn ngoại ngữ vẫn thi theo phương thức trắc nghiệm kiểu cũ thì học sinh tiếp tục học vẹt thuộc nhiều từ ngữ, giỏi ngữ pháp nhưng không thể vận dụng, giao tiếp. Như thế học ngoại ngữ không hiệu quả thì miễn thi để làm gì?
KHÁNH BÌNH