Chung kết cuộc thi “Xây nên điều kỳ diệu”: Kiến trúc xanh chiếm tuyệt đối

Ngày 19-7, trong khuôn khổ cuộc thi kiến trúc năm 2012 mang tên “Xây nên điều kỳ diệu” dành cho sinh viên kiến trúc và kiến trúc sư trẻ, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam, Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ đã chấm thi chung kết và trao giải cho các công trình kiến trúc xuất sắc nhất.
Chung kết cuộc thi “Xây nên điều kỳ diệu”: Kiến trúc xanh chiếm tuyệt đối

Ngày 19-7, trong khuôn khổ cuộc thi kiến trúc năm 2012 mang tên “Xây nên điều kỳ diệu” dành cho sinh viên kiến trúc và kiến trúc sư trẻ, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam, Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ đã chấm thi chung kết và trao giải cho các công trình kiến trúc xuất sắc nhất.

Sân chơi lãng mạn

Theo KTS Nguyễn Thu Phong, Chủ nhiệm Câu lạc bộ KTS trẻ, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, đã có hơn 70 công trình kiến trúc tham dự cuộc thi. Đề tài có khác nhau song gần như tuyệt đại đa số các tác phẩm ban tổ chức nhận được đều hướng về lối kiến trúc xanh, thân thiện môi trường. Chỉ có một khác biệt rất dễ nhận thấy, trong khi phần lớn tác phẩm của sinh viên bay bổng, đầy mộng mơ, nói như KTS Nguyễn Thu Phong là “vẽ trên nền trời” thì tác phẩm của các KTS trẻ thực tế hơn nhiều. Các công trình của họ đa phần đều “vẽ trên mặt đất” trong không gian chật hẹp của các đô thị với những ngôi nhà ống nhỏ, những “phố” gầm cầu, những căn phòng làm việc trong container...

Chung kết cuộc thi “Xây nên điều kỳ diệu”: Kiến trúc xanh chiếm tuyệt đối ảnh 1

Một dãy cao ốc trên đường Nguyễn Văn Trỗi TPHCM gắn kính xung quanh để tận dụng ánh sáng mặt trời. Ảnh: DIỄM THY

Mơ mộng nhất trong số các tác phẩm đầy chất lãng mạn của nhóm sinh viên có lẽ là tác phẩm “Nhà xoay 45 độ” của sinh viên Cao Xuân Hưng và các bạn đến từ Trường Đại học Kiến trúc TPHCM. Ý tưởng của các sinh viên này là “nhấc” những ngôi nhà phố trong đô thị lên cao theo hướng dốc 45 độ so với mặt đất. Khoảng không gian trống trong góc 45 độ sẽ được tận dụng cho phát triển mảng xanh. Trong nhà là những kiến trúc lệch tầng, tạo sự thông thoáng và ban công vươn ra để đón ánh sáng tự nhiên. Nhà xiên 45 độ sẽ được xây dựng theo từng cụm với trung tâm là khu vui chơi công cộng xanh cho mọi cư dân. Một tác phẩm khác không kém phần mơ mộng là “Trung tâm Phát triển trẻ em làng chài Cửu Vạn ở vịnh Hạ Long” của các sinh viên đến từ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Mô hình của trung tâm được lấy từ kiểu dáng của hoa san hô - một thứ hoa “đặc sản” của biển cả. Nhìn công trình trong phối cảnh 3D với trời, nước thăm thẳm một màu xanh, những hòn đảo kỳ vĩ của vịnh Hạ Long và “hoa” san hô mọc ở giữa, không ít giám khảo của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có lời khen cho tác phẩm này.

Tác phẩm “Làng sinh thái và văn hóa Chăm pa” của sinh viên Đỗ Kim Chung và các bạn đến từ Đại học Kiến trúc TPHCM thực tế hơn một chút khi đặt ra vấn đề bảo tồn kiến trúc và văn hóa Chăm pa trong bối cảnh sa mạc hóa ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Trăn trở trước nguy cơ sa mạc hóa sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sẽ xóa dần đi các kiến trúc truyền thống cũng như các làng nghề của người Chăm, sinh viên Đỗ Kim Chung và các bạn đề xuất ý tưởng nghiên cứu, học tập lại kiểu nhà sàn thấp của người Chăm. Kiểu nhà này, theo các bạn sinh viên, giúp chống cát thổi vào nhà. Các nhà trong cùng một làng sẽ được bố trí so le để thông gió và sau mỗi con dốc sẽ làm ao để thu giữ nước.

Thực ra không phải không có những băn khoăn trước sự bay bổng của các KTS tương lai. Thế nhưng, ý kiến ấy chỉ là thiểu số. Hầu hết các KTS “lão làng” có mặt trong buổi chấm giải đều cho rằng cần tưởng tượng và mơ mộng bởi kiến trúc là nghệ thuật. Những người trẻ làm nghệ thuật lại càng phải mơ mộng. Những mơ mộng ấy ngay bây giờ có thể không khả thi, có thể làm người khác cười song vài chục năm nữa, biết đâu….

Và xu hướng kiến trúc của tương lai

Chất “xanh” trong các tác phẩm dự thi chính là các giải pháp thi công, chọn vật liệu xây dựng, xử lý chất thải và tiết kiệm năng lượng.

Tác phẩm “Trung tâm Phát triển trẻ em làng chài Cửu Vạn ở vịnh Hạ Long” đưa ra giải pháp dùng các vỏ chai đã qua sử dụng của du khách làm phao nổi để xây dựng công trình. Điện được sản xuất từ các cối xay gió đặt ở các đảo gần trung tâm. Nước mưa sẽ được thu giữ lại để sử dụng làm nước ngọt. Vật liệu xây dựng cho trung tâm sẽ là tre cùng một số vật liệu nhẹ khác. Tác phẩm “Trạm dừng chân dành cho du khách ở Sapa” do sinh viên Phạm Vũ Vân Trang và các bạn đến từ Đại học Kiến trúc TPHCM đề xuất sử dụng vật liệu xây dựng từ tre, gỗ của địa phương cùng với việc xử lý chất thải thành Biogas, tạo năng lượng cho trạm. Tác phẩm “Thư viện mi ni cho trẻ em miền núi Đak Nông” của sinh viên Trần Đình Vũ đến từ Đại học Duy Tân Đà Nẵng đưa ra giải pháp lấy ánh sáng tự nhiên bằng cách tạo nhiều cửa sổ. Tác phẩm “Làng sinh thái và văn hóa Chăm pa” đề xuất dùng đất nện làm tường dày, làm mái hai lớp để chống nóng. Nhà vệ sinh “khô” để tiết kiệm nước. 

Tác phẩm dự thi của KTS trẻ Trần Hữu Hoàng Phú dù chỉ gói gọn trong căn nhà phố có diện tích 72m2 song cũng đưa ra được rất nhiều giải pháp xây dựng “xanh”. Phương châm xây nhà của KTS trẻ Trần Hữu Hoàng Phú là tối ưu hóa diện tích sử dụng đồng thời với việc tìm phương án gia tăng diện tích cho cây xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với thiên nhiên. Toàn bộ phần sân thượng của ngôi nhà được tận dụng để trồng rau xanh vừa có tác dụng làm mát nhà, vừa tạo thêm nguồn rau sạch cho gia đình. KTS Hoàng Thanh Tuấn với tác phẩm xây dựng một quán cà phê đã đưa ra ý tưởng tính toán khí động học tận dụng gió tự nhiên, tận dụng hiệu ứng địa nhiệt để làm mát cho cả tòa nhà…

 Tất nhiên, kết quả của một cuộc thi kiến trúc hàng năm dành cho những người trẻ chưa thể là dữ liệu đầy đủ để khẳng định cho một xu thế kiến trúc của tương lai. Thế nhưng, đây cũng là một cơ sở để xem xét khi từ một thống kê của Hội KTS Việt Nam trong triển lãm kiến trúc Viet Art 2012, cho thấy có đến 85% số người được hỏi khi vào tham quan triển lãm ủng hộ kiến trúc xanh, chỉ khoảng 15% hoài nghi với xu hướng này.

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục