Chung sống hòa bình với sự biến đổi khí hậu

Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện đang có sự thay đổi khó lường, thể hiện ở nhiều kiểu thời tiết cực đoan trong thời gian gần đây. Trong thời gian tới, dưới tác động khó lường của BĐKH, nhiệt độ tại các vùng miền trên cả nước sẽ tiếp tục tăng, lượng mưa vào mùa hè có xu hướng giảm, bão có thể mạnh hơn và mực nước biển tiếp tục dâng cao trên toàn dải bờ biển Việt Nam.
Chung sống hòa bình với sự biến đổi khí hậu

Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện đang có sự thay đổi khó lường, thể hiện ở nhiều kiểu thời tiết cực đoan trong thời gian gần đây. Trong thời gian tới, dưới tác động khó lường của BĐKH, nhiệt độ tại các vùng miền trên cả nước sẽ tiếp tục tăng, lượng mưa vào mùa hè có xu hướng giảm, bão có thể mạnh hơn và mực nước biển tiếp tục dâng cao trên toàn dải bờ biển Việt Nam.

Khí hậu khó lường

Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Úc (AusAID) vừa công bố kết quả dự án “Dự tính khí hậu tương lai với độ phân giải cao cho Việt Nam”. Theo các chuyên gia nghiên cứu dự án này, nhiệt độ tại miền Bắc sẽ tăng từ 0,8 độ C đến 3,4 độ C vào năm 2050 và tiếp tục tăng đến cuối thế kỷ 21.

Bên cạnh đó, số ngày nóng trên 35 độ C sẽ tăng lên và có thể kéo dài trong vòng 5 ngày. Lượng mưa trong mùa hè có xu hướng giảm ở hầu khắp lãnh thổ (trừ Trung bộ) gây ra tình trạng hạn hán cho nông nghiệp. Theo đó, dự tính lượng mưa trên 7 vùng khí hậu sẽ có sự biến đổi, dao động từ dưới 16% đến trên 36% vào giữa thế kỷ và biến đổi nhanh hơn vào cuối thế kỷ 21.

Đặc biệt, bão trên biển Đông có xu thế giảm về số lượng nhưng cường độ lại mạnh hơn, việc dự báo hoạt động của bão càng trở nên khó khăn. Có thể gây lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt là các tỉnh miền núi ở phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu này cũng dự tính mực nước biển sẽ tiếp tục dâng lên từ 100mm đến 400mm vào giữa thế kỷ trên toàn dải bờ biển Việt Nam, và sẽ tiếp tục được duy trì đến cuối thế kỷ 21, gây ảnh hưởng đến sinh thái và cộng đồng ven biển.

Việt Nam là một trong những quốc gia phải hứng chịu tác động của BĐKH nặng nề nhất vì có bờ biển dài và 28 tỉnh, thành phố có biển. Các vùng sản xuất lương thực chính, tập trung đông dân cư đó là 2 đồng bằng châu thổ lớn. Trong khi đó, 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 30% diện tích đồng bằng sông Hồng ở độ cao dưới 2,5m so với mặt nước biển nên mối đe dọa do nước biển dâng, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, làm tăng tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng, lũ quét và hạn hán ở nhiều địa phương. Những thiên tai này không còn diễn ra theo mùa hay chu kỳ và ngày càng thất thường, rất khó dự báo.

Một khu rừng bị tàn phá tại Tây Nguyên.

Một khu rừng bị tàn phá tại Tây Nguyên.

Nhận định chung về tình hình BĐKH, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng khẳng định rằng BĐKH hiện đang cho thấy sự thay đổi khó lường. BĐKH là một bài toán rất khó không chỉ thách thức với tình hình thực tế tại Việt Nam, mà còn diễn ra ở các nước trên toàn cầu. Như vậy, việc nâng cao nhận thức, hình thành ý thức thường trực ứng phó với BĐKH của các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư và người dân là vấn đề cấp thiết hiện nay. Để tăng cường năng lực khoa học và hiểu biết về tác động của BĐKH đối với Việt Nam đồng thời góp phần phòng chống và giảm những thiệt hại đáng tiếc, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã đề nghị và có nhiều hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu về lĩnh vực này cũng như đơn vị liên quan cùng góp sức xây dựng Kịch bản BĐKH sẽ được cập nhật vào năm 2015.

Thích ứng với tác hại từ BĐKH

BĐKH là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Để chủ động ứng phó, phải tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ; trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm, coi giảm nhẹ hiệu ứng nhà kính là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, hiện có 2 giải pháp quan trọng để ứng phó BĐKH, đó là giảm thiểu lượng khí thải từ những hoạt động của con người và phải thích ứng với những tác động không thể tránh do tác hại của thiên tai và BĐKH để chung sống với tự nhiên một cách hòa bình. Chính vì thế, các giải pháp ứng phó với BĐKH cần gắn với quá trình phát triển bền vững, bởi nó sẽ giúp giảm nhẹ rủi ro cho con người, đồng thời tăng khả năng ứng phó của cộng đồng đối với sự tàn phá của thiên nhiên.

Thực tế cho thấy, trong công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam, nếu trước đây chỉ chú trọng phòng và khắc phục hậu quả, thì gần đây đã có sự chuyển hướng trong việc thích ứng và tìm giải pháp phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Cụ thể là giải pháp thích nghi với mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã mang lại lợi ích cho người dân tại khu vực này như: người dân có thể trồng lúa nhiều hơn 2 vụ trên diện tích bị ngập bằng việc sử dụng phương pháp tiếp cận trồng cây trên lũ hoặc có thể trồng sen và củ ấu cũng có thể đem lại nguồn lợi lớn cho người dân… Chính vì mô hình thành công nên Chính phủ cũng vừa yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp thích ứng với lũ ở miền Trung.

Theo kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, chiến lược thích nghi với BĐKH nếu thực hiện riêng lẻ sẽ không là giải pháp nếu không có được chiến lược của tập thể, sự duy trì hệ thống bảo vệ và thích ứng với BĐKH của cả cộng đồng. Chính vì vậy, theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, việc nâng cao nhận thức, hình thành ý thức thường trực ứng phó với BĐKH của các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư và người dân là vấn đề cấp thiết hiện nay; đồng thời các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngành, lĩnh vực… trên cả nước đều cập nhật, bổ sung có tính đến các yếu tố tác động của BĐKH.

HÀ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục