Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại - Hành động để thay đổi hành vi

Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại
Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại - Hành động để thay đổi hành vi

Mấy năm gần đây, dù kinh tế còn khó khăn, nhưng chính quyền TPHCM đã không ngần ngại đầu tư, xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm. Hàng loạt cây cầu, tuyến đường mới, cầu vượt, hầm vượt… đã được khánh thành, đưa vào sử dụng để giảm bớt căng thẳng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông (TNGT). Điều đáng mừng là các năm qua, tình hình an toàn giao thông tại TPHCM đã có chuyển biến tích cực. Số vụ ùn tắc giao thông, TNGT, số người chết, bị thương vì TNGT đều giảm hơn 10% và tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, do số lượng phương tiện ô tô, xe gắn máy tăng quá nhanh nên hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu đi lại của nhân dân. Theo thống kê, hàng ngày tại TPHCM có hàng vạn lượt xe gắn máy và ô tô lưu thông trên các tuyến đường. Đó là chưa kể số phương tiện của nhân dân các tỉnh, thành lân cận lưu thông qua lại các tuyến đường trên địa bàn TP. Dù lực lượng CSGT và các lực lượng khác như thanh niên xung phong; công an quận, huyện; bảo vệ dân phố; Đoàn Thanh niên… hỗ trợ, phối hợp tích cực nhưng tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn ra phổ biến vào giờ cao điểm. Tình hình này đã khiến giao thông tại TPHCM còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ và các số liệu khả quan đạt được chưa thật sự bền vững.

Là người dân TPHCM, ắt hẳn chúng ta đều ít nhất một lần chứng kiến hoặc là nạn nhân của vấn nạn ùn tắc giao thông. Như trên đã nói, ùn tắc giao thông do cùng một thời điểm, lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao, tình trạng xung đột phương tiện tại các giao lộ diễn ra. Thời điểm đó, các phương tiện – đặc biệt xe gắn máy – đều cố len lỏi, luồn lách, thậm chí phóng xe lên lề đường (phần đường dành cho người đi bộ), lấn tuyến, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, càng làm tình hình ùn tắc thêm trầm trọng.

Để giải quyết trước mắt vấn đề này, lực lượng CSGT luôn ứng trực tại các điểm, giao lộ có nguy cơ ùn tắc giao thông để kịp thời giải tỏa các xung đột. Thậm chí chúng tôi phải tăng cường thêm giải pháp hướng dẫn, phân luồng từ xa để tránh ùn tắc giao thông. Nhưng như “nước đổ về vùng trũng”, nếu không ùn tắc tại giao lộ có CSGT ứng trực thì ùn ứ tại các giao lộ khác.

Xin nói thêm, đến thời điểm này, tín hiệu đèn giao thông đã được quản lý rất đồng bộ bằng công nghệ cao. Khi có dấu hiệu nhiều phương tiện tập trung tại giao lộ nào đó thì tín hiệu truyền về Trung tâm điều khiển giao thông và tự động đèn tín hiệu sẽ thay đổi thời lượng để giải quyết ùn tắc. Nhưng, ngoài hiện trường lại hoàn toàn khác. Các phương tiện xung đột khá quyết liệt tại giao lộ, buộc lòng CSGT phải sử dụng tín hiệu đèn bằng phương pháp thủ công vì còn có một bộ phận người tham gia giao thông không chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, nóng vội để điều khiển phương tiện được lưu thông trước, dẫn đến tình trạng vượt đèn đỏ, không chấp hành biển báo, vạch kẻ đường, lưu thông trên vỉa hè, ngược chiều, thậm chí có trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Chính vì lẽ đó, khi có dấu hiệu ùn tắc tại các giao lộ, chúng tôi mong mỏi người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, nâng cao văn hóa giao thông, điều khiển phương tiện thật bình tĩnh và kiên quyết không thực hiện các hành vi lấn tuyến, luồng lách, vượt đèn tín hiệu… để vãn hồi sự xung đột. Thà chúng ta chậm vài phút còn hơn chịu ùn ứ kéo dài.

Tương tự, tình hình TNGT cũng sẽ được kiềm chế nếu ý thức người tham gia giao thông được nâng cao. Việc quyết định xử phạt hành vi không đội nón bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tình hình TNGT. Qua theo dõi báo cáo hàng ngày từ các đội CSGT trực thuộc và công an các quận, huyện thì hơn 80% TNGT là do xe gắn máy và hơn 80% số vụ TNGT dẫn đến chết người do không đội nón bảo hiểm.

Trước tình hình ùn tắc và TNGT tại TPHCM cũng như các thành phố khác trong cả nước, theo chúng tôi, người tham gia giao thông cần phải hành động để sửa đổi hành vi, tự xem mình là thành phần tham gia giải tỏa ùn tắc giao thông để “Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại”.
 

VÕ VĂN NHUẬN
Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TPHCM


Thông thoáng không gian đường phố 

Ở một số tuyến phố hiện nay, các vật thể được xem là “tạm bợ” như lều bạt, mái hiên, bảng hiệu... được treo móc tự do, tùy tiện vào các công trình, nhà phố dọc hai bên đường gây ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan và trật tự, an toàn giao thông đô thị. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn của con người, gây ra nhiều phản cảm cho không gian đường phố.

Một cao ốc trồng nhiều cây xanh tạo môi trường trong lành. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một cao ốc trồng nhiều cây xanh tạo môi trường trong lành. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Do chưa có quy định quản lý cụ thể vấn đề này, đặc biệt là công tác giám sát, chế tài nên tình trạng trên vẫn diễn ra tùy tiện, thiếu kiểm soát. Thời gian qua, việc “xanh hóa vỉa hè” đã cải thiện rất tốt cho cảnh quan đường phố, tạo môi trường thân thiện cho người dân, giải pháp này đang được nhân rộng và là hình mẫu để áp dụng trong các dự án đầu tư xây dựng cải tạo công trình đường. Tuy nhiên, để cải thiệt tốt hơn nữa cho không gian đường phố, giải phóng thông thoáng vỉa hè và xây dựng trật tự văn minh đô thị, thành phố cần sớm nghiên cứu, lập quy định quản lý về việc sử dụng lều bạt, mái hiên di động, bảng hiệu tư nhân gắn vào các công trình, nhà phố dọc hai bên đường. Trong đó, cần hướng dẫn cụ thể về kích cỡ, hình thức và quy cách lắp đặt, đồng thời ban hành kèm theo các biện pháp chế tài để giám sát các hành vi cơi nới, treo móc tùy tiện trên hành lang công cộng, không gian vỉa hè, các công trình hạ tầng kỹ thuật, cây xanh... Tuy nhiên, mục tiêu chính là hướng tới nghiêm cấm triệt để việc sử dụng lều bạt, mái hiên di động đối với các công trình nhà ở dọc hai bên đường, đặc biệt ở các khu chợ, khu phố thương mại... để hạn chế sự nhếch nhác, lộn xộn.

Đối với các công trình hay một số không gian đặc thù có sử dụng mái hiên, dù xếp cũng cần quy định thống nhất về chủng loại, màu sắc, yêu cầu về vệ sinh bề mặt và chiều cao lắp đặt để giữ gìn cảnh quan chung, đảm bảo tầm nhìn và các hoạt động giao thông liên quan. Các biện pháp giám sát cần quyết liệt đối với các vi phạm thông qua hình thức xử phạt, thu hồi giấy phép kinh doanh, tịch thu tang vật... (hầu hết việc sử dụng lều bạt, mái hiên di động, bảng hiệu đều gắn liền với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ).

Đây là biện pháp xử lý “phần mềm” trên không gian đường phố, không ảnh hưởng đến kết cấu “phần cứng” của các công trình kiến trúc hai bên nên không ảnh hưởng lớn đến tài sản của người dân và ngân sách thành phố. Tính khả thi cao, dễ kiểm soát và quản lý ở từng ngành, từng cấp địa phương: từ cơ quan quản lý cấp phép kinh doanh, cấp phép xây dựng (áp dụng cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhà ở gia đình) đến các cơ quan quản lý trật tự quận huyện, đội ngũ thanh tra phường, xã....

Đồng thời, cũng cần nghiên cứu thêm các quy định đối với biển quảng cáo lớn, biển thông tin tuyên truyền để phân vùng lắp đặt, tránh trùng lấp, che khuất các không gian, kiến trúc khác trên đường phố. Thành phố cần sớm lập chương trình hành động lớn cho công tác khảo sát, quy hoạch và thực hiện tháo dỡ, di dời tường rào, kiốt, các công trình tạm bao quanh các khuôn viên công trình công cộng tiếp giáp mặt đường như: công viên, nhà văn hóa - TDTT, sân vận động... để tận dụng và phát huy khoảng trống cho đô thị, phô diễn bề mặt kiến trúc, tạo cơ hội trang trí, mở rộng vỉa hè đi bộ, lối tiếp cận giao thông, tăng cường trồng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ. Khuyến khích xây dựng “tường rào xanh” cho các khuôn viên có tường rào dọc theo hành lang vỉa hè đường phố.

Quy định bắt buộc về việc nâng cấp mặt đường thì phải bóc dỡ nền cũ để giữ cao độ với vỉa hè, hạn chế xây dựng lại vỉa hè nhiều lần. Đây là thực trạng rất bất cập hiện nay, không những ảnh hưởng đến hoạt động đô thị mà còn gây lãng phí lớn.

Để tạo dựng đô thị quy củ hơn thì đòi hỏi phải có thời gian đầu tư đồng bộ, chi phí cho công tác quy hoạch cải tạo kiến trúc - hạ tầng lớn, nhưng việc thực hiện các giải pháp thiết thực sẽ góp phần cải thiện trước mắt mỹ quan chung. Chương trình thực hiện nếp sống văn minh đô thị không dừng ở ý thức người dân mà việc tạo ra các không gian thông thoáng, sạch đẹp thì sẽ được người dân hưởng ứng, giữ gìn. 

Th.S - KTS Vũ Trung Hưng
Sở QH-KT

Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại 

- Khơi thông hệ thống kênh rạch  

- Báo Đảng cần khẳng định vai trò tiên phong

Tin cùng chuyên mục