Chủ trương xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn TPHCM sau 3 năm thực hiện đã đạt được một số thành tựu nổi bật. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT-DL xung quanh chủ trương xây dựng văn minh đô thị.
- Phóng viên: Theo ông, việc xây dựng nề nếp văn minh đô thị ở TPHCM gặp những khó khăn cơ bản nào?
>> Ông Nguyễn Thành Rum: Những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, dân số tăng nhanh, tỷ lệ người dân nhập cư nhiều nên chưa có sự thích ứng và đồng nhất về nếp sống. Việc dân số tăng nhanh cũng đã ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường. Hạ tầng đô thị không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển vì đặc điểm hạ tầng kỹ thuật của TP là kế thừa quy hoạch cũ, việc cải tạo nâng cấp thường phải mất nhiều thời gian. Tình trạng ngập nước, kênh rạch ô nhiễm, rác thải bừa bãi, giao thông quá tải, lề đường, vỉa hè bị chiếm dụng không còn lối đi cho người đi bộ là những khó khăn làm hạn chế kết quả cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn TP trong thời gian qua.
- Các cơ quan chức năng đã có biện pháp nào ngăn chặn các hình thức biến tướng trong việc xây dựng văn minh đô thị?
Hiện nay, 2 trong số 6 hành vi không văn hóa được xác định để tập trung loại bỏ là bán hàng rong trước cổng trường học và rải vàng mã trên đường phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn chưa phải là đã xóa bỏ được hoàn toàn. Từng lúc, từng nơi vẫn còn hiện tượng biến tướng hoặc phát sinh trở lại nhưng không phổ biến. Việc tuyên truyền vận động nâng cao ý thức người dân (đối với việc không rải vàng mã trên đường phố) và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý (đối với hành vi bán hàng rong trước cổng trường) vẫn phải tiếp tục thực hiện. Một số phương thức tuyên truyền vận động có hiệu quả đã được nhân rộng như thông qua các tổ chức chính trị, xã hội đối với đoàn viên, hội viên là thành viên của các gia đình có tang lễ, mô hình khu dân cư tự quản để giám sát nhắc nhở lẫn nhau, ký kết liên tịch giữa nhà trường và địa phương trong việc quản lý trật tự, vệ sinh trước cổng trường…
- Có một vấn đề hay được nhắc đến là mâu thuẫn giữa nhu cầu mưu sinh của một bộ phận người dân với trật tự, văn minh đô thị, giải quyết ra sao?
Người bán hàng rong, người mưu sinh trên đường phố, người nhập cư lang thang tìm việc… là những nhóm đối tượng dễ gây mất trật tự, mỹ quan đô thị, cản trở giao thông. Để giải quyết xung đột của các nhóm này với lợi ích chung của một xã hội văn minh là một khó khăn, phải giải quyết từng bước. Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn minh đô thị TP đã đề nghị các nhà khoa học, các cơ quan chức năng thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp giải quyết hiệu quả tình trạng trên. Đặc biệt, đây được xem là một vấn đề nhạy cảm liên quan đến người nhập cư nên cần có những giải pháp công bằng, thỏa đáng vì đa số họ có xuất thân từ nông thôn, vốn xa lạ với nếp sống thị dân.
- Việc xử phạt như hiện nay đã hợp lý chưa?
Xây dựng đời sống văn minh đô thị là một cuộc vận động đối với cộng đồng dân cư, do người dân thực hiện và kết quả trước hết phục vụ lợi ích người dân. Do đó, giải pháp tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức của cộng đồng, ý thức tự giác thực hiện của từng người dân vẫn là giải pháp chủ đạo. Việc xử lý vi phạm hiện có nhiều khó khăn như một số hành vi vi phạm diễn ra nhanh, khó phát hiện; không đủ lực lượng kiểm tra, quản lý khắp các địa bàn; khó khăn trong việc chế tài đối với người vãng lai; mức xử phạt hành chính còn khá thấp, thiếu tác dụng răn đe…
Hiện nay, một số nghị định mới của Chính phủ về xử phạt đối với các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đã thay đổi, có tác dụng điều chỉnh tốt hơn. TP và 24 quận huyện cũng đã thí điểm thực hiện nhiều mô hình nhằm phát huy hiệu quả quản lý nhà nước với sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng dân cư, được đánh giá có kết quả tốt, được phổ biến nhân rộng như tuyến đường văn minh đô thị, khu phố không rác, tuyến đường không rác, khu dân cư tự quản…
Tường Vy thực hiện