LTS: Xây dựng thành phố văn minh, hiện đại là ý nguyện của lãnh đạo và người dân TPHCM và các đô thị lớn khác. Từ nhiều năm qua, các đô thị trên cả nước đã quan tâm tiến hành cuộc vận động thực hiện mục tiêu này. Tiếp nối cuộc hội thảo “Báo Đảng và nhiệm vụ góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại” do Báo SGGP vừa đăng cai tổ chức tại TPHCM, từ số báo hôm nay, Báo SGGP mở Diễn đàn “Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại”, làm cầu nối để bạn đọc góp ý các giải pháp thực hiện mục tiêu này.
Với các cuộc vận động đầy tình người, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư và chăm chút các phong trào “Người tốt, việc tốt”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, TPHCM đã dồn sức xây dựng con người mới, xây dựng một cộng đồng năng động và có trách nhiệm để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư
Trong nội dung nghị sự của các hội nghị Thành ủy, kỳ họp HĐND TPHCM nhiều năm qua đều thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc và nỗi trăn trở của Đảng bộ và chính quyền TPHCM đối với việc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Việc thực hiện mục tiêu này bao trùm trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội: cải thiện đời sống nhân dân, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, các giải pháp đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển nhà ở, giải quyết việc làm và nâng phúc lợi xã hội ở các phường - xã nghèo...
TPHCM đã huy động được sự phối hợp của nhiều lực lượng cùng chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, nổi bật là phát huy có hiệu quả truyền thống đại đoàn kết và tình cảm nhân ái, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng. Các cuộc vận động xây dựng nhà tình nghĩa - nhà tình thương, xóa đói giảm nghèo, gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ người lao động vượt khó, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, thực hiện các công trình dân sinh… đều nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhân dân, tạo ra sức lan tỏa thành phong trào trong cả nước.
Truyền thống đại đoàn kết và ý thức trách nhiệm của công dân đối với cộng đồng được phát huy chính là cơ sở thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Nhiều quận - huyện, phường - xã đã năng động khơi sức dân để chăm lo cho dân, cải thiện cuộc sống cộng đồng.
Cụ thể như vận động dân hiến đất vườn và tự chặt bỏ cây ăn trái (không có đền bù) để mở đường nông thôn, hoặc xén bớt diện tích nhà đất để chỉnh trang hẻm khang trang, an toàn phòng cháy chữa cháy; đóng góp tiền và công sức thực hiện các công trình dân sinh như dặm vá đường nội bộ, tráng bê tông đường hẻm, gắn bóng đèn trong hẻm, đắp bờ bao ven sông rạch để chống lũ, cất nhà tình thương giúp hộ nghèo...
Cũng trong nỗ lực xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, chính quyền TPHCM đã chú trọng cải cách hành chính, cải tiến quản lý, phát huy ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức và năng lực làm chủ của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội và tổ chức đời sống cộng đồng ở địa phương, đồng thời tăng cường cải tiến việc vận hành mạng lưới giao thông - vận tải, qua đó tạo thêm động lực cho TPHCM đẩy mạnh việc thực hiện nhiều chương trình chăm lo đời sống nhân dân.
Tuy vậy, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã thẳng thắn nhìn nhận: “Cùng với sự phát triển không ngừng về mọi mặt, TPHCM đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ đối với một đô thị có gần 10 triệu dân. Đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, quá tải dân số, sức ép về việc làm, những bất cập trong hoạt động y tế, giáo dục… Thêm vào đó, mô hình quản lý đô thị hiện nay chưa tương xứng với sự phát triển của một đô thị hiện đại”.
Thực trạng đó đã dẫn đến nhiều hệ lụy: tình trạng ngập nước và kẹt xe ngày càng trầm trọng; môi trường bị ô nhiễm nặng; thiếu môi trường văn hóa lành mạnh, khiến kết quả đấu tranh đẩy lùi tệ nạn xã hội còn thấp, nhiều thanh niên nghiện ma túy, trật tự xã hội diễn biến phức tạp; lao động thất nghiệp còn nhiều; ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh, an toàn giao thông của một bộ phân cư dân đô thị còn quá kém…
Khắc phục bất cập, tạo thêm động lực
Kiên trì mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, TPHCM quan tâm việc xây dựng nhà ở xã hội, khu lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên, nhà ở tái định cư, nâng cao chất lượng các dịch vụ đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng cho vận tải hành khách công cộng…
Trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều biến động và khó khăn, TPHCM đẩy mạnh xã hội hóa các công trình giao thông, y tế, giáo dục để vừa giảm nhẹ áp lực cho nguồn vốn ngân sách nhà nước vừa cải thiện đời sống nhân dân, an sinh xã hội tốt hơn qua đầu tư tư nhân.
Để huy động được sức dân, bài học kinh nghiệm của nhiều phường - xã đã được đúc kết: Tuân thủ đúng nguyên tắc việc của dân thì dân phải được biết, bàn, làm và kiểm tra. Tất cả các công trình huy động sức dân đều do chính nhân dân đề xuất, bàn bạc trong cuộc họp tổ dân phố và biểu quyết nhất trí mới tổ chức triển khai. Từ đề xuất của nhân dân, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, lập dự trù kinh phí rồi họp dân để dân quyết định. Rồi chính nhân dân cử ra tổ vận động, tổ quản lý công trình, tổ giám sát thi công. Đẩy lùi tệ nạn xã hội là vấn đề rất quan trọng trong mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Bên cạnh việc chú trọng xây dựng, phát triển mạnh mẽ phong trào thanh niên sống lành mạnh, sống khỏe; tạo điều kiện cho những thanh niên lỡ sa ngã có điều kiện hội nhập xã hội, làm lại cuộc đời, cần thực hiện chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hơn trong việc huy động các thành phần kinh tế cùng đầu tư lập ra các trung tâm văn hóa, trung tâm dạy nghề, và tạo việc làm cho thanh niên.
Ngoài ra, còn một thách thức quan trọng là cần phải khắc phục cho được tình trạng đô thị hóa tự phát, phá vỡ quy hoạch, đang tạo ra những khu nhà ổ chuột mới ở các quận ven và vùng ngoại thành. Xây dựng ý thức và tạo được nếp sống văn hóa của cư dân đô thị cũng là một vấn đề lớn, cần nhiều thời gian, quyết tâm và biện pháp hữu hiệu để có một thành phố văn minh, hiện đại.
HUỲNH THANH LUÂN