Chương trình giáo dục phổ thông mới - Hay nhưng không dễ thực thi

Chương trình giáo dục phổ thông mới - Hay nhưng không dễ thực thi

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố được dư luận đánh giá là hay, nhiều điểm mới, tiệm cận với xu thế của nền giáo dục tiên tiến. Thế nhưng, với hiện trạng cơ sở vật chất, trường lớp thiếu thốn, lạc hậu và chất lượng đội ngũ giáo viên còn hạn chế, thiếu chuẩn, thật khó để thích ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục?

Giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn

Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Sư phạm TPHCM, cái mới của đổi mới giáo dục phổ thông kỳ này căn bản ở việc coi trọng hình thành phẩm chất và năng lực học sinh (qua giảng dạy - học tập) hơn là chú ý tới việc trang bị kiến thức. Xem xét chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có thể thấy, những môn học tự chọn được đưa ngay vào chương trình tiểu học như thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, kỹ thuật, tin học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Số môn tự chọn tăng dần ở THCS và nhiều nhất ở bậc THPT. Tuy số môn học tự chọn có tăng theo mỗi cấp học, nhưng chương trình vẫn chú ý đến hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh, đảm bảo không để học sinh bị “học lệch”. Riêng chương trình lớp 12, các môn tự chọn có thể cho phép học sinh tiếp cận nghề nghiệp một cách chuyên sâu hơn trước khi các em bước vào các trường ĐH, cao đẳng. Dự thảo cũng nêu rõ, ở cấp tiểu học và THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học... Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm TPHCM, cũng nhận định điểm mới tiến bộ của chương trình giáo dục bậc tiểu học là đã đưa thêm nhiều nội dung như kỹ năng tự học, trải nghiệm thực tế, khám phá cuộc sống vào thẳng chương trình khung, chứ không phải bổ sung như trước đây. Trong giáo dục phẩm chất, học sinh được giáo dục rèn luyện để làm người, biết sống yêu thương, tự chủ và trách nhiệm.

Học sinh bậc tiểu học được chú trọng học trải nghiệm thực tế, khám phá thế giới xung quanh.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo cũng cho rằng quan điểm thiết kế lại chương trình giáo dục mới đã đi đúng mục tiêu đổi mới, sát với xu thế phát triển giáo dục hiện đại. Nó sẽ loại bỏ sự quá tải kiến thức, giảm bớt lý thuyết, tăng tính thực tiễn trải nghiệm và tạo cơ hội cho học sinh được học những môn yêu thích, phát huy sở trường. Học gắn với thực tiễn và những điều cần thiết cho cuộc sống sẽ trang bị những kỹ năng cần thiết để học sinh biết giải quyết những vấn đề phát sinh và hội nhập với môi trường lao động quốc tế.

Tuy ủng hộ, đánh giá cao ý tưởng đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục lẫn giáo viên không thể không băn khoăn, lo ngại, kể cả xen lẫn hoài nghi. Theo họ, sau khi có chương trình khung, cần xây dựng bộ sách giáo khoa phù hợp với tinh thần đổi mới, dễ hiểu, dễ tiếp thu, trong đó làm rõ nội dung tích hợp, liên môn như thế nào.

Bồi dưỡng, đào tạo giáo viên?

Theo kế hoạch, chỉ còn 3 năm nữa là áp dụng chương trình giáo dục mới, nhưng trên thực tế, ngành GD-ĐT đang đối mặt với nhiều rào cản, ngổn ngang cái khó, nhất là thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn, trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp, sĩ số lớp học quá đông… Nhưng như đã cảnh báo, nỗi lo lớn nhất vẫn là thiếu đội ngũ giáo viên đủ chuẩn, thích ứng với mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Một hiệu trưởng bộc bạch rằng “Trăm hay không bằng tay quen” và dù có kinh nghiệm giỏi, tay nghề cao thì một bộ phận giáo viên có thâm niên, lớn tuổi sẽ khó bắt kịp yêu cầu đổi mới, dạy học theo hướng tích hợp, liên môn. Dù nhiều trường ở TPHCM đã khởi động việc dạy tích hợp nhưng chỉ dừng ở bước thí điểm với một số môn và theo họ, muốn triển khai đại trà không dễ vì thiếu đội ngũ giáo viên giỏi nghề, năng động. Hơn nữa, điều kiện về trang thiết bị - phòng thí nghiệm, thực hành được thiết kế đơn lẻ cũng không đáp ứng yêu cầu dạy tích hợp, liên môn.

Thầy Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến TPHCM, nêu băn khoăn: “Khi đặt ra yêu cầu dạy học tích hợp và liên môn, giáo viên chỉ quen dạy một môn sẽ được đào tạo, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng như thế nào? Dù giáo viên được học nhiều môn ở bậc ĐH nhưng kiến thức tích hợp về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội không ôn luyện thường xuyên thì làm sao đủ độ chuyên sâu để dạy học trò?”. Nhiều giáo viên bộ môn, nhất là các môn xã hội, môn phụ cũng có chung tâm trạng lo ngại khi được quyền chọn môn học, học sinh chỉ chọn môn học ưa thích, nhất là môn tự nhiên. Như thế giáo viên bị dôi dư sẽ làm gì?

Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, cho tới thời điểm hiện tại, các trường đại học sư phạm vẫn đang đào tạo giáo viên các môn khoa học riêng biệt (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử…). Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, họ vừa dạy các môn khoa học riêng biệt vừa giảng dạy các môn tích hợp. Vì ở bậc THPT, các môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử… vẫn là những môn học riêng biệt mà học sinh có thể lựa chọn bên cạnh những môn học tích hợp. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu mới này, những vấn đề về phương pháp giảng dạy tích hợp chắc chắn sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy trong các năm học tới. Đồng thời, đây cũng là một trong những chuyên đề để bồi dưỡng cho toàn bộ giáo viên hiện nay. Được biết, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đang chuẩn bị ban hành chương trình đào tạo mới, áp dụng từ khóa học này để đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông.

Đổi mới giáo dục là xu thế tất yếu nhưng để đạt được mục tiêu đặt ra, ngành GD-ĐT cần nhiều giải pháp tổng thể và thiết thực hơn.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục