Chương trình hành động bao giờ hành động?

Nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao cho TPHCM luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều cấp lãnh đạo TP từ hàng chục năm qua.
Múa rối nước ở Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM
Múa rối nước ở Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM
Gần đây, Chủ tịch UBND TPHCM ký quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao của TPHCM giai đoạn 2016 - 2020.
Ai cũng biết, thông qua chương trình, nhằm tiến hành rà soát, phát hiện và tuyển chọn tài năng, năng khiếu, đặc biệt đào tạo năng khiếu từ độ tuổi thiếu nhi, thiếu niên nhằm bổ sung nhân lực phục vụ phát triển ngành, tạo nguồn lực lượng kế thừa hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao cho TP. 

Theo đó, ở bình diện chung văn hóa nghệ thuật, TP xác định tập trung đào tạo diễn viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống như cải lương, hát bội, múa rối nước, múa dân gian… nhằm bảo tồn, duy trì giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Với bộ môn nghệ thuật truyền thống, chương trình ưu tiên phát hiện, tuyển chọn, có chính sách động viên, khuyến khích tài năng xuất thân trong các gia đình có nhiều thế hệ làm nghệ thuật để đào tạo.
Phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng từ các trường chuyên ngành, lớp năng khiếu của nhạc viện, trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi đối với các bộ môn nghệ thuật có tính hàn lâm, kỹ năng, kỹ xảo trình độ cao như nhạc giao hưởng, opera, múa balê, xiếc.
TP cũng quan tâm đào tạo các chuyên ngành liên quan đến hoạt động bảo tàng như sử học, văn hóa học, bảo tồn bảo tàng, dân tộc học…
Tuyển chọn những tài năng qua những cuộc thi, vận động sáng tác, nghiên cứu để đầu tư đào tạo trình độ cao, tạo động lực trong lĩnh vực văn học nghệ thuật TP đối với tài năng sáng tác, phê bình văn học, nghiên cứu sử học. 

Khỏi phải nói, giới văn học nghệ thuật nức lòng thế nào khi đón nhận chương trình hành động TP đã tập trung xây dựng lộ trình cho ngành văn hóa, lâu nay vốn được đánh giá là đầu tư chưa đúng mực, chưa xứng tầm với vị trí một TP năng động, sáng tạo, với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thế nhưng, trong niềm vui cũng có không ít những băn khoăn. Chương trình khẳng định, TP áp dụng đa dạng các phương thức đào tạo, từ ngắn hạn, dài hạn, chính quy, bồi dưỡng, truyền nghề đến trong nước và nước ngoài, tùy đặc thù bộ môn, điều kiện và nguồn lực từng đơn vị. Các loại hình như hát bội, cải lương, múa rối nước... sẽ chú trọng đào tạo đặc thù bằng hình thức truyền nghề, bồi dưỡng tại chỗ.
Không chỉ thế, TP sẽ mời chuyên gia trong và ngoài nước về giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho học viên, diễn viên, nhân viên bảo tàng. Cụ thể, sẽ có 3 tiến sĩ, 9 thạc sĩ các chuyên ngành được đào tạo trong nước; 9 thạc sĩ và 72 chỉ tiêu diễn viên chuyên sâu được đào tạo ở nước ngoài và 25 tiến sĩ, thạc sĩ để bổ sung nguồn nhân lực trong lĩnh vực di sản văn hóa. 

Chương trình hành động cho giai đoạn 2016 - 2020 của TP, nhưng mãi đến tháng 8-2017 mới ban hành kế hoạch thì khi nào các sở ngành liên quan mới triển khai thực hiện, khi nào mới đưa người đi nước ngoài đào tạo và bao giờ thì có được những nhân lực đóng vai trò cốt lõi cho sự phát triển văn học nghệ thuật? Liệu có đáng lo không khi đây không phải lần đầu tiên TP đề ra kế hoạch “Nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa nghệ thuật”.
Trước đó, cũng có một chương trình hành động tương tự, thực hiện trong giai đoạn 2011-2015, nhưng mãi đến tháng 1-2014 TP mới… phê duyệt kế hoạch. Cũng giống như vậy, những con số chỉ tiêu tiến sĩ, thạc sĩ đào tạo trong nước lẫn nước ngoài cũng đã đặt ra rất hoành tráng, nhưng mãi đến giờ, việc thực hiện thế nào thì không ai kiểm tra, giám sát! 

Được gọi là chương trình hành động, nhưng không rõ bao giờ mới thực sự hành động?

Tin cùng chuyên mục