Theo Chương trình Năng lượng xanh TPHCM đến năm 2015, TP đưa ra chỉ tiêu tiết kiệm điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 là 2% so với sản lượng điện thương phẩm. Riêng trong năm 2012 sản lượng điện tiết kiệm phấn đấu đạt 400 triệu kWh.
Tiềm năng lớn, phát triển hạn chế
Ở Việt Nam, nguồn điện từ thủy điện đóng vai trò chính trong cơ cấu cung cấp điện năng của cả nước. Tuy nhiên những năm vừa qua, nguồn năng lượng này thường xuyên căng thẳng vào các tháng mùa khô, hạn hán… Nguồn nước về các hồ thủy điện bị thiếu hụt. Nhiệt điện phải đương đầu với giá dầu thường xuyên tăng cao gây bất ổn trong sản xuất điện. Trước tình hình đó, việc tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng tất yếu ở tất cả các nước trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
TPHCM với lợi thế nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới, nên cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Do đó việc sử dụng năng lượng mặt trời như một nguồn năng lượng tại chỗ để thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống. Nguồn năng lượng tái tạo được sản xuất từ gió và mặt trời đang được đánh giá là thân thiện với môi trường và ít gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội, có khả năng tái tạo, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng thấp, an toàn cho người sử dụng.
Theo quy hoạch phát triển điện lực TPHCM được Bộ Công thương phê duyệt, tiềm năng về năng lượng tái tạo tại TPHCM khá lớn. Cụ thể, về năng lượng mặt trời, TPHCM có lượng bức xạ dồi dào, trung bình khoảng 1.581 kWh/m²/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m²/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m²/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100-300 giờ. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ (tháng 3) và đối với mùa mưa, số giờ nắng chỉ khoảng 150 giờ (tháng 10). Như vậy, cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TPHCM là khá cao, nên tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời rất lớn.
Mặc dù tiềm năng phát triển rất lớn nhưng hiện nay, việc phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo còn hạn chế. Nguyên nhân là do suất đầu tư của các dạng năng lượng này còn rất cao, không hiệu quả về kinh tế nên không thu hút đầu tư từ các nguồn vốn xã hội hóa, trong khi vốn ngành điện và ngân sách TP đầu tư còn hạn chế. Hiện tại, trên địa bàn TP chỉ có khoảng 3 MW công suất được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó, chỉ có một nhà máy sản xuất điện từ rác thải (Nhà máy điện rác Gò Cát), gồm 3 tổ máy với tổng công suất 2,7MW; cụm phát điện bằng pin mặt trời ở xã đảo Thạnh An có công suất 97,65 kWp.
Theo quy hoạch phát triển điện lực TPHCM, đến năm 2015 sẽ có thêm các nhà máy điện rác tại các bãi rác Đông Thạnh và Phước Hiệp 1 ở huyện Củ Chi sử dụng nguồn nhiên liệu từ rác thải với công suất 2x20MW.
Theo chương trình, TPHCM phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ công suất điện từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo chiếm hơn 1% công suất tiêu thụ toàn TP, tương đương 48MW.
Tiết kiệm năng lượng
Mục đích của Chương trình Năng lượng xanh TPHCM đến năm 2015 ngoài việc thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm ánh sáng mặt trời, sức gió, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo, còn khuyến khích sử dụng năng lượng mới thân thiện với môi trường.
Hiện nay, trong hộ gia đình, nhà hàng, khách sạn… bình đun nước nóng và tủ lạnh là những thiết bị tiêu thụ điện chính. Vì vậy việc sử dụng hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời là rất phù hợp vì tiềm năng và hiệu quả sử dụng rất cao. Theo thống kê, TPHCM có 142 khách sạn được xếp hạng, trong đó 35 khách sạn 3 đến 5 sao với quy mô 5.740 phòng; trên 600 nhà có quy mô lớn ở TP. Theo đó, tiềm năng thay thế sử dụng điện bằng các giàn đun nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời ở các khách sạn, nhà hàng trong TP nếu được áp dụng sẽ góp phần giảm một lượng lớn điện năng tiêu thụ. Mặt khác, với số lượng nhà ở xây dựng mới, cải tạo sửa chữa hàng năm trên địa bàn TP lên đến 50.000 căn thì nhu cầu lắp đặt, sử dụng nước nóng trong sinh hoạt của người dân là rất lớn.
| |
Tuy nhiên, qua số liệu khảo sát của các cơ quan chức năng, trên toàn TP, số hộ sử dụng hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời mới khoảng hơn 3.400 hộ với sản lượng điện tiết kiệm thay thế khoảng 11 triệu kWh/năm. Như vậy, so với nhu cầu và tiềm năng sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời nêu trên, có khả năng đến 2015 số lượng sử dụng có thể tăng đến 15% so với hiện nay. Do đó, TP đã đưa ra chỉ tiêu số lượng sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời trong hộ gia đình, cơ quan; đơn vị thụ hưởng ngân sách, nhà hàng, khách sạn, tòa nhà… tăng 3%/năm.
Chỉ tiêu tiết kiệm điện từ nay đến năm 2015 của TPHCM là 2% so với sản lượng điện thương phẩm. Riêng trong năm 2012 sản lượng điện tiết kiệm phấn đấu đạt 400 triệu kWh. Để đạt được mục tiêu đặt ra, TP yêu cầu các sở - ngành và đơn vị liên quan phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn trong thời gian cao điểm; đẩy mạnh quảng bá sử dụng đèn compact, đèn LED, bình nước nóng năng lượng mặt trời... Vận động và có chính sách hỗ trợ lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời, sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường với chi phí thấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp trên địa bàn TP.
MINH HUY