Chương trình phân loại rác tại nguồn - Thất bại vì thiếu đồng bộ

Không hiệu quả
Chương trình phân loại rác tại nguồn - Thất bại vì thiếu đồng bộ

Đó là khẳng định của các quận huyện được chọn thực hiện thí điểm chương trình phân loại rác tại các hộ gia đình giai đoạn từ năm 1999 - 2010. Điều đáng nói, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đang triển khai lại chương trình trên tại quận 6 khi mà nguyên nhân thất bại trước đây chưa được khắc phục. Liệu kết quả thực hiện của chương trình lần này có đi vào vết xe đổ mà chương trình trước đã đi qua?

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn tiểu thương chợ Bình Điền phân loại rác tại nguồn.

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn tiểu thương chợ Bình Điền phân loại rác tại nguồn.

Không hiệu quả

Trao đổi với chúng tôi về thực tế hiệu quả triển khai chương trình phân loại rác tại các hộ gia đình, bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 5 cho biết, quận 5 là quận đầu tiên của thành phố triển khai tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác trong hộ gia đình thành 2 loại là vô cơ và hữu cơ từ năm 1999. Ròng rã suốt hơn 10 năm thực hiện, đến nay hiệu quả còn lại chỉ là con số 0. Hiện không còn một hộ gia đình nào duy trì hoạt động phân loại rác nữa.

Lý giải cho thực tế này, theo bà Phấn có 4 nguyên nhân chính. Một là ngay từ đầu, chương trình đã đưa ra những khái niệm rất trừu tượng và không phù hợp với nhận thức của người dân. Người dân không hiểu được thế nào là rác hữu cơ và rác vô cơ hay rác dễ phân hủy và khó phân hủy… Hơn nữa, với địa bàn đặc thù có số lượng người Hoa chiếm tới hơn 35%/tổng số người dân đang định cư thì khái niệm trên càng không thể truyền đạt cho người dân hiểu và thực hiện theo.

Nguyên nhân thứ hai là ban chỉ đạo chương trình đã xác định đối tượng để tuyên truyền không đúng. Thay vì tập trung vào phụ nữ, người sinh sống tại từng hộ gia đình thì lại tập trung vào chủ hộ khẩu. Trong khi đó, có nhiều chủ hộ có nhà nhưng họ không ở mà lại cho người khác thuê. Trang thiết bị phục vụ cho hoạt động thu gom rác đã phân loại gần như không có nên rác sau khi người dân đã phân loại vẫn bị thu gom nhập chung. Và cuối cùng nhưng cũng là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến thất bại của chương trình đó là các cơ quan chức năng vẫn không quản lý, kiểm soát được hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập.

Đồng tình với quan điểm trên của quận 5, đại diện UBND quận 6 khẳng định, hiệu quả chương trình phân loại rác tại hộ gia đình của quận 6 cũng chỉ đạt 25% hiệu quả. Và nguyên nhân cũng chính là thiếu sự chuẩn bị đồng bộ cả về trang thiết bị lẫn con người đáp ứng yêu cầu thực tế trước khi triển khai chương trình.

Thất bại vì tâm lý nóng vội

Thừa nhận thất bại này, ông Nguyễn Trung Việt, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, chương trình này được thực hiện đầu tiên tại quận 5 vào khoảng năm 1999 với kinh phí khoảng 5.000 USD do EU tài trợ. Mục đích là đánh giá sự đồng tình và tham gia của người dân trong chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Sau 6 tháng thực hiện, khoảng 60% - 70% số hộ dân đã tham gia và biết cách phân loại. T

uy nhiên vào thời gian đó, thành phố chưa xây dựng được hệ thống quản lý chất thải rắn một cách đồng bộ nên sau khi ra khỏi gia đình, các loại rác đã phân loại lại được đổ vào vận chuyển chung. Chương trình vì thế mà bị đánh giá là thất bại. Đến năm 2001, một lần nữa thành phố triển khai tiếp chương trình này ở 6 quận huyện: 1, 4, 5, 6, 10, Củ Chi với tổng kinh phí khoảng 284 tỷ đồng.

Với mong muốn đưa chương trình vào thực tế trong thời gian ngắn nhất, sở đã kết hợp với các quận đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động người dân thực hiện phân loại rác ngay từ hộ gia đình. Mỗi hộ dân cũng được cấp 2 loại thùng đựng rác, túi đựng rác. Kết quả đạt được rất khả quan, số lượng hộ dân tham gia và thực hiện đúng kỹ thuật phân loại tăng từ 20% - 30% lên đến 60% - 70%. Tuy nhiên, một lần nữa, chương trình vẫn tiếp tục bị đánh giá là thất bại vì các quận không có tài chính đủ để tự trang bị được xe thu gom rác theo rác đã được phân loại.

Bên cạnh đó, kế hoạch tổng thể của thành phố là xây dựng các nhà máy sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ không thực hiện được do các nhà đầu tư thiếu vốn hoặc không vay được vốn. Như vậy, sau khi phân loại, rác vẫn bị đổ chung vào bãi chôn lấp. Chương trình phải kết thúc vào cuối năm 2009 mà không đạt được kết quả như mong muốn.

Thất bại là thực tế không thể chối bỏ đối với chương trình phân loại rác tại nguồn của thành phố. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chương trình này không cần thiết thực hiện. Trên thực tế, thành phố có khoảng 7.000 tấn chất thải rắn phát sinh hàng ngày. Con số này sẽ còn tăng từ 7% - 15% từ nay đến năm 2020. Nếu rác thải không được phân loại tốt, giúp tăng tỷ lệ rác tái chế, sẽ gây áp lực rất lớn cho hoạt động xử lý rác thải. Trong đó, rác đem chôn lấp thì không còn bãi tiếp nhận. Nhà máy xử lý chất thải thành sản phẩm có lợi cho môi trường thì thiếu nguyên liệu sản xuất…

Chính vì thế, từ đầu năm 2013, dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn lại tiếp tục được triển khai nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Trước hết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị để vận động các đơn vị phân loại rác tại nguồn. Về phía khu vực dân cư đang thực hiện thí điểm tại phường 12 quận 6. Hình thức thực hiện cũng thay đổi theo hướng rác được phân loại tại hộ gia đình sẽ được tổ chức thu gom cách nhật.

Thiết nghĩ, nếu muốn thực hiện thành công chương trình phân loại rác tại nguồn, việc đầu tiên là tìm giải pháp nào có thể thống nhất được sự quản lý đối với lực lượng thu gom rác nói chung và nhất là lực lượng thu gom rác dân lập nói riêng. Nếu không làm được việc này thì bao nhiêu tiền đầu tư cho chương trình phân loại rác tại nguồn cũng chỉ là đổ sông mà thôi.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục