Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng khi nguồn nhiên liệu hóa thạch là dầu mỏ đang ngày càng cạn kiệt, hầu hết các nước trên thế giới đã và đang chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học (NLSH). Nhưng tại Việt Nam, chương trình phát triển NLSH lại đang có nguy cơ phá sản.
Một chương trình cần thiết
Nguồn năng lượng phục vụ đời sống xã hội và phát triển kinh tế hiện nay chủ yếu vẫn là xăng, dầu lấy từ dầu mỏ. Tuy nhiên, dầu mỏ (nguồn nhiên liệu hóa thạch không thể tái sinh) cũng đang dần cạn kiệt nên cần phải tìm ra một nguồn nhiên liệu mới thay thế cho việc sử dụng xăng, dầu.
Những năm gần đây, các nhà khoa học vẫn đang miệt mài kiếm tìm và nghiên cứu ra các nguồn nhiên liệu khác nhau, trong đó có NLSH. Nhiều nước đã thành công trong nghiên cứu và sử dụng NLSH là Mỹ, Canada, Brazil, Mexico, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản... Và hiện nay, nhiều nước đang đẩy nhanh chương trình nghiên cứu và sử dụng NLSH nhằm mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo các chuyên gia, xét về giá trị kinh tế, ngành sản xuất ethanol (thành phần chính của xăng sinh học) trên thế giới năm 2010 đã tạo 1,4 triệu việc làm và đóng góp giá trị gia tăng 277,3 tỷ USD. Về tốc độ phát triển, sản lượng ethanol năm 2010 đã đạt khoảng 93 tỷ lít, tăng gấp đôi trong vòng 5 năm và tăng gấp 3 trong vòng 10 năm.
Trong đó, Mỹ, Brazil và EU chiếm 87% sản lượng toàn cầu. Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) cũng đưa ra dự báo, đến năm 2020 sản lượng ethanol toàn cầu sẽ tăng lên đến 160 tỷ lít.
Ở Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Sinh Khang cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của NLSH đối với vấn đề an ninh năng lượng và hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, vào năm 2006, PVN đã xây dựng “Đề án Phát triển NLSH đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2025”. Mục tiêu của đề án là phát triển NLSH dưới dạng năng lượng mới, thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
Và nguy cơ phá sản
Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt đề án phát triển NLSH vào năm 2007, PVN giao cho Tổng Công ty Dầu (PV Oil), đơn vị thành viên của PVN, giữ vai trò nòng cốt trong chương trình phát triển NLSH. Theo đó, PV Oil đã phối hợp cùng các đối tác tích cực triển khai đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất ethanol đặt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam với tổng công suất 300.000m³ ethanol/năm. Từ đầu quý 2-2012, hai trong số 3 nhà máy sản xuất ethanol do PVN góp vốn đầu tư xây dựng đặt tại tỉnh Quảng Ngãi và Bình Phước đã bắt đầu có sản phẩm.
Theo kế hoạch đến năm 2014, khi cả 3 nhà máy do PVN góp vốn đầu tư đi vào hoạt động ổn định với 100% công suất thì sẽ cung cấp ra thị trường mỗi năm 300.000m³ ethanol, đủ để pha được 6 triệu m³ xăng E5, tương đương với 94% nhu cầu tiêu thụ xăng của cả nước năm 2014. Tuy nhiên, việc sử dụng xăng E5 đang gặp rất nhiều khó khăn do Nhà nước chưa ban hành đầy đủ cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc đầu tư phát triển các dự án NLSH cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, Nhà nước chưa ban hành lộ trình bắt buộc sử dụng NLSH trên cả nước và các cơ sở hạ tầng cho việc kinh doanh tiêu thụ xăng E5 cũng chưa được quan tâm đầu tư (chủ yếu là do PVN tự đầu tư). Một nguyên nhân nữa cũng hết sức khó khăn cho sự tồn tại và phát triển xăng sinh học E5 là tập quán của người dân VN chưa quen sử dụng xăng E5, trong khi đó thời gian qua lại có quá nhiều thông tin thiếu chính xác và không đầy đủ về lợi ích và sự an toàn của xăng sinh học kiến cho việc tiêu thụ xăng E5 càng thêm khó khăn, tồn kho rất lớn.
Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực cho biết, tính đến tháng 9-2012, hai nhà máy NLSH Dung Quất và Bình Phước đã sản xuất được 20.000m³ nhưng chỉ tiêu thụ trong nước khoảng 750m³. Cùng với việc ban hành quy định bắt buộc sử dụng xăng pha 5% ethanol, Phó Tổng giám đốc PV Oil Lê Xuân Trình đề xuất: Để tránh nguy cơ phá sản chương trình phát triển xăng E5, trước mắt Nhà nước cần giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và miễn thuế môi trường với xăng pha 5% ethanol cho đến khi quy định bắt buộc sử dụng xăng E5 có hiệu lực.
NGUYỄN THU TUYẾT