
Vườn quốc gia Cát Tiên nằm bên sông Đồng Nai trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Nơi đây có nhiều xã vùng trũng, mùa mưa không thể trồng trọt hoa màu. Nguồn sống của người dân chủ yếu lấy từ rừng do vậy tình trạng phá rừng, đốn gỗ, săn thú ở đây diễn ra vô cùng… phức tạp.

Bắt được người săn thú, anh em kiểm lâm buộc họ phải gỡ bẫy thả lại thú hoang về rừng.
25 năm trước, anh thanh niên Đỗ Mạnh Hàn, Hạt phó Hạt kiểm lâm của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên dắt theo em gái Đỗ Thị Sưa về công tác tại rừng cấm Nam Cát Tiên, một vùng rừng hoang sơ, heo hút... với chỉ 1 ngôi nhà gỗ dột nát, cũ kỹ, không chống chọi nổi trước sự đe dọa của thú dữ, rắn rết, muỗi vắt, những cơn sốt rét rừng ngày này qua ngày khác…
Theo quy định của ngành kiểm lâm: cứ 1.000 ha rừng cần 71 cán bộ chiến sĩ. Vậy mà suốt gần 30 năm qua, con số cao nhất ở VQG Cát Tiên chỉ là 116 cán bộ kiểm lâm, căng mình canh gác khu rừng rộng tới 74.000 ha.
Anh Hàn tâm sự: “Lực lượng mỏng, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, tính mạng bị đe dọa không chỉ bởi thú rừng mà còn bởi bọn lâm tặc liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí tấn công khi bị phát hiện…”.
Ở Cát Tiên hầu như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Ngày cũng như đêm, các chiến sĩ chia thành từng tốp đi tuần tra, giám sát các khu vực rừng. Mỗi chuyến đi thường kéo dài cả tuần nên lúc nào trên vai họ cũng vác nặng gạo, quần áo, mùng mền… Thế nhưng sốt rét rừng vẫn không “tha” họ.
Anh Huỳnh Văn Trung, một cán bộ kiểm lâm khác, cho biết: “18 năm gắn bó với rừng là 18 năm tôi sống cùng sốt rét. Tất cả anh em ở đây đều mang trong mình mầm bệnh sốt rét, chỉ cần yếu người một chút là nằm liệt giường cả tháng trời…”.
Công việc của lính gác rừng chủ yếu tuần tra ban đêm, từ 1 đến 4 giờ sáng, vì đây là thời điểm bọn lâm tặc, săn thú hoạt động mạnh nhất. Lâm tặc ở đây hoạt động có tổ chức tinh vi: đốn gỗ ở những khu vực sâu nhất trong rừng, sau đó thuê người chở bằng xe máy về tập kết tại các làng bản…
Anh Trung kể: “Mỗi lần anh em đuổi theo là lâm tặc thả gỗ xuống đường làm vật cản để chạy thoát. Nếu bị chặn đầu, chúng sẵn sàng tông thẳng vào kiểm lâm… Đường đồi núi, chỉ cần sơ suất một chút là anh em rơi xuống vực mất mạng ngay!”. Không chỉ bọn đốn gỗ. Dân săn trộm thú cũng liều lĩnh không kém bởi chúng có trang bị cả súng quân dụng và súng tự chế, “chỉ cần mình tiến lại gần là chúng quay nòng súng, sẵn sàng nhả đạn…” – anh Trung nói tiếp.
- Gần dân để bảo vệ rừng
“Hầu hết ở các xã ven rừng như: Đaklua, Tà Lài, Núi Tượng, Nam Cát Tiên, Đakho, Thanh Sơn, Đông Hà… đều xảy ra tình trạng đốn gỗ trộm và săn bắn thú hoang dã trái phép. Lâm tặc thường thuê đồng bào dân tộc ít người vận chuyển gỗ, tập kết trong các làng bản.
Khi bị lực lượng kiểm lâm phát hiện và đuổi bắt, chúng kích động đồng bào tổ chức vây hãm, tấn công lực lượng bảo vệ rừng rồi công khai, ngang nhiên tẩu tán tang vật.”- Anh Võ Văn Chí, cán bộ kiểm lâm nhớ lại: “Ngày 22-8-2007, ở xã Tà Lài, chúng tôi truy đuổi bọn lâm tặc vận chuyển gỗ vào trong làng bản. Khi đuổi đến nơi, chúng kích động đồng bào, cả phụ nữ, trẻ em và rất đông thanh niên cầm dao rựa… cản đường, tấn công lực lượng kiểm lâm.”
Kỷ niệm “đáng nhớ” nhất của các chiến sĩ kiểm lâm VQG Cát Tiên luôn là những lần… thoát chết! Anh Chí kể tiếp: “Vào tháng 8-2004, tại xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, lâm tặc kích động cả ngàn đồng bào dân tộc bao vây, tấn công đồn kiểm lâm. Anh em chưa đầy chục người, phải đối mặt hàng trăm thanh niên hung hãn với dao, rựa, gậy gộc, gạch đá trên tay… Đồn kiểm lâm bị đập tan nát, anh em không dám nổ súng, chỉ lấy bàn ghế chống lại những trận “mưa đá” khủng khiếp. Phải đến vài tiếng sau, lực lượng bộ đội, công an mới đến ứng cứu. Hầu hết mọi người đều “te tua”. Tuy nhiên, bây giờ hiểu việc làm của kiểm lâm, đồng bào yêu quý và rất ủng hộ việc làm của chúng tôi nhiều hơn rồi”.
Đến VQG Cát Tiên hôm nay, rừng vẫn giữ được nét hoang sơ, cây cối tốt tươi, dây leo chằng chịt, các loài thú vẫn yên bình sống trong môi trường hoang dã… Tuy nhiên, có lẽ ấn tượng đầu tiên và sâu sắc nhất đối với du khách là hình ảnh từng đoàn chiến sĩ kiểm lâm “tay xách nách mang” quân trang quân dụng, áo quần, đầu tóc bê bết bùn đất… trở về sau chuyến đi tuần tra trong rừng sâu dài ngày. Những khuôn mặt hốc hác, những cặp mắt thâm quầng vì thiếu ngủ vẫn luôn hiện diện nụ cười.
Mạnh Kiên