Chuyện của lính Tây Nam

Chuyện của lính Tây Nam

Nhằm chào mừng Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, khối các nhà xuất bản (NXB), phát hành tại TPHCM đã tổ chức một cuộc triển lãm sách đặc biệt, tập hợp đầy đủ sách chính trị nhất hiện nay. Trong cuộc triển lãm, các đơn vị xuất bản đã giới thiệu nhiều nhan đề sách mới, một trong những cuốn sách được chú ý nhất là cuốn Chuyện của lính Tây Nam của tác giả Thủy Hướng Dương, do NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản (ảnh).

Thủy Hướng Dương là một nhà văn chuyên nghiệp, tên thật là Vũ Thị Thanh Thủy (bút danh khác là Hoa Hướng Dương) sinh tháng 10-1972. Nhìn năm sinh có lẽ bạn đọc sẽ nghĩ Chuyện của lính Tây Nam là một tác phẩm văn học thuần túy vì khi chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, tác giả chỉ mới 5 tuổi! Thế nhưng, Chuyện của lính Tây Nam thực chất lại gần như là một tác phẩm tự sự hơn là một tiểu thuyết văn học.

Nhân vật chính trong cuốn sách, người lính gốc Hà Nội có biệt danh Tuấn “Tròn”, nhập ngũ năm 1976, đóng quân tại Thanh Hóa. Dưới cái nhìn của anh, nhập ngũ khi ấy sẽ chỉ là người lính của thời bình. Thế nhưng, khi quân Khmer Đỏ xâm phạm biên giới Tây Nam của Tổ quốc, những người lính trẻ bắt đầu xung trận, một cuộc chiến khốc liệt bảo vệ Tổ quốc lại diễn ra.

Người lính trẻ Tuấn “Tròn” là một người lính vận tải có nhiệm vụ chính là tải thương, tải đạn, do đó góc nhìn của anh khác với những tác phẩm khác về cuộc chiến Tây Nam của những người lính trực tiếp chiến đấu. Dưới góc độ của anh, cuộc chiến có sự khốc liệt riêng của nó, không có những chi tiết xung trận, truy kích, phản kích nhưng lại có những hình ảnh gùi nước trên vai chuyển lên trận địa cho đồng đội, những giây phút nghẹn thở bò dưới tầm đạn đại liên đưa đồng đội bị thương, hy sinh về tuyến sau, những đêm ôm súng nằm canh thú dữ không vào phá xác đồng đội… và có cả những hy sinh mất mát của những người lính vận tải vốn tưởng chỉ ở phía sau trận đánh.

Để có thể miêu tả theo giọng văn tự sự đầy chân thật như chính tác giả có mặt vào những ngày tháng ác liệt nhất ở biên giới Tây Nam năm ấy, Thủy Hướng Dương đã phải lặn lội thu thập thông tin của những người lính đã từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam.

Từ câu chuyện của những người lính, rồi những người chỉ huy và cả những người vợ, người mẹ của những người lính năm ấy để làm tư liệu viết nên cuốn sách. Chính vì thế, nhân vật trong Chuyện của lính Tây Nam rất gần gũi, không lên gân, không hào nhoáng. Người lính trẻ tuổi 20 năm ấy cư xử và suy nghĩ rất tự nhiên như chính cuộc sống chiến trận đã tạo nên, có khi hèn nhát nhưng có lúc lại rất kiên cường.

Trong phần mở đầu, tác giả Thủy Hướng Dương cho biết: “Khi tôi viết cuốn sách thì một số nhân vật của tôi đã vào tuổi xưa nay hiếm, số khác cũng không còn khỏe mạnh. Nếu tôi chậm trễ chút nữa thì rất có thể, rất nhiều tư liệu quí báu về chiến tranh sẽ không còn đến tay tôi cùng độc giả hôm nay và mai sau. Vì tôi biết, hiện nay còn có quá nhiều thông tin về chiến tranh đang vô tình bị chìm vào thời gian”. 

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục