Như Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đưa tin, cuối tháng 11 đầu tháng 12-2011, TPHCM sẽ tổ chức triển lãm công bố quy hoạch chung xây dựng TPHCM cùng nhiều đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật khác. Để chuẩn bị cho sự kiện này, bắt đầu từ chuyên trang quy hoạch hôm nay, Báo SGGP sẽ lần lượt giới thiệu đến bạn đọc các đồ án liên quan đến phát triển đô thị cùng ý kiến góp ý về việc triển khai quy hoạch của một số chuyên gia cũng như nhà quản lý. Hy vọng điều này sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về quy hoạch của TPHCM.
Ngày 6-1-2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là QHCXD TPHCM)). Đây chính là quy hoạch mà thành phố sẽ công bố tại triển lãm trong thời gian sắp tới. Nói quy hoạch này là quy hoạch điều chỉnh vì từ năm 1993 TPHCM đã lập quy hoạch xây dựng thành phố. Năm 1998, để phù hợp với tình hình mới, TPHCM điều chỉnh lần đầu và đến 2010 điều chỉnh lần 2.
Đô thị trung tâm của vùng TPHCM
TPHCM là đô thị trung tâm của vùng TPHCM. Đó là điều được xác định trước hết trong quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025. Với vai trò này, TPHCM sẽ là trung tâm thương mại, dịch vụ, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, y tế kỹ thuật cao… của cả vùng. TPHCM sẽ tập trung phát triển công nghiệp sạch, kỹ thuật cao, ít thâm dụng lao động, có giá trị gia tăng lớn… làm động lực phát triển kinh tế cho toàn khu vực. Trong bối cảnh ấy, TPHCM sẽ là đầu mối phát triển giao thông cho cả vùng và từ vùng kết nối với nhiều nước trên thế giới.
Đến năm 2025 dân số TPHCM 10 triệu người và thêm khoảng 2,5 triệu người vãng lai. Trong đó, khu vực nội thành từ 7 triệu đến 7,4 triệu người, ngoại thành 2,6 triệu đến 3 triệu người bao gồm khoảng 0,5 triệu dân nông thôn.
Khu vực phát triển đô thị của TPHCM là 13 quận nội thành hiện hữu và 6 quận mới cùng trung tâm các huyện. Khu vực phát triển công nghiệp chủ yếu tập trung ở các quận mới và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè. Khu vực sinh thái và phát triển du lịch nằm dọc sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè và rừng ngập mặn Cần Giờ. Khu vực nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái sẽ được phát triển tại Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh. Khu vực bảo tồn sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt là khu bảo tồn thiên nhiên trong rừng ngập mặn Cần Giờ thuộc khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, rừng đặc dụng phòng hộ Củ Chi, Bình Chánh.
Bốn hướng phát triển
TPHCM sẽ phát triển theo hướng tập trung đa cực. Khu vực trung tâm là khu vực nội thành trong bán kính 15 km. TPHCM sẽ phát triển ra bốn hướng với hai hướng chính là Đông và Nam. Hai hướng phụ là Tây Bắc và Tây - Tây Nam. Ở hướng Đông, TPHCM phát triển dọc theo hướng của đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và xa lộ Hà Nội. Nơi đây sẽ có những khu đô thị mới với mật độ xây dựng cao. Hướng Nam, TPHCM phát triển dọc theo đường Nguyễn Hữu Thọ. Khu vực này, nền đất yếu nên mật độ xây dựng không cao, hạn chế đến mức đối đa việc san lấp sông, kênh rạch để đảm bảo việc tiêu thoát nước cho thành phố. Hướng phụ Tây Bắc, trục phát triển sẽ dọc theo quốc lộ 22 (đường Xuyên Á). Ở đây nền đất tốt nên thành phố sẽ tập trung phát triển các khu đô thị hiện đại. Hướng phụ Tây - Tây Nam, trục phát triển dọc theo đường Nguyễn Văn Linh. Giống như hướng Nam, hướng này nền đất yếu nên việc phát triển đô thị mới sẽ có giới hạn, không làm giảm diện tích kênh, rạch phục vụ cho công tác tiêu thoát nước của thành phố.
Nguyên tắc xây dựng
Khu vực nội thành cũ với 13 quận hiện hữu: tập trung cải tạo, chỉnh trang. Việc xác định tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất phải phù hợp với từng khu vực trên cơ sở bảo vệ các di sản và công trình kiến trúc có giá trị. Từng bước sắp xếp tổ chức lại mạng lưới giao thông, ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giải tỏa các nhà lụp xụp ven kênh, rạch. Trong khu nội thành cũ có trung tâm hành chính chung cho cả thành phố. Trung tâm này nằm ở quận 1, quận 3, một phần quận 4 và một phần quận Bình Thạnh, rộng 930ha.
Khu vực nội thành phát triển với 6 quận mới: tập trung xây dựng các đô thị mới hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong khu này sẽ có thêm trung tâm hành chính mới cho cả thành phố là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thủ Thiêm sẽ tổ chức một số trung tâm du lịch, dịch vụ đa ngành mà trung tâm cũ không thể thực hiện do đất đai hạn hẹp.
Các thị trấn, khu dân cư nông thôn, các đô thị mới ở ngoại thành: tập trung xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo mô hình nông thôn mới. Tại đây sẽ phát triển một số đô thị vệ tinh như đô thị Tây Bắc, đô thị cảng Hiệp Phước với mô hình phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững để từng bước di dân ra ngoại thành.
Các chỉ tiêu kỹ thuật chính
Khu vực nội thành hiện hữu: đất xây dựng đô thị 31,6m²/người, đất ở 13,1m²/người, đất cây xanh 2,4m²/người, đất công trình công cộng 2,9m²/người. Khu vực nội thành phát triển mới: đất xây dựng đô thị 104m²/người, đất ở 38,4m²/người, đất cây xanh 7,1m²/người, đất công trình công cộng 4,6m²/người. Khu đô thị tại các huyện ngoại thành: đất xây dựng đô thị 110m²/người, đất ở 50m²/người, đất cây xanh 12m²/người, đất công trình công cộng 5m²/người.
(Phần quy hoạch giao thông, cấp thoát nước, môi trường… trong đồ án điều chỉnh QHCXD TPHCM đến 2025, Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ kết hợp với các quy hoạch chuyên ngành nêu trên, giới thiệu cụ thể trong các chuyên đề sau).
Một số khu chức năng Hệ thống các trung tâm hành chính Trung tâm hành chính tổng hợp của thành phố nằm tại trung tâm hiện hữu và đô thị mới Thủ Thiêm. Hệ thống các trung tâm chuyên ngành Trung tâm đại học, nghiên cứu khoa học: Ngoài khu đại học quốc gia, bố trí thêm các trung tâm ở các khu vực sau: khu Nam thành phố (130ha), huyện Nhà Bè (115ha), huyện Bình Chánh (500ha), quận 9 (200ha), Củ Chi-Hóc Môn (600ha). Hệ thống bệnh viện và trung tâm y tế, sẽ xây dựng thêm bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế chuyên ngành ở các khu vực: phía Đông trên địa bàn quận 2, quận 9, Thủ Đức (65ha); phía Nam trên địa bàn quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ (115ha); phía Tây trên địa bàn quận Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh (140ha); phía Bắc trên địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi (260ha). Thiết kế đô thị Khu vực kiến trúc bảo tồn đặc biệt: Khu trung tâm thành phố hiện hữu gồm quận 1, 3, cùng kiến trúc một phần khu vực quận 5, 6. Khu vực kiến trúc có điều kiện địa chất thủy văn thuận lợi như huyện Củ Chi: hình thành vành đai sinh thái, đảm bảo môi trường sống có chất lượng cao. Khu vực kiến trúc có điều kiện địa chất thủy văn không thuận lợi như huyện Nhà Bè: sẽ phát triển đô thị theo cụm, nhóm nhỏ hình thành kiến trúc với tổ chức không gian phù hợp với đặc thù sông nước. Cụm công nghiệp và khu công nghiệp TPHCM có 1 khu công nghệ cao diện tích 872 ha, 20 khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất diện tích 6.020 ha và nhiều cụm công nghiệp diện tích 1.900 ha. Các khu này sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động ít, tạo ra giá trị gia tăng cao. S.L. |
NGUYỄN KHOA