Chuyện đôi tai

Chẳng cạnh khóe gì cái loa phường đâu. Thực ra muốn không nghe nó rất dễ. Ra hiệu thuốc mua cái nút tai như khi ngồi trên máy bay là ổn. Trẻ sơ sinh ở Hà Nội thường vẫn phải làm thế để khỏi giật mình khi ngủ.
Chuyện đôi tai
Những dụng cụ thu phát thanh điện tử theo chân người Pháp vào Việt Nam từ giữa thế kỷ trước. Chiếc radio điện tử ở Hà Nội ngày ấy như một báu vật của gia đình khá giả. Sau tiếp quản vẫn còn khá nhiều gia đình giữ được nó và tiếp tục sử dụng thêm vài chục năm nữa. Chiếc radio điện tử phát ra âm sắc trầm trung thực còn nhờ những chiếc loa của nó mà người sành nghe từ xa đã có thể đọc tên nhãn hiệu. Tất nhiên kỹ thuật điện tử thời ấy còn thô sơ. Bật đài còn phải chờ cho bóng đèn điện tử nóng lên mất một lúc mới có tiếng. 
Những năm chiến tranh chống Mỹ, Hà Nội đã có loa truyền thanh hữu tuyến chạy dây vào tận từng gia đình miễn phí. Một chiếc loa vỏ gỗ do Nhà máy Thiết bị bưu điện sản xuất được phát cho mọi nhà. Nhà ai chưa được mắc có thể tự lên Nhà máy Thiết bị bưu điện ở cuối đường Trần Phú mua loa về “câu” vào dây hàng xóm. Chẳng ai thắc mắc gì. Loa phát đều đặn tin tức và ca nhạc vào những giờ cố định sáng, trưa, chiều, tối. Chương trình của riêng Đài Truyền thanh Hà Nội thường không dài. Vẫn đủ từ “vươn thở” đến “tiếng thơ” theo Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng những khoảng giữa thường ngừng phát.  Phần lớn thời gian phát cũng là tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Chiếc loa hộp gỗ dán quét sơn cửa này còn rất sơ khai với dải tần hẹp chỉ có thể nghe tin tức và vài làn điệu dân ca là đạt yêu cầu. Thế cũng đã là hạnh phúc lắm bởi chiếc radio lúc ấy vẫn là tài sản lớn ít nhà có được. Vài người ở ven nội lúc ấy còn phải tự lắp những chiếc ga-len bằng tai nghe điện đàm với một chiếc đi-ốt. Quấn dây đồng thành lò xo dài vài mét chăng lên cành xoan sau nhà làm ăng-ten. Chiếc ga-len cho vào vỏ phích sắt hỏng cũng ọ ẹ nghe được chương trình tường thuật bóng đá nếu ghé sát tai vào.
Mãi đến cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, chiếc đài điện tử mới bắt đầu thông dụng do được nhập từ Nga và Trung Quốc. Cán bộ tùy theo cấp bậc mà được phiếu mua đài Hồng Đăng của Trung Quốc hay Rigonda có máy quay đĩa than của Nga. Chiếc radio Hồng Đăng nhỏ gọn đặt trên nóc tủ có tiếng loa tầm trung và sắc nét đã có thể nghe trọn vẹn những chương trình ca nhạc phát trên sóng với chất lượng khá cao. Đài Rigonda lúc ấy đã là đỉnh cao công nghệ khi kết hợp được cả radio và máy quay đĩa lắp trên nóc. Về sau nó còn được nâng cấp lên thành máy nghe nhạc có âm thanh nổi stereo. Một phát minh tuyệt vời phục vụ thú chơi nhạc của người Hà Nội.
Thế nhưng vẫn nhiều người không có tiêu chuẩn và không đủ khả năng mua sắm những thiết bị điện tử đắt tiền ấy. Hà Nội rộ lên phong trào tự chế máy tăng âm nghe nhạc vào đầu những năm 1970. Họa sĩ Tô Chiêm từng là người lắp ráp thành công giàn máy nghe nhạc stereo từ những vật liệu nhặt nhạnh ở chợ trời. Giàn máy của ông nghe chất lượng hơn hẳn những radio bán sẵn lúc bấy giờ. Và điều quan trọng nhất ông có không phải là kỹ năng lắp ráp đồ điện tử. Nó chính là đôi tai stereo của ông đã vượt lên trên những đôi tai mono thông thường.
Thời đại kỹ thuật số bây giờ có quá nhiều lựa chọn cho người nghe nhạc Hà Nội. Từ những cặp loa giá chỉ vài trăm ngàn cho đến những giàn loa tiền tỷ. Từ loa bluetooth kết nối không dây cho đến loa chuyên dụng lắp trên ô tô, nhà hàng, vũ trường. Vào gia đình khá giả bây giờ đều thấy trưng bày những bộ giàn máy nghe nhìn hiện đại và giá trị không nhỏ. Những người yêu chuộng âm thanh Hà Nội đã thành lập nhiều câu lạc bộ nhằm trao đổi về chất lượng trang thiết bị và hơn nữa, trao đổi bổ sung kiến thức về âm thanh mà thiết bị ấy phát ra. Rất khó lòng tiếp thị cho họ một bộ giàn máy hoàn chỉnh của riêng một nhà sản xuất nào đó.
Không khó để thấy rằng ở Hà Nội có hai kiểu nghe nhạc. Một là “tai chúng ta” sẽ nghe những giàn máy trọn bộ bán sẵn càng đắt tiền càng tốt. Hai là “tai anh, tai tôi” sẽ có những thiết bị được chọn lựa riêng biệt. Cho nên nâng cấp đôi tai mới là việc cần chọn lựa trước tiên.

Tin cùng chuyên mục