Điện ảnh thế giới năm 2011 hứa hẹn tiếp tục là cuộc đổ bộ của những tác phẩm sử dụng công nghệ 3D. Tuy nhiên, trong bối cảnh cần thu hút khán giả đến rạp, chỉ phim 3D vẫn chưa đủ vì “cơn sốt phim 3D” đã dần dịu lại. Khán giả luôn tìm kiếm những điều mới mẻ, sáng tạo để gắn kết giữa họ với điện ảnh và công nghệ cao.
“Gã khổng lồ 3D” phải lo lắng
Không phải đợi đến năm 2009, khi bộ phim bom tấn Avatar làm mưa làm gió ở các phòng vé trên thế giới, khán giả mới biết đến công nghệ làm phim 3D. Thế nhưng, đây lại là cột mốc quan trọng để hàng loạt nhà sản xuất tự tin và hào hứng tung ra những sản phẩm tương tự. Năm 2010, nhiều bộ phim 3D xuất hiện và liên tục đạt doanh thu ngất ngưởng như Step up, Final Destination: Death Trip (Lưỡi hái tử thần)… Với đà này, theo thống kê ban đầu mà Tập đoàn Cung cấp dịch vụ điện ảnh PricewaterhouseCoopers vừa công bố, hơn 40 bộ phim 3D đã lên lịch ra mắt trong năm nay.
Tuy nhiên, một báo cáo công bố trên trang tin chuyên về điện ảnh The Hollywood Reporter lại chỉ ra những điểm trừ có thể làm giảm nhiệt những bộ phim gắn liền với công nghệ làm phim tiên tiến bậc nhất thế giới.
Theo báo cáo này, khán giả đang ở giai đoạn còn hứng thú và tò mò và họ sẵn sàng bỏ tiền để xem phiên bản đặc biệt, quên đi bản phim 2D. Báo cáo cũng chỉ ra đến 50%-70% doanh thu tại các phòng vé nhờ công của các bộ phim 3D. Các nhà làm phim thì lạc quan vì lợi nhuận tăng đáng kể do giá vé xem phim 3D quá cao át đi thực tế là số lượng vé bán được ngày càng giảm. Công ty Nghiên cứu truyền thông BTIG đã thực hiện cuộc khảo sát và cho kết quả là giá vé tối thiểu 5USD để xem một bộ phim 3D là quá đắt. Đến 77% người Mỹ cho rằng họ chỉ muốn trả tối đa 4USD cho những bộ phim trên, nhưng vì sự hiếu kỳ ban đầu, họ chấp nhận giá vé chênh lệch.
Thậm chí, ở thị trường Mỹ, giá vé cũng có khác biệt theo từng khu vực. Đơn cử là bộ phim Shrek Forever After (Cuộc phiêu lưu cuối cùng của gã chằn tinh), phiên bản 2D chiếu ở San Francisco thấp nhất là 6USD và chiếu bản 3D với giá vé lên đến 15USD! Bản cáo cáo đã đưa ra kết luận rằng phim 3D là một hiện tượng, nhưng chính những nhà sản xuất và phân phối đang góp phần biến hiện tượng thành điều bình thường khi chen những nội dung nếu không nói là quá xoàng vào. Khán giả thực sự đã từng lên cơn sốt với những bộ phim 3D bom tấn đầu tiên nhưng họ không thể mãi chỉ đến rạp để thưởng thức phim 3D!
Làm phim trong tầm tay
Việc tự quay một đoạn phim có nội dung ngắn bằng các thiết bị nhỏ gọn như điện thoại, máy quay phim, chụp hình cá nhân rồi sau đó tải lên các trang mạng xã hội đã giúp nhiều tác giả nghiệp dư nhanh chóng gây ấn tượng với cộng đồng mạng. Thế nhưng, nếu đây cũng là cách làm phim của những người chuyên nghiệp thì chắc chắn, điện ảnh sẽ gần với mọi người hơn nữa, tạo nên một thử nghiệm mới ở các phòng vé.
Đó là trường hợp của đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-wook. Anh từng đoạt Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại LHP Cannes 2004 với bộ phim Oldboy và Giải Hội đồng Ban Giám khảo (Jury Prize) LHP Cannes 2009 với phim Thirst (Khát máu). Tuần qua, anh vừa giới thiệu “đứa con tinh thần” đầu tiên được cho ra lò từ công nghệ mới với sự hợp sức của người anh Park Chan-kyong. Đó là bộ phim Night Fishing. Chỉ trong 10 ngày quay, với kinh phí khiêm tốn 133.000 USD, tập hợp 80 diễn viên, đạo diễn tài ba đến từ Hàn Quốc đã tạo ra được một bộ phim kinh dị dài 30 phút đạt chuẩn để chiếu rạp! Điều đặc biệt là anh chỉ sử dụng hai chiếc iPhone 4 để đặt hai góc máy khác nhau trong quá trình thực hiện bộ phim này. Bộ phim sẽ chính thức khởi chiếu ở Hàn Quốc từ ngày 27-2 (kéo dài chỉ trong 4 ngày) tại 10 rạp được chỉ định.
Park Chan-wook cho biết, sử dụng điện thoại thông minh để làm phim là một ý tưởng cực kỳ tiết kiệm, đặc biệt là với những bộ phim không cần quá nhiều kỹ xảo phức tạp. Và chỉ có điện ảnh mới tạo được chất keo kết dính những người đam mê điện ảnh, những người làm nghệ thuật với công nghệ di động, để điện ảnh luôn trong tầm tay.
NHƯ QUỲNH