Chuyển động môi trường kinh doanh

Chưa khi nào cộng đồng doanh nghiệp đứng trước các cơ hội thay đổi to lớn về môi trường kinh doanh như hiện nay.

Chưa khi nào cộng đồng doanh nghiệp đứng trước các cơ hội thay đổi to lớn về môi trường kinh doanh như hiện nay.

Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành ngày 12-3-2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015 - 2016, đã đưa ra những chỉ số cao hơn và yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp đã thực hiện. Chẳng hạn như phấn đấu năm 2015 đưa các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN-6; thời gian nộp thuế doanh nghiệp không quá 121,5 giờ/năm, thời gian nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm; thủ tục khởi sự kinh doanh tối đa là 6 ngày... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế; khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 50 nước đứng đầu...

Những yêu cầu của Chính phủ đã được một số bộ, ngành tích cực triển khai. Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp liên ngành với nội dung thực hiện đo thời gian giải phóng hàng hóa năm 2015.

Mục đích là xác định rõ thực trạng làm thủ tục giải phóng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thời gian xử lý và trách nhiệm của bộ, ngành liên quan; các khâu nghiệp vụ, nguyên nhân gây chậm trễ, kéo dài thời gian thông quan... Từ đó phát huy mặt tích cực, phát hiện khó khăn, vướng mắc, điểm gây “tắc nghẽn” nhằm kiến nghị Chính phủ giải pháp tháo gỡ.

Hàng loạt những hội thảo nhằm mổ xẻ những bất cập hiện nay cũng được tổ chức. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đi sâu vào các vấn đề nổi cộm của Việt Nam (như cấp điện, chỉ số khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư...) nhằm hỗ trợ các bộ, cơ quan, địa phương hiểu rõ phương thức xác định các chỉ số theo thông lệ quốc tế, chủ động áp dụng giải pháp tương ứng theo yêu cầu Nghị quyết 19. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn hướng tới xây dựng mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc thành lập hội đồng trung ương các hiệp hội. Hàng quý, hội đồng trung ương các hiệp hội sẽ họp để nêu ra những vấn đề bất cập của môi trường kinh doanh, VCCI sẽ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo nhận định của Chính phủ khi đánh giá về Nghị quyết 19 năm 2014 (cũng về những nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh) được ban hành 1 năm trước (18-3-2014) vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tích cực triển khai hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp chưa được triển khai theo yêu cầu, tác động của nghị quyết vào thực tế sản xuất và đời sống vẫn còn chậm... Điều đó làm cho năng lực cạnh tranh dù có bước được cải thiện nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn thấp.

Rõ ràng điều đó cho thấy, dù nhiều biện pháp quyết liệt, yêu cầu cụ thể được đưa ra nhưng vẫn còn có khoảng cách khá xa so với thực tế. Câu chuyện thực thi ra sao luôn là câu hỏi khó trả lời. Trong khi việc thực thi đóng vai trò quan trọng, quyết định mọi sự thay đổi. Do vậy, nếu không có sự giám sát hay chế tài mạnh việc thực thi công vụ thì sự quyết liệt chỉ nằm trên giấy thay vì tạo sự thay đổi trên thực tiễn. Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhìn nhận, từ câu chuyện năng khảo sát hàng năm về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, cùng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường kinh doanh nhưng ở đâu lãnh đạo tỉnh, sở, ngành làm quyết liệt thì ở đó có sự thay đổi tích cực. Cũng theo ông Lưu Bích Hồ, cấp quản lý địa phương là người quyết định sự thay đổi môi trường kinh doanh cấp tỉnh.

Chính phủ đã thể hiện tinh thần quyết tâm cải cách thông qua Nghị quyết 19, các hiệp hội doanh nghiệp đã sẵn sàng và cộng đồng doanh nghiệp luôn luôn ủng hộ. Chính vì vậy, theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào sự thay đổi đột phá của môi trường kinh doanh trong 2 năm tới, xa hơn là sự thay đổi về năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, ngày 1-7 tới đây, với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực, quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp sẽ được mở rộng. Những cải thiện về môi trường kinh doanh sẽ là bệ đỡ quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, sức cạnh tranh khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu với khu vực, thế giới mà điển hình là Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm 2015.

Năm 2015 được nhìn nhận là năm hành động vì doanh nghiệp. Và cùng với đổi mới thể chế, các giải pháp cải thiện cụ thể được đề ra, cộng đồng doanh nghiệp một lần nữa lại kỳ vọng vào sự thay đổi của môi trường kinh doanh Việt Nam.

QUANG MINH

Tin cùng chuyên mục