Chuyên gia hóa trang LiLian Trần: Luôn muốn được thử thách

Là chuyên gia hóa trang từng tốt nghiệp cao học chuyên ngành mỹ phẩm, làm đẹp và hóa trang hiệu quả đặc biệt cho điện ảnh tại Canada, Lilian Trần quyết định về nước và đã rất thành công qua các bộ phim điện ảnh: Lời nguyền huyết ngải, Dòng máu anh hùng, Scandal… Đây là công việc sáng tạo thầm lặng tại trường quay, góp phần đáng kể trong việc tạo hình nhân vật, nhất là hiệu quả đặc biệt cho bộ phim. Chúng tôi có cuộc trao đổi cùng chuyên gia hóa trang Lilian Trần
Chuyên gia hóa trang LiLian Trần: Luôn muốn được thử thách

Là chuyên gia hóa trang từng tốt nghiệp cao học chuyên ngành mỹ phẩm, làm đẹp và hóa trang hiệu quả đặc biệt cho điện ảnh tại Canada, Lilian Trần quyết định về nước và đã rất thành công qua các bộ phim điện ảnh: Lời nguyền huyết ngải, Dòng máu anh hùng, Scandal… Đây là công việc sáng tạo thầm lặng tại trường quay, góp phần đáng kể trong việc tạo hình nhân vật, nhất là hiệu quả đặc biệt cho bộ phim. Chúng tôi có cuộc trao đổi cùng chuyên gia hóa trang Lilian Trần (ảnh).

* Phóng viên: Chị có thể chia sẻ những yêu cầu cần thiết của nghề hóa trang, nhất là trong lĩnh vực điện ảnh?

* Chuyên gia hóa trang LILIAN TRẦN:
Người làm nghề hóa trang điện ảnh đòi hỏi phải biết nhiều kiến thức tổng hợp, như: vẽ để tạo hình nhân vật, điêu khắc để tạo ra các khuôn mẫu dựa trên bản phác thảo, biết sử dụng hóa chất, hiểu ánh sáng hay máy quay loại nào để sử dụng nguyên vật liệu cho phù hợp. Ví dụ như nhân vật tóc bạc phơ ngồi dưới ánh lửa bập bùng thì phải dùng sản phẩm gì để có thể lên màu tóc bạc đó. Cuối cùng là kiến thức về văn hóa, lịch sử để tạo hình nhân vật theo đúng bối cảnh lịch sử…

* Việc phác thảo trước sự tưởng tượng cụ thể về một nhân vật là quy trình tạo hình rất quan trọng có thể đáp ứng về thể loại phim, thời gian sáng tối, kỹ thuật máy quay... Chị có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

* Đây là công đoạn rất quan trọng vì người hóa trang có thể hỗ trợ cho đạo diễn thấy được nhân vật bằng hình ảnh thay vì phải tưởng tượng. Đôi lúc nhờ đó mà đạo diễn có thể thêm, bớt hoặc thay đổi diện mạo của nhân vật trước ngày bấm máy. Đứng về mặt sản xuất, việc này là quy trình chuyên nghiệp giúp giảm thiểu chi phí sản xuất. Người hóa trang không thể “tả miệng” cho đạo diễn là mình sẽ hóa trang nhân vật này như thế này hay thế kia vì trí tưởng tượng của mỗi người rất khác nhau. Ví dụ trong kịch bản có nhân vật ông giáo sư già, thì khi đọc mỗi người sẽ tưởng tượng nhân vật đó theo từng cảm nhận riêng. Vì vậy người hóa trang phải bàn bạc với đạo diễn và vẽ nhân vật theo trí tưởng tượng của đạo diễn, tất nhiên là phải đưa ra một vài phác thảo, ý tưởng của mình để làm cho nhân vật phong phú hơn, còn đạo diễn sẽ là người lựa chọn và quyết định.

* Hóa trang luôn đòi hỏi sự sáng tạo và tính kiên trì trước công đoạn tỉ mỉ, kỹ lưỡng mới có thể đạt tới hiệu quả đặc biệt?

* Với người làm hóa trang, sự tỉ mỉ, chú ý đến từng chi tiết đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ví dụ như tạo hình một diễn viên 20 tuổi thành bà lão 70 tuổi cần nghiên cứu các cơ mặt sẽ bị chảy sệ xuống bao nhiêu? Các nếp nhăn ở vị trí nào? Độ nhăn nông sâu? Tóc, lông mày thay đổi ra sao?... Sau khi phác thảo sự lão hóa và định hình nhân vật sẽ đến công đoạn lấy khuôn, nặn tượng, điêu khắc, chế các miếng da giả để đắp lên mặt diễn viên. Các công đoạn trên đòi hỏi thời gian chuẩn bị và thực hiện khá nhiều. Tất cả công đoạn đó đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn mới có thể sáng tạo ra một sản phẩm hóa trang tốt.

* Trước thực tế rất nhiều khó khăn của nền điện ảnh nước nhà, việc cập nhật công nghệ hóa trang điện ảnh luôn đồng hành với người nghệ sĩ muốn cống hiến càng gặp không ít áp lực. Vậy chị đã phải “phù phép” thế nào?

* Nói “phù phép” thì mình không dám nhận. Thường người Việt Nam chúng ta có câu “liệu cơm gắp mắm”. Với công việc này được thực hiện trong điều kiện thiếu thốn từ nguyên vật liệu đến hạn chế về kinh phí, thì người hóa trang phải biết tận dụng tất cả những kiến thức, kinh nghiệm có được để có thể sáng tạo một sản phẩm tốt nhất trong điều kiện có thể. Tôi vẫn thường xuyên cập nhật kiến thức, khi có những công nghệ mới như tham dự hội thảo hoặc các khóa đào tạo mới.

Tuy nhiên, tôi cũng hơi buồn khi nghề hóa trang điện ảnh chưa được đánh giá đúng mức. Bản thân các đạo diễn cũng như nhà sản xuất tại Việt Nam hiện gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại để dàn dựng những bộ phim hay phục vụ công chúng. Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc với sự quan tâm và hỗ trợ của chính phủ đã khởi sắc, phát triển chỉ trong vòng một thập kỷ qua, trở thành một hiện tượng văn hóa, thậm chí mang lại những giá trị thương hiệu và thương mại cho Hàn Quốc. Tôi hy vọng Liên hoan phim Việt Nam sắp tới sẽ có giải hóa trang như giải Oscar và các cuộc thi điện ảnh khác của thế giới.

Lilian Trần đang hóa trang vai cụ già cho một diễn viên.

Lilian Trần đang hóa trang vai cụ già cho một diễn viên.

* Nguồn nhiên liệu - chất liệu hóa trang luôn là bài toán khó thách thức người nghệ sĩ. Chị đã có những giải pháp có thể nào cho từng thể loại phim?

* Đúng vậy, nhất là hóa trang hiệu quả đặc biệt. Hiện nay, mình vẫn phải nhập nguyên vật liệu từ Mỹ về, chi phí cao lại tốn thời gian. Có những phim khi nhận tiền thù lao, tôi chỉ đủ mua 1/3 nguyên vật liệu, nhưng vẫn mua từ Mỹ về để hóa trang cho nhân vật đúng như ý muốn của đạo diễn. Ngoài ra, người nghệ sĩ hóa trang cần phải hiểu kiến thức về hóa chất để có thể thử nghiệm, tìm tòi, khám phá và đưa ra các giải pháp tối ưu nhất cho từng thể loại phim.

Ví dụ như trong phim Lời nguyền huyết ngải của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhân vật chính là một ông lang già huyền bí, có đầu hói với vài sợi tóc bạc hoa râm, lơ thơ trên đỉnh đầu và những cảnh khi còn trẻ. Trong khi NSƯT Thành Lộc đảm nhiệm vai này lại có mái tóc tốt, đen nhánh, tôi phải làm cho anh trẻ lại tuổi 30 rồi làm già đi bằng đầy nếp nhăn, bọng mắt to, đầu hói, tóc bạc lơ thơ. Nếu mua nguyên mẫu mặt nạ đầy nếp nhăn với da đầu, tóc bạc giả lơ thơ trên đỉnh đầu sẽ rất đắt tiền. Để giảm thiểu chi phí, tôi đã tự làm rất nhiều công đoạn, chỉ riêng bộ tóc giả tôi phải kỳ công đan tay từng cọng tóc. Hay như trong phim Quả tim máu của đạo diễn Victor Vũ, có cảnh quay cận quả tim đập thình thịch. Tôi đã phải nghiên cứu chế tạo một quả tim chuyển động, có nhịp đập một cách tự nhiên.

* Thực tế ở nhiều đoàn phim của Việt Nam rất thiếu các chuyên gia hóa trang chuyên nghiệp, khi về sống ở quê nhà chị có mở khóa đào tạo nghề này để chia sẻ cùng đồng nghiệp của mình không?

* Trước khi về Việt Nam, tôi cũng theo dõi về ngành công nghiệp phim ảnh và thấy rằng ở Việt Nam không có trường đào tạo nghề hóa trang chuyên nghiệp bài bản. Vì vậy, tôi luôn mong được chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm hóa trang cho những bạn quan tâm. Tôi vừa thành lập trường đào tạo hóa trang chuyên nghiệp tại Hà Nội và hy vọng sớm mở thêm chi nhánh tại TPHCM.

THIỆN THÀNH

Tin cùng chuyên mục