Chuyện kể ở cù lao” Rán”

Đôi mắt đăm đăm của chú Hai Chổi nhìn ra mé sông Hàm Luông mùa này nước thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, lục bình trôi dày đặc lòng sông. Chú kể tới giờ đố ai biết được tại sao cái cù lao này có cái tên là “Rừng Rán”. Có lẽ ngày xưa dân đi làm rẫy ở đây thấy chỉ toàn là cây rán nên đặt tên này luôn cho dễ nhớ. Tía má chú cũng là dân sống quanh năm bằng cái nghề bó chổi rán này. Chắc vậy nên chú được tía má đặt tên là Hai Chổi cũng nên.
Chuyện kể ở cù lao” Rán”

Đôi mắt đăm đăm của chú Hai Chổi nhìn ra mé sông Hàm Luông mùa này nước thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, lục bình trôi dày đặc lòng sông. Chú kể tới giờ đố ai biết được tại sao cái cù lao này có cái tên là “Rừng Rán”. Có lẽ ngày xưa dân đi làm rẫy ở đây thấy chỉ toàn là cây rán nên đặt tên này luôn cho dễ nhớ. Tía má chú cũng là dân sống quanh năm bằng cái nghề bó chổi rán này. Chắc vậy nên chú được tía má đặt tên là Hai Chổi cũng nên.

- Vậy hồi đó ở đây người ta ở đông hôn chú hai?

- Đâu có mấy chục cái nhà bằng lá dừa nước, cột thì bằng cây dừa, bình linh, cây keo. Vùng này hồi đó mấy thằng Mỹ - ngụy oanh kích tự do, đang đốn rán mà nghe tiếng ù ù của máy bay đầm già là nhào xuống mương tránh, nó bắn tứ tung, hên xui vậy mà. Vậy mà tía má tao gặp xui, nó bỏ bom rớt xuống đám rán ổng bả đang đốn giữa chừng. Tía má cháy đen như cây than hầm, không kịp trăn trối một lời.

- Vậy rồi sau đó chú đi đâu? ở đâu?

- Tao không đi đâu hết. Tao ở đây chờ dịp trả thù cho tía má tao.

Minh họa: Anh Thư

Minh họa: Anh Thư

Từ ngày tía má chết vì bom giặc, chú cứ lững thững đi vào đi ra như một thằng khùng khùng, điên điên. Mười tám tuổi, chú còn non nớt quá, còn cô đơn quá khi cứ phải lủi thủi một mình trong căn chòi bên cạnh mé sông Hàm Luông. Nhiều đêm nhìn tàu chiến giặc chạy tới chạy lui từ Bến Tre xuống Giồng Miễu, rồi xuống tới Bến Vinh, Khâu Băng, cồn Lợi, cồn Bững, cồn Dài, cồn Tra... lòng chú nóng như lửa đốt. Đêm đêm chú lại tìm đến hai ngôi mộ đất nằm giữa cánh rừng Rán mà khấn nguyện.

- Tía má có linh thiêng xin phù hộ thằng Chổi này mạnh giỏi để trả thù.

Một đêm, chú nằm trằn trọc trên chiếc giường tre ọp ẹp phía góc nhà. Trời mưa rất lớn. Sấm chớp giật từng cơn tạo những tia sáng xanh lè kèm theo những tiếng nổ long trời muốn điếc tai. Năm bóng đen đang lội từ dưới sông lên cõng theo hai người nữa đang cố gắng khó nhọc bước lên bờ đê trơn trợt. Tiếng súng đập trên lưng họ kêu lịch kịch. Các anh giải phóng quân.

- Mấy chú ơi, có gì cần tui giúp cho. Cù lao này hổng quen đi ban đêm khó lắm. Chú Hai Chổi mạnh dạn lên tiếng và ra khỏi căn chòi.

- Em nhỏ cho hỏi từ đây xuống tới rạch Cừ khoảng mấy cây số, có hai người bị thương nên cần chuyển gấp. Một người trung niên hỏi nhỏ.

- Khoảng mười cây số, nhưng đi ngoài sông cái hay đi vô rạch Giồng Chùa dễ bị tụi nó phát hiện lắm, giang thuyền nó chạy lùng sục truy quét suốt đêm.

- Có cách nào giúp tụi anh không?

- Thôi để tui dẫn đường, nhưng phải cắt đường rừng rán đi bộ mới “êm”, khó nhưng an toàn hơn.

Đêm tối đen, sáu con người âm thầm lầm lũi đi vội vã, thỉnh thoảng họ lại thay nhau cõng hai người bị thương đang ngất xỉu, máu thấm ướt vai cả đoàn nhưng không ai dám dừng chân. Gần sáng chú đã dẫn họ kịp vượt sông rạch Cừ về nơi an toàn. - Em tên gì, để sau này gặp mà nhận ra.

- Tui tên Chổi.

Mấy tháng sau, chú không ngờ rằng những người Việt cộng ấy quay lại tìm chú trong một đêm ba mươi trời tối đen như mực. Người mà chú để ý nhiều nhất là cô gái rất có duyên bởi chiếc răng khểnh và lúc nào cũng cười cười mới lạ.

- Chổi à! Mấy anh định xây dựng một trạm giao liên tại cù lao này để tiện liên lạc từ khu 8 xuống, em giúp anh được hôn?

Chần chừ giây lát, chú nói:

- Nếu mấy anh tin thì tui làm, tui cũng chờ có dịp này để trả thù cho tía má tui đây?

- Em đừng lo, đây là cô Mận, quê dưới Giồng Ớt sẽ tới lui liên lạc với em, có gì cổ chỉ cho, mà nè, cổ còn nợ em cái vụ cứu sống cổ mấy tháng trước đó nghe.

- Vụ nào? Hai Chổi thắc mắc.

- Thì cái lần em với nhỏ bạn bị thương nhờ anh dẫn đường về rạch Cừ đó, người gì mau quên quá trời. Mận cười trêu chọc.

- Trời đất, ban đêm ban hôm tui có biết ai là ai đâu. Mà có gì mà ơn nghĩa. Mà cô bi nhiêu tuổi dạ?

- Tui mười tám tuổi. Còn anh?

- Tui cũng y chang như cô.

Vậy là Chổi theo cách mạng từ cái đêm hôm ấy với niềm vui bất tận. Tình yêu của chú và Mận cũng nở dần theo ngày tháng. Chú nhớ hoài cái đêm định mệnh trước ngày giải phóng miền Nam. Lần đó trước khi vượt sông về Mỏ Cày, Mận nói khẽ:

- Sắp giải phóng rồi, mai mốt anh tính sao?

- Thì tui cưới cô làm vợ chớ sao? Tụi mình mồ côi cha mẹ hết, chắc phải nhờ đơn vị đứng ra tổ chức giùm. Chú nhoài người hôn lên trán Mận một nụ hôn đầu tiên.

- Anh làm cái gì kỳ vậy? Bộ đội gì tham lam quá trời? Mận cười lém lỉnh nhưng nghe lòng hạnh phúc tràn đầy.

Bây giờ cù lao Rán đã khác xưa. Có lẽ thời gian sẽ cuốn trôi đi bao kỷ niệm theo dòng chảy cuộc đời. Rồi người ta sẽ dễ quên đi rặng bần, rặng đước, quên con ba khía, con cá chốt nhỏ nhoi, quên cánh rừng Rán từng hứng chịu bao bom đạn quân thù, quên cái tên Hai Chổi đang tìm về quá khứ với bao nỗi nhớ đong đầy. Nhưng với Chổi, quá khứ hào hùng vẫn rất đáng tự hào và luôn ẩn hiện quanh đây.

TRIỆU MỸ NGỌC

Tin cùng chuyên mục