Kỷ niệm 31 năm giải phóng miền nam - thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2006)

Chuyện kể thêm về tổ trung tâm

Chuyện kể thêm về tổ trung tâm

LTS: 31 năm trước, đúng 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông Việt Nam thu về một mối . Nhưng ít ai biết rằng ngay từ tháng 4-1973, được sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu đã thành  lập Tổ Trung tâm để xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Trong những ngày lịch sử này, Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến, thành viên của Tổ Trung tâm, bồi hồi nhớ lại...

Chuyện kể thêm về tổ trung tâm ảnh 1

Tại trụ sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu ngày 30.4.1975.

Tổ Trung tâm có 4 đồng chí gồm đại tá Vũ Lăng, Cục trưởng Cục Tác chiến; hai thượng tá là  Võ Quang Hồ và tôi - Lê Hữu Đức, lúc đó đều là Phó Cục trưởng, và đồng chí thiếu tướng Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn được chỉ định làm Tổ trưởng (1).

Mỗi tuần Tổ dành 2 ngày, thứ ba và thứ tư, để nghiên cứu tại phòng làm việc của anh Tấn trong khu A vì thường từ thứ năm đến thứ hai hàng tuần, các chiến trường báo cáo nhiều, cơ quan tác chiến cần có thời gian nghiên cứu đề đạt lãnh đạo Bộ ở những buổi giao ban và sáng thứ bảy và thứ hai để kịp thời giải quyết những đề nghị của các đơn vị. Từ thứ ba và thứ tư, thường các đơn vị ít báo cáo lên, trừ những việc đột xuất. Sau khi dự giao ban hàng ngày của Bộ, Tổ TT về phòng làm việc của anh Tấn để nghiên cứu.

Là một nội dung tuyệt mật nên ở Bộ Tổng tham mưu, đồng chí Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trực tiếp chủ trì, chỉ các đồng chí Phó TTMT phụ trách khối tác chiến mới tham gia. Ở Cục Tác chiến cũng vậy, chỉ có Cục trưởng và hai Phó cục trưởng, một phụ trách phòng kế hoạch và 1 phụ trách phòng chiến trường miền Nam (phòng B) tham gia. Sau các buổi thảo luận, sổ sách, bản đồ, bản vẽ phải để vào két sắt của anh Tấn.

Vì vậy lúc đó, Bộ chưa triệu tập một số thủ trưởng các cục của Bộ Tổng tham mưu (BTTM), của Tổng cục Chính trị (TCCT), của Tổng cục Hậu cần (TCHC), cũng như các quân, binh chủng. Chỉ khi triển khai nghiên cứu kế hoạch của ba chiến dịch lớn: Buôn Ma Thuột, Huế – Đà Nẵng và Sài Gòn – Gia Định, Bộ mới triệu tập các đồng chí trên đây làm việc cùng Cục Tác chiến ở ngay tại Cục Tác chiến.

Đến cuối tháng 5-1973, toàn tổ cơ bản nhất trí và thảo luận hết năm vấn đề cơ bản của kế hoạch giải phóng miền Nam.

Sáng 22-5-1973 (tức 20-4 năm Quý Sửu), trong khi Tổ đang nghiên cứu thì Văn phòng BTTM cho biết, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mời một đồng chí thủ trưởng Cục Tác chiến sang báo cáo tình hình. Vì tưởng anh Ba chỉ cần nghe báo cáo tình hình hàng tuần nên anh Lăng đề nghị tôi đi. Hoàn toàn không phải là: “Ngày 22-5-1973, đồng chí Lê Hữu Đức được đồng chí Lê Trọng Tấn cử sang báo cáo với đồng chí Lê Duẩn tại Hà Nội về việc tổ TT Cục Tác chiến, đang thảo luận kế hoạch giải phóng miền Nam… (2).

Vì nếu báo cáo kế hoạch chiến lược cơ bản thì phải chính đồng chí Tổ trưởng Lê Trọng Tấn sang. Nếu biết sang để báo cáo kế hoạch chiến lược mà cử một ủy viên thì vừa vi phạm chế độ báo cáo đối với đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, vừa thiếu tôn trọng lãnh đạo. Điều mà suốt những năm làm việc dưới sự dìu dắt của anh Tấn, tôi biết anh Tấn không bao giờ lại khinh suất như vậy.

Thực tế, tôi qua nhà số 6 Hoàng Diệu, Hà Nội, lên gác hai, báo cáo tình hình khoảng 15 phút, đang chuẩn bị ra về, bỗng anh Ba Duẩn hỏi: “BTTM đang làm gì?” – “Báo cáo, BTTM đang nghiên cứu kế hoạch giải phóng miền Nam hai năm”. “Hay quá, đồng chí có thể báo cáo tôi nghe được không?”. Liên tục hai giờ liền, tôi báo cáo với anh Ba Duẩn những nội dung chính, chưa đi vào chi tiết. “Các đồng chí có dự liệu ta sẽ gặp khó khăn gì không?”.

“Báo cáo có rất nhiều khó khăn, nổi bật có hai khó khăn mà Bộ Chính trị và anh không cho ý kiến thì bên quân sự rất khó giải quyết”. “Vậy cụ thể là gì?”. “Báo cáo: một là quân số bổ sung, hai là phương tiện mở rộng và củng cố tuyến vận chuyển chiến lược 559”. Anh Ba nêu lên phương hướng và cách giải quyết hai khó khăn trên. Đúng 11 giờ 20, anh chỉ thị: “Chiều nay, đúng 14 giờ, mời toàn Tổ và anh Tấn sang làm việc”.

Một chi tiết nữa cũng cần được khẳng định là không phải Tổ TT thuộc Cục Tác chiến, mà trực thuộc BTTM (3) nên chỉ có các đồng chí PTTMT phụ trách tác chiến được Bộ chỉ định làm Tổ trưởng, dù 3 trong 4 thành viên của Tổ TT là thủ trưởng Cục Tác chiến. Ngày 22-5-1973, sau khi nghe chúng tôi báo cáo suốt ngày, anh Ba nhận xét: “Tôi đang suy nghĩ như vậy, nay ý kiến của Tổ TT của Quân ủy Trung ương (QUTW) cùng củng cố suy nghĩ cho tôi. Tôi sẽ báo cáo Bộ Chính trị (4) anh Ba cũng chỉ dùng cụm từ QUTW có một lần, còn quá trình thông qua, anh Ba luôn luôn nhấn mạnh vai trò Tổ TT của BTTM.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí: BTTNBCHTWĐ, Đại tướng BT-TTL và Đại tướng TTMT, Tổ TT dự thảo lần thứ nhất: “Đề cương báo cáo kế hoạch chiến lược lần thứ nhất, mã số 386Tg ngày 5-6-1973, có 13 trang. Quá trình dự thảo (đến 8 lần và 8 lần thông qua), có bổ sung ba đồng chí.

Thứ nhất là Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục, Tư lệnh Miền ra báo cáo tình hình với Bộ CT từ tháng 5-1973, sau đó tham gia các hội nghị của QUTW, chuẩn bị nghị quyết lịch sử 21 TW Đảng. Đến đầu năm 1974, anh Thái đi chữa bệnh ở nước bạn Đông Đức về, vì tình hình sức khỏe không cho phép tiếp tục vào Nam, anh ở lại công tác tại BTTM, nhận nhiệm vụ Thứ trưởng BQP và PTTMT thứ nhất (5).

Anh Thái trực tiếp chỉ đạo Tổ TT chuẩn bị dự thảo lần thứ năm: “Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam sau vài ba năm làm thay đổi so sánh lực lượng ta – địch” lần thứ hai, số 123/Tg ngày 24-6-1974, có 11 trang. Anh Thái tiếp tục chỉ đạo Tổ TT dự thảo đến lần thứ tám, lần cuối cùng, được Bộ CT mở rộng họp từ 18-12-1974 đến 8-1-1975 chính thức thông qua bản kế hoạch chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam hai năm sau khi đã cho nhiều ý kiến quan trọng. Đồng chí thứ hai là Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền PTTMT, từ miền Nam ra tham gia Tổ TT.

Đồng chí thứ ba là đại tá Phan Hàm, Phó cục trưởng Cục Tác chiến, phụ trách khối chi viện chiến trường. Từ lúc đồng chí Thiếu tướng Vũ Lăng, Cục trưởng được cử vào Tây Nguyên nhận nhiệm vụ Tư lệnh thay Trung tướng Hoàng Minh Thảo thì anh Phan Hàm được bổ sung vào Tổ TT, làm thư ký các hội nghị thông qua lần thứ bảy và thứ tám, là những hội nghị Bộ CT mở rộng có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các chiến trường được mời tham gia.

Sau khi sửa chữa bản dự thảo lần thứ tám được các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và quân đội thông qua thành nghị quyết chính thì Tổ TT cũng kết thúc nhiệm vụ, khoảng ngày 15 đến 20 tháng 1-1975.

Chú thích:
1- Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB CTQG 2004, tr.68.
- Trước những ngày lịch sử Xuân 1975 (trích hồi ký của Đại tướng Lê Trọng Tấn), Tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 4-2005, tr.11.
2- Lịch sử Cục Tác chiến (1945 – 2005), NXB Quân đội nhân dân – 2005, tr.648.
3,4,5- Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng.

Trung tướng LÊ HỮU ĐỨC

Tin cùng chuyên mục