Chuyện người - Chuyện dê

Đầu năm 1947, mặt trận Huế vỡ. Giặc Pháp từ trong Nam kéo ra, từ Lào về đánh chiếm 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên. Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định lập trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng khoai, trồng lúa lấy lương thực, thực phẩm nuôi quân đánh Pháp. Trại có tên Phú Quý, đóng quân trước chiến khu Thuận Đức (trại Phú Quý là tiền thân của Nông trường Việt Trung sau này).
Chuyện người - Chuyện dê

Đầu năm 1947, mặt trận Huế vỡ. Giặc Pháp từ trong Nam kéo ra, từ Lào về đánh chiếm 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên. Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định lập trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng khoai, trồng lúa lấy lương thực, thực phẩm nuôi quân đánh Pháp. Trại có tên Phú Quý, đóng quân trước chiến khu Thuận Đức (trại Phú Quý là tiền thân của Nông trường Việt Trung sau này).

Tỉnh giao cho ông Phan Văn Thoại làm trưởng trại cùng một số anh chị em dân quân du kích lập lán, vỡ hoang; làm chuồng trại nuôi trâu bò, ngựa, dê, heo và gà vịt … Đặc biệt có đàn dê hơn trăm con, có một dê đực lông trắng, hai tai màu đen, rất khôn.

Giặc đóng ở thị xã Đồng Hới muốn đi càn phá trại Phú Quý cướp trâu bò, lúa gạo và đánh sâu vào chiến khu Thuận Đức thì chúng phải theo một con đường độc đạo lên phía Tây. Biết vậy, ông Thoại luyện cho bầy dê thói quen đi ăn thả rong ven con đường gần thị xã. Mỗi lần Pháp càn lên, bầy dê do chú tai đen có đeo mõ ở cổ dẫn đầu nhanh chân chạy về chuồng, báo động cho toàn trại kịp thời sơ tán, ẩn nấp và phục kích đánh Pháp.

Mấy lần giặc đánh lên Phú Quý - Thuận Đức đều bị bại lộ, Pháp và Việt gian biết nguyên nhân thất bại, chúng liền đổi kế hoạch đi càn ban đêm, lúc bầy dê đã ngủ. Không có tai đen khua mõ động rừng, giặc lẻn vào gần trại, du kích mới báo động thì đã muộn. Giặc đốt trại, bắt trâu bò, heo, dê. Tai đen dẫn đàn dê chạy trốn, bị giặc bắn theo trúng đạn chết. Mặc dù lúc đó cả chiến khu thiếu đói, nhưng không ai nỡ xẻ thịt tai đen. Họ đem tai đen đi chôn cất, lập bia mộ đàng hoàng. Trên tấm gỗ bia có mấy dòng chữ hắc ín viết: Mộ Dương Phú Quý (tự tai đen). Chú dê trinh sát bảo vệ tiền chiến khu Thuận Đức đã qua đời và nhân dân biết ơn như thế. Tôi biết thời kháng chiến chống Pháp có những con voi, con ngựa, con chó được tuyên dương công trạng. Thậm chí có con voi, con ngựa được phong quân hàm và được đặt tên người. Ông Trần Công Lục, nguyên Giám đốc Nông trường Việt Trung, kể cho tôi nghe về cái chết của tai đen, giọng trầm ngâm và kết luận: “Thế mới biết dân chẳng quên công lao của bất cứ ai, kể cả công của dê, của chó… nhưng kẻ nào làm hại dân thì dân nguyền rủa muôn đời.

Giữa năm 1961, tôi theo ông Nguyễn Chí Thanh về công tác ở Hợp tác xã Đại Phong. Chủ nhiệm Hợp tác xã Nguyễn Ngọc Ánh kể cho tôi nghe một câu chuyện có liên quan đến con dê.

Chuyện rằng: Ở hợp tác xã gần chợ Tréo có cô chủ nhiệm rất trẻ và xinh đẹp, được ông phó chủ tịch huyện say mê, muốn “cưa” cô ta để lập “phòng nhì”. Ông đã có vợ con đề huề và có tên Nguyễn Tự Đào hay Cúc gì đó. Ông thường đi xuống kiểm tra cơ sở để được gần gũi em chủ nhiệm. Nhưng đi mãi, tán mãi cô chủ nhiệm không chịu. Một hôm ông về cơ sở muộn, lại rủ cô chủ nhiệm ra thăm đồng. Đến một quãng đồng vắng, ông liền ôm chầm lấy cô chủ nhiệm hôn hít, sờ soạng và đòi… dê. Cô chống cự, vùng ra khỏi ông và bỏ chạy. Ông hăng máu dê đuổi theo, đến gần một đống rơm thì túm được cô, xô cô té ngửa vào giữa đống rơm, loay hoay giở trò thì bị cô cho một đạp giữa bộ hạ, té xuống ruộng. Cô chủ nhiệm nhanh chân vừa chạy vừa la làng. May sao xã viên đi làm đồng về thấy cảnh đó liền hô hoán hỗ trợ. Thế là từ cái hôm đó, ông mất tên. Dân cả huyện đồn đại cho nhau nghe và không ai bảo ai đều gọi ông là Nguyễn Tự Dê. Đi đường, gặp ông, anh chị em thanh niên “kính cẩn” chào: “Xin chào bác Dê!”, “Kính chào chú Dê!”. Bọn trẻ con còn lễ phép hơn, vòng tay: “Con xin lạy ông Dê”, “Xin lạy cụ Dê”.

Biết sống không nổi với dân vùng sông Kiến Giang, cụ Dê đã đổi đến làm việc ở một vùng miền núi xa xôi.

Không như ông Trần Công Lục trầm ngâm suy nghĩ và bình luận về công lao đánh giặc của một con dê và sự công bằng của dân khi vinh danh và đổi tên dê tai đen thành tên người: “Dương Phú Quý”, ông Nguyễn Ngọc Ánh không cần trầm ngâm suy nghĩ. Ông chỉ cười khúc khích và nói: “Nếu dê mà biết nói, nó sẽ khiển trách ông phó chủ tịch huyện đã làm nhục cho cả loài dê mang tiếng xấu”.

TRẦN CÔNG TẤN

Tin cùng chuyên mục