Chuyện ở làng VĐV: Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Chuyện ở làng VĐV: Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Có lẽ, nơi mà giới truyền thông khó “đột nhập” nhất chính là làng VĐV, địa điểm ăn nghỉ của gần 12.000 tuyển thủ đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á. Làng VĐV rộng cả 1.500m², nhưng được bố ráp rất kỹ lưỡng với nhiều tầng gác an ninh. Thành ra, dù rất “thèm muốn” được một lần mục sở thị nơi ăn, nghỉ của VĐV, nhưng cánh báo chí đành chỉ biết ngắm… từ xa!

Khó vượt “bức tường” an ninh

Xong thủ tục nhập làng, cũng đồng nghĩa với việc tất cả các VĐV đều bị “giam lỏng”, cấm ra ngoài tự do và với tư cách cá nhân. Giỏi lắm thì cũng chỉ đi đến… cổng an ninh rồi trở vào, vì quy định của làng VĐV đã chỉ ra rất rõ rằng, mọi cá nhân đều “nội bất xuất”.

Nói chung, đã vào làng rồi thì đừng mong có cửa lang thang hẹn hò bạn bè, hay người thân ra ngoài bách bộ thưởng lãm cảnh đẹp hay mua sắm, ăn uống ở các đường phố Quảng Châu tấp nập.

HLV đội tuyển Olympic Việt Nam Phan Thanh Hùng cho biết: “Khó quá! Sau giờ tập, mình muốn ra ngoài lang thang đây đó cho thoải mái tinh thần cũng phải xin cho được chữ ký bảo lãnh của trưởng đoàn bóng đá thì mới được. Không có chuyện tự do ra, vào như ở nhiều đại hội khác. Nhiều lúc cũng thấy khó chịu, nhưng có lẽ vì sự an toàn cho rất nhiều người nên phải chấp nhận”.
 
Cánh phóng viên Việt Nam sau vài ngày đến Quảng Châu tác nghiệp, dù đã nghĩ ra đủ “mưu”, nhưng không thể đột nhập được vào làng VĐV. Ngay cả dùng “chiêu” đi ké xe của đội tuyển Olympic tập luyện hay thi đấu về cũng bị lộ tẩy hết. Thành ra, muốn thì rất muốn, nhưng chẳng ai vượt qua nổi hàng rào an ninh dày đặc và kỹ lưỡng mà BTC Asian Games 2010 lập ra.

Việc kiểm soát an ninh ở làng VĐV rất nghiêm ngặt, cánh báo chí chỉ có thể tranh thủ gặp gỡ các VĐV ở sân tập. Ảnh: B.NH

Việc kiểm soát an ninh ở làng VĐV rất nghiêm ngặt, cánh báo chí chỉ có thể tranh thủ gặp gỡ các VĐV ở sân tập. Ảnh: B.NH

Không thể mượn thẻ để vào, vì hệ thống an ninh kiểm soát vừa bằng số liệu, vừa bằng hình ảnh thực in trên thẻ và người sử dụng. Cũng không thể nhờ vả lãnh đạo đoàn xin cho vào, nên rốt cuộc lại vẫn chỉ là nghe ngóng, gọi điện hỏi thăm các tuyển thủ trong làng để nắm bắt tình hình là hết.

May mắn nhất có lẽ là nhóm phóng viên viết của báo Thể Thao Việt Nam “tháp tùng” cùng đoàn thể thao với tư cách thành viên nên được vào ở luôn trong làng VĐV, và có thể thoải mái tác nghiệp ngay tại nơi mà ai cũng thèm muốn đột nhập này.

Tất nhiên, cũng phải đợi đến hôm nay (11-11), thời điểm đoàn thể thao Việt Nam chính thức nhập làng và thực hiện nghi thức thượng cờ, nhóm phóng viên này mới có cơ hội “ra tay” tác nghiệp.

Chữ ký trưởng đoàn đâu?

Ký bảo lãnh cho các cầu thủ đội tuyển Olympic Việt Nam ra khỏi làng đi dạo hoặc ăn uống, nhưng đến phiên mình, trưởng đoàn bóng đá Dương Vũ Lâm đành… bó tay!

“Cách đây ít ngày, tôi có người thân đang làm việc ở Quảng Châu biết mình đến liền gọi điện mời về nhà thăm. Thế nhưng khi xin ra, lực lượng an ninh chặn lại hỏi nếu có giấy bảo lãnh của Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Lê Quý Phượng thì mới được phép ra. Cái đó thì tôi chịu, bởi anh Phượng còn ở Việt Nam, cận ngày khai mạc mới sang thì tôi biết xin giấy ở đâu? Ký giấy cho mọi người ra được, đến lượt mình thì chịu, nghĩ vừa buồn cười lại vừa tủi”, ông Lâm thổ lộ.

Theo quy định, chỉ có cấp trưởng đoàn thể thao mới được quyền bảo lãnh cho trưởng đoàn từng môn ra khỏi làng VĐV sau khi đã nhập làng. Vì vậy, dù rất muốn ra ngoài ngắm nghía phố phường hay trò chuyện cùng cánh báo chí thân thuộc, ông Dương Vũ Lâm đành phải đợi đến thời điểm đội tuyển Olympic ra sân tập, hoặc sân thi đấu thì mới gặp được.

Công phu chuyện phục vụ

Ông Zhong Zhiyan - phụ trách chuyện ăn, ở của làng VĐV - cho biết, căng thẳng nhất vẫn là chuẩn bị chỗ ngủ và ăn uống cho VĐV theo nhiều tôn giáo khác nhau.

“Tất cả phải rất kỹ lưỡng, đặc biệt là đối với nơi nghỉ và thức ăn cho các VĐV đạo Hồi. Phòng cho họ phải lớn nhất, vì ngoài chuyện nghỉ ngơi, họ còn cầu nguyện hàng ngày. Chúng tôi chuẩn bị 6 dãy phòng dành riêng cho các VĐV, HLV, quan chức theo đạo Hồi, đạo Phật, Thiên chúa, Hindu… với các tiện nghi và vật dụng giống hệt như ở đất nước của họ. Mỗi tôn giáo ăn theo phong cách khác nhau và thực phẩm dùng để chế biến cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Sai sót ở đây là điều không thể chấp nhận được”, ông Zhong bày tỏ.

Đội ngũ tình nguyện viên và người phục vụ làm việc ở khu đặc biệt này đã được tập huấn suốt hơn 1 năm qua, không chỉ về ngoại ngữ (thông dụng là tiếng Anh, ngoài ra còn có tiếng Ả-rập, tiếng Mã Lai…) mà cả cách chăm sóc theo đặc thù tôn giáo.

Tuy nhiên, không phải cứ hoàn tất khóa tập huấn xong thì các tình nguyện viên khắc thuận tiện khi phục vụ. BTC chỉ chọn ra được 24 người phục vụ chuyên nghiệp và 46 tình nguyện viên giỏi nhất để đưa vào khu đặc biệt này. 

THANH LÂM

Tin cùng chuyên mục