Chuyện ở “vương quốc tôm hùm”

Dù là người lạc quan nhất xã đảo Cam Bình cũng không ai dám tin rằng cuộc sống tại xã đảo tiền tiêu này có một bước đột phá mãnh liệt như hôm nay. Cam Bình là một trong số ít xã đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm nay.
Chuyện ở “vương quốc tôm hùm”

Dù là người lạc quan nhất xã đảo Cam Bình cũng không ai dám tin rằng cuộc sống tại xã đảo tiền tiêu này có một bước đột phá mãnh liệt như hôm nay. Cam Bình là một trong số ít xã đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm nay.

Ấn tượng Bình Ba

Từ cảng Đá Bạc (TP Cam Ranh, Khánh Hòa), chiếc ghe đưa chúng tôi cùng gần 100 hành khách và hàng hóa của người dân ra đảo Bình Ba - trung tâm hành chính của xã Cam Bình. Xã đảo Cam Bình, TP Cam Ranh có 2 đảo và 4 thôn, riêng Bình Ba đã có 3 thôn và tập trung đa phần dân số tại đây. Có nhiều cách để ra đảo Bình Ba, nếu đi tàu cao tốc thì khoảng hơn 20 phút có thể đến đảo. Nhưng riêng tôi, tôi chọn cho mình chiếc ghe chở hàng, chạy ì ạch. Đúng 1 tiếng 20 phút vượt sóng biển với hơn 7 hải lý, chiếc ghe chậm rãi đưa chúng tôi cập cảng Bình Ba. Dù đã đi nhiều xã đảo, điểm đảo nhưng Bình Ba hiện ra trước mắt chúng tôi thật khác biệt, đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Tàu cập bến, từ chân cầu cảng Bình Ba, vật liệu xây dựng từ đất liền được vận chuyển ra chất ngổn ngang. Dọc theo bờ biển Bình Ba, nhiều nhà nghỉ, khách sạn cao tầng đang hoàn thiện. Ngay bến cảng, một trung tâm thương mại của Bình Ba hiện rõ với những dãy ki-ốt nằm san sát nhau. Hỏi ra mới biết, do nhu cầu phát triển, nên 2 năm qua, lãnh đạo xã Cam Bình đã đầu tư xây dựng các dãy nhà liền kề để cho người dân thuê kinh doanh. Ngay trung tâm này, hàng hóa được bày bán không thiếu thứ gì, từ đặc sản vùng biển đảo đến những nhu yếu phẩm cần thiết nhất, mục đích chính để phục vụ du khách. Và khoảng 2 năm trở lại đây, nhu cầu du khách đến Bình Ba tăng, nhiều người đã bỏ tiền ra xây dựng hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn tại đây để phục vụ du khách. Nhà cao tầng vốn là điều xa xỉ của các xã đảo nay thành hiện thực ở Bình Ba. Không những vậy, Bình Ba bây giờ quán sá mọc lên như nấm, chỉ tính riêng dọc bãi biển Bình Ba đã có đến hàng chục nhà hàng quy mô. Ban đêm, khách du lịch, người dân kéo ra bãi biển, tận hưởng những món ngon hải sản tươi rói, say sưa ca hát dưới ánh điện sáng rực không khác gì một thành phố biển về đêm.

Một góc Bình Ba

Dẫn chúng tôi đi quanh đảo, anh Sĩ, sĩ quan Đồn Biên phòng Cam Bình đóng tại Bình Ba, nói rằng vào ban đêm, người dân Bình Ba không cần khóa cửa hay dắt xe máy vào nhà khi đi ngủ. Nghe lạ, nhưng người dân nơi đây nói bình thường, bởi từ trước đến nay trên đảo Bình Ba chưa có vụ trộm cắp nào đáng kể. Anh Sĩ vừa dứt lời, thượng tá Vũ Đình Chiểu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cam Bình, tiếp lời: “Mấy bữa đi tập thể dục buổi sáng, tôi thấy nhiều xe máy bỏ lại hai bên đường, thấy cũng lạ. Hỏi ra đó là những chiếc xe du khách đến đây và thuê, sau khi đi dạo quanh đảo, có thể hết xăng dọc đường hoặc do mải mê ngắm cảnh mà quên cả xe. Vài ba ngày sau, khi có người hỏi thuê xe, chủ xe mới đi tìm về để cho khách khác thuê…”. Còn anh Thành, một hướng dẫn viên du lịch đến từ TPHCM, cho biết anh nhiều lần đưa khách đến với Bình Ba, họ tấm tắc khen cảnh vật, hải sản nơi đây. Nhưng riêng nhận xét của anh Thành thì chính sự hiền hòa, mến khách của con người xã đảo mới chính là điều để lại trong lòng du khách nhiều ấn tượng. Vậy nên, 2 năm trở lại đây, dù mỗi năm Bình Ba thu hút hàng ngàn lượt khách, nhưng tại đây chưa xảy ra bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ nhất là chuyện mất cắp. Vào thời cao điểm, khách đến Bình Ba quá tải chỗ nghỉ, dân nơi đây còn “hy sinh” ra các ghe tàu, bè tôm, mép biển ngủ, nhường lại nhà cho khách thuê trọ.

Đảo… tỷ phú

Thật may mắn khi chuyến ghe ra đảo Bình Ba, tôi được ngồi cạnh những người dân đảo. Nhiều câu chuyện giữa họ khiến tôi ngạc nhiên, nhất là chuyện dân đảo vào thành phố mua đất, cất nhà hàng tỷ đồng. Vậy nên, người đồng nghiệp đi cùng tôi hôm đó, khi vừa nghe xong tỏ ý thắc mắc: “Người dân đảo này có “nổ” không anh?”. Khi tôi chưa có câu trả lời thì bác Bảy Hiền, năm nay đã qua tuổi 70, chỉ tay về phía những bè nuôi tôm nổi bồng bềnh trên mặt nước và nói: “Dân đảo sống nhờ các bè đó”. Bác Bảy Hiền kể vừa mới vào Cam Ranh mừng nhà mới của đứa con trai út. Căn nhà xây hơn 1 tỷ đồng, chưa kể tiền mua đất hàng trăm triệu đồng cách đây hơn 3 năm. Con trai bác Hiền học xong đại học rồi về TP Cam Ranh làm việc, nay tròn 30 tuổi, mới lập gia đình. Nghe chuyện, tôi đùa: “Ở tuổi con bác mà đủ tiền mua nhà ở TP là oách lắm, không ai bằng”. Bác Hiền cười: “Đó là của cải bác dành dụm qua bao nhiêu năm làm lụng, nay già rồi, cho con cho cái chứ để biết làm gì. Mà không riêng gì bác, chuyện dân đảo Bình Ba vào đất liền mua nhà, mua đất nhiều lắm… ”.

Người dân Khánh Hòa có câu “Yến sào Hòn Nội/ Vịt lội Ninh Hòa/ Tôm hùm Bình Ba/ Nai khô Diên Khánh” để nói về những đặc sản từng vùng quê trù phú. Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Trần Văn Hóa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Bình: “Tại sao Bình Ba được gọi là đảo tôm hùm, như trong câu truyền miệng của người dân xứ Trầm Hương - Khánh Hòa?”. Có lẽ, bản thân ông Trần Văn Hóa cũng khó lý giải một cách cặn kẽ gốc tích. Chỉ có điều, theo ông biết, ở các vùng biển tại Khánh Hòa, nơi đâu cũng có tôm hùm. Nhưng riêng đối với đảo Bình Ba, có lẽ là nơi nhiều tôm hùm nhất nên người ta ví đây là… đảo tôm hùm. Theo ông Hóa, cách đây khoảng 15 năm, người ta biết đến Bình Ba bởi lượng tôm hùm tự nhiên đánh bắt được rất nhiều. Ngày đó, mỗi ngày một người dân xuống biển, chí ít cũng săn được 5-10kg tôm hùm. Bản thân ông Hóa cũng là một “thợ săn” tôm nên ông khá tường tận. “Trước đây, tôm hùm đánh bắt được ăn không hết, nên phơi khô để ăn dần, lớp để biếu… Nếu không ăn, không biếu thì dân gửi sang đất liền để trao đổi các loại vật tư khác phục vụ đời sống, chứ không thương mại hóa như ngày nay. Chắc bởi vậy mà người đời biết về Bình Ba ngày mỗi nhiều qua con tôm hùm”, ông Hóa nhớ lại. 

Trong những câu chuyện với người dân trên đảo, tôi hình dung ra trong ký ức của nhiều người ở đây, không ai ngờ Bình Ba hôm nay có sự đổi thay kỳ diệu đến vậy. Nói như ông Phạm Bằng, một người sống lâu năm trên đảo Bình Ba thì ở đảo, người có bạc tỷ đếm không xuể. Bình Ba nói riêng và xã đảo Cam Bình nói chung không chỉ nổi tiếng về tôm hùm tự nhiên, mà ngày nay, người dân còn thành công nhờ con tôm hùm nuôi. Anh Lưu Thế Anh, một chủ kinh doanh tôm hùm nuôi tại TP Cam Ranh, cho biết, ở miền Trung có nhiều nơi nuôi tôm hùm, nhưng không có nơi nào nuôi tôm hiệu quả và bền vững như ở Bình Ba. Anh Thế Anh nói quả không sai, vì trong tổng số hơn 1.000 hộ nuôi tôm trên đảo Bình Ba từ trước đến nay, người nào đã nuôi tôm là thành công, vậy nên chẳng có ai trên đảo phải vay tiền ngân hàng, mà ngược lại. “Tôi nói không ngoa thì dân trên đảo Bình Ba, người có tiền tỷ trong tay cũng phải đến 15% dân số. Còn người có từ 500-700 triệu chiếm khoảng 50%, một vài trăm triệu thì hầu như nhà nào cũng có”, ông Hóa khoe.

Chạm đích nông thôn mới

Đời sống của nhân dân trên các đảo thuộc xã Cam Bình đang thực sự đổi thay. Cam Bình có hơn 1.200 hộ dân với khoảng 5.200 nhân khẩu. Mặc dù là xã đảo vốn có nhiều điều kiến khó khăn, nhưng thu nhập của người dân trên đảo cao vượt trội với các vùng quê khác, kể cả đồng bằng. Theo thống kê sơ bộ, thu nhập của dân Cam Bình đạt 35 triệu đồng/người/năm, trong khi đó tiêu chí nông thôn mới năm 2014 chỉ 21 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nông thôn mới là 5%, nhưng Cam Bình chỉ có 2,1%, thấp nhất trong các địa phương thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ông Trần Văn Hóa cho biết thêm, Cam Bình xây dựng khung thu nhập người dân trên đảo là 35 triệu đồng/người/năm, nhưng thu nhập thực tế của dân nơi đây đạt 46 triệu đồng/người/năm. “Từ ngày xã phát động xây dựng nông thôn mới, người dân hưởng ứng tích cực lắm. Vậy nên, trong 2 năm qua, người dân trên đảo đã tự nguyện góp tiền xây dựng 30 căn nhà đại đoàn kết, làm đường, đây là kết quả thể hiện thước đo của lòng dân. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới mà Cam Bình đang trên đường về đích, hiện đã có 14 tiêu chí đạt chuẩn, 5 tiêu chí còn lại chúng tôi sẽ hoàn thành vào cuối năm nay”, ông Hóa tự hào.

Bình Ba đã và đang giàu lên từng ngày. Nhưng điều tôi cảm nhận được sự giàu có còn hơn vật chất của người dân nơi đây chính là họ “giàu” về suy nghĩ trong cách làm ăn. Anh Trần Ngọc Huy, một tỷ phú tôm hùm lồng tại Bình Ba đúc kết sau 15 làm nghề nuôi tôm: “Con người cần môi trường sạch sẽ để sống. Và nuôi con tôm hùm chẳng khác gì một đứa trẻ. Mình cho nó sống trong môi trường sạch, ăn đồ tốt thì nó sống khỏe, chóng lớn và đem lại cho mình những thành quả như mong đợi”. Suy nghĩ của anh Huy cũng chính là suy nghĩ của rất nhiều hộ nuôi tôm cũng như tâm đắc của chính quyền địa phương. Thế nên, cách đây 3 năm, chủ trương nuôi tôm sạch, giữ môi trường sạch trên các đảo Cam Bình bằng phong trào tổ tự quản trên các bè tôm đã được hưởng ứng. Với 1.000 hộ nuôi, mỗi tháng đóng góp 300.000 đồng/hộ đã cho ra đời 16 tổ thu gom rác thải tự quản. Hàng ngày họ đi thu gom thức ăn thừa, rác thải tại các vị trí nuôi tôm để đem đi xử lý tập trung. Kết quả, trong 3 vụ nuôi tôm gần đây, tôm hùm mắc bệnh hầu như giảm rõ rệt. 3 vụ mùa bội thu đã đến với dân Cam Bình.

Chia tay Cam Bình, câu nói của ông Trần Văn Hóa khiến tôi mát lòng thay cho người dân xã đảo: “Giàu có mà không bền vững thì không giàu. Chỉ có thước đo thu nhập mới đánh giá đúng nghĩa sự giàu”.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục